Ca sĩ Trần Lập mất, hẳn rất nhiều người trong chúng ta đau lòng, hụt hẫng. Anh để lại cho thế hệ trẻ, cho những người yêu rock một gia tài rất lớn về âm nhạc.
Mấy ngày nay, hình ảnh của anh, những bài hát của anh được chia sẻ khắp nơi trên cõi mạng. Liệu rằng cách yêu quý, cách tiếc thương của chúng ta đã đúng.
Ca sĩ Trần Lập.
Xin hãy nhớ cho, những ca khúc của Lập là tài sản riêng của anh. Nếu muốn phổ biến, lan truyền cũng phải hợp lý chứ không phải sao chép vô tội vạ. Vậy, chúng ta sẽ gìn giữ những bài hát của Trần Lập như thế nào?
Khi Maicheal Jackson qua đời, nhiều năm sau con cháu của ông Vua nhạp Pop lừng danh này vẫn nhận được những khoản tiền bản quyền khổng lồ từ việc thu âm hay phát hành ca khúc của ông.
Ở những thị trường âm nhạc lớn, tình yêu, sự mến mộ của công chúng đối với 1 ngôi sao được quy đổi ra những giá trị vật chất xứng tầm.
Họ vẫn mãi sống trong lòng công chúng. Nhưng bằng cách thức rất rạch ròi, bằng tình yêu không ích kỷ, không vụ lợi. Anh yêu thích ca khúc, yêu thích những sáng tác của tôi, xin mời anh bỏ tiền xem show.
Và khi nghệ sĩ mất đi, xin hãy cứ yêu thương và đồng thời nếu muốn nghe, hãy bỏ tiền mua đĩa, đĩa gốc chứ không phải đĩa lậu. Đó là cách nhớ đến nghệ sĩ rất thiết thực và cũng không kém phần trong sáng.
Với thị trường âm nhạc Việt Nam, tôi chắc rằng, hầu hết các nghệ sĩ đương thời đều ớn lạnh với vấn nạn băng đĩa lậu. Có rất nhiều lý do để những hành vi phi pháp đó mỗi ngày thêm nhức nhối.
Công chúng trong nước có yêu nghệ sĩ không? Câu trả lời là có, rất yêu, rất tôn sùng là đằng khác. Nhưng công chúng có mua đĩa lậu ngoài chợ Trời với giá 10.000đ/ cặp đĩa nhạc, đĩa hài hay đĩa phim không?
Câu trả lời cũng là có, rất nhiều là đằng khác. Ai cũng có lý do để làm việc đó. Vì đĩa lậu rẻ, vì tôi nghèo, vì mua được nhanh. Vậy là nhiều sản phẩm, nhiều đứa con tinh thần của không ít nghệ sĩ đã bị bóp chết không thương tiếc.
Bao nhiêu công sức lao động, sáng tạo, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tiền bạc và thậm chí là máu của của người nghệ sĩ phút chốc tan như bong bóng xà phòng.
Tết vừa rồi, tôi thấy nhiều gia đình mở đĩa hài Tết. Xuyên suốt nội dung các tiểu phẩm là những tình huống xuất hiện những sản phẩm, thương hiệu như thời trang, nước mắm và cả ngói lợp nhà.
Vì sao nghệ sĩ phải cắn răng vừa diễn vừa tiếp thị sản phẩm, vì sao họ phải cài cắm quảng cáo một cách vô duyên để làm méo mó sản phẩm nghệ thuật của mình như vậy? Nếu không làm như vậy, doanh nghiệp sẽ không tài trợ.
Không có nguồn kinh phí này mà chỉ trông chờ vào việc bán đĩa, nghệ sĩ sẽ phải bán nhà để phục vụ công chúng. Thực tế đau xót này không phải chưa từng xảy ra.
Nhiều năm nay, không nghệ sĩ, không hãng phim nào dám tự tin vào việc phát hành băng, đĩa. Chỉ vài phút sau khi phát hành là sản phẩm bị sao chép một cách vô tội vạ rồi tung lên mạng như sản phẩm chùa.a
Ngày hôm qua ca sĩ Trần Lập đã ra đi. Ai cũng tiếc thương một người đàn ông tài.hoa nhưng bạc mệnh. Đơn giản vì anh đã để lại 1 gia tài âm nhạc đồ sộ và có thể coi là rất quý, rất giá trị trong 1 thị trường âm nhạc hỗn tạp như hiện nay.
Nhưng mấy ai trong chúng ta đã bỏ tiền mua vé xem anh biểu diễn, mấy ai đã bỏ tiền mua đĩa nhạc gốc một cách đầy yêu thương, trân trọng. Tôi tin là có nhưng đó không phải số đông.
Vì vậy, xin hãy công bằng để nhìn nhận, gia tài âm nhạc mà Lập tạo dựng trong suốt những năm tháng qua thuộc về cá nhân anh và bây giờ thuộc về vợ con anh.
Gia tài âm nhạc đó không thuộc về tất cả chúng ta. Nếu yêu Trần Lập, yêu những ca khúc của anh hãy đừng mua đĩa lậu. Thể hiện tình yêu với anh như vậy rất không công bằng.
Hãy để Lập thấy rằng, số đông công chúng đã, đang và sẽ luôn dành cho anh 1 tình yêu không vụ lợi, không ích kỷ. Nói đơn giản, hãy ngừng tiếp tay cho việc in, sao đĩa lậu sau khi anh ra đi.
Chẳng nghệ sĩ nào muốn, khi qua thế giới bên kia phải nhìn thấy cảnh, ngày ngày những khán giả yêu quý vẫn cố tình tiếp tay cho những hành vi sao chép, ăn cắp những sản phẩm nghệ thuật của mình.
Nếu tình hình băng đĩa lậu cứ mãi hoành hành và quả thực có kiếp sau, tôi chắc sẽ chẳng ai muốn quay trở lại dương gian để làm nghệ sĩ.