Tiếp xúc với những diễn viên xiếc thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam, tôi nghe họ nói nhiều về đam mê. Và sẽ là nói dối nếu tôi phủ nhận mình đã tặc lưỡi nghĩ thầm: “Nghề nào chẳng cần đam mê”. Thế nhưng được đồng hành, tìm hiểu hơn về đời sống của họ, bạn sẽ nhận ra rằng để trở thành một nghệ sĩ xiếc, đam mê thôi nhiều khi chưa đủ.
Lần đầu tiên bước vào sân khấu, khi thấy các diễn viên nữ đang miệt mài tập màn chào đầu với những động tác vũ đạo, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Mang câu hỏi đó đến với nghệ sĩ xiếc trăn Tống Toàn Thắng – Trưởng đoàn diễn viên 3 Liên đoàn xiếc Việt Nam – tôi nhận được câu trả lời thẳng thắn: “Xiếc không thì ai xem hả em?”
Nghệ sĩ xiếc bây giờ không phải chỉ cần mặc quần áo sặc sỡ, lên sân khấu và diễn trò. Họ phải tự biến mình thành người nghệ sĩ đa năng, phải biết múa, biết níu kéo sự quan tâm của khán giả bằng chính cảm xúc thể hiện trên gương mặt.
Nhưng thay đổi là chuyện của người diễn viên, thu nhập thì suốt bao năm vẫn đong đếm bằng cấp bậc. Đây có lẽ là điều thiếu công bằng đối với những người hoạt động nghệ thuật.
Là diễn viên xiếc, bạn phải quen với việc đi diễn tỉnh vào cuối tuần, cũng đừng nghĩ sẽ có đội hậu cần giúp đỡ các diễn viên di chuyển đạo cụ lên xe ô tô. Tất cả phải tự thân vận động.
Những dụng cụ cần thiết cho buổi trình diễn và các con thú diễn sẽ được vận chuyển bằng xe tải. Chiếc xe này sẽ khởi hành, đến địa điểm diễn trước.
Những chuyến đi xa, cách Hà nội cả trăm cây số dù vất vả nhưng được các diễn viên trẻ rất thích thú. Lẽ dĩ nhiên điều này không hấp dẫn nhưng diễn viên có tuổi vì thông thường khi đó, sức khỏe của họ đã bị sụt giảm rất nhiều do ảnh hưởng nghề nghiệp. Việc phải vận động mạnh ngày trẻ khiến xương sống của họ bị tác động mạnh, gây ra thoái hóa.
Khi đến nơi, các diễn viên phải tự mình chuyển đồ về phía cánh gà.
Những chuyến diễn xa cũng dần trở thành thói quen của các con thú.
Đến bất cứ đâu, việc đầu tiên của họ cũng là khảo sát sân khấu để chuẩn bị cho buổi biểu diễn tối. Thông thường, hai nghệ sĩ nam sẽ leo lên trần nhà thi đấu mà không có bất cứ thiết bị bảo vệ nào để treo dây phục vụ cho tiết mục đu dây trên cao.
Công việc này rất nguy hiểm và đòi hỏi sự cẩn thận cao. Anh Cường, một diễn viên xiếc thường thực hiện công việc này, thành thật: "Tôi cũng sợ lắm nhưng biết thế nào. Việc thì phải làm thôi".
Hương, một diễn viên nữ đang thử lại dây sau khi đã treo. Thông thường, tiết mục đu dây của các diễn viên không có dây bảo hộ. Thế nên, để tránh những tai nạn đáng tiếc, dây đu phải do chính những thành viên trong đoàn treo. Họ là những người hiểu nhất hậu quả nếu có điều gì không may xảy ra.
Công tác chuẩn bị sân khấu có phần nặng nhọc nên phần lớn đều được các thành viên nam thực hiện.
NSƯT Tống Toàn Thắng là trưởng đoàn diễn viên 3. Anh tần ngần kiểm tra lại từng chi tiết nhỏ trước khi đêm diễn bắt đầu.
Không có bàn trang điểm, không có đèn sáng, các diễn viên xiếc tận dụng ánh sáng hắt vào từ sân khấu để hóa trang trước khi lên sân khấu. Họ cũng đã quen với sự thiếu thốn này.
Cô Mai Huệ (người phụ nữ mặc áo chấm bi) năm nay 54 tuổi. Ở tuổi cô rất ít ai còn theo nghề. Ngày trẻ, cô cũng nhào lộn đu dây nhưng hiện tại, cô đã chuyển sang xiếc chó. Người nghệ sĩ này đang phải chịu những cơn đau vì bị thái hóa đốt sống cổ, một di chứng nặng nề vì công việc.
Tối đó, anh Cường (1988) vào vai chú hề với kỹ năng giữ thăng bằng trên xe đạp một bánh và gánh thêm đồng đội. Bên ngoài, Cường là người rất ít nói và chỉ thích làm bạn với chiếc điện thoại nhưng khi lên sân khấu, vai diễn của anh lại rất vui nhộn. Anh đang hoàn thành nhưng công đoạn hóa trang cuối cùng.
Một diễn viên nam lớn tuổi hơn cũng có cái tên giống hệt chú hề đáng yêu đang giúp vợ - chị Ngọc - chỉnh lại trang phục trước khi lên sân khấu. Anh Cường cũng là một diễn viên giữ thăng bằng trên xe đạp một bánh, trong khi đó chị Ngọc biểu diễn lắc vòng.
Một góc tối ở bên dưới sân khấu được những người nghệ sĩ sử dụng để thay trang phục. Ở một vài sân khấu, việc diễn viên có phòng thay đồ cũng là chuyện khó. Thế nên họ phải thích nghi với mọi hoàn cảnh mà không hề có bất cứ lời than phiền nào.
Hai nữ diễn viên tranh thủ khâu lại trang phục trước giờ diễn.
Thiếu thốn là thế nhưng khi bước lên sân khấu, các diễn viên phải rực rỡ và vui tươi nhất.
Để diễn viên đu dây lên được trên không trung, những người đồng nghiệp của cô phải dùng tay để kéo. Công việc tưởng chừng như rất đơn giản này đòi hỏi phải đều tay và có sự tập trung cao độ bởi ở bên trên là người nghệ sĩ không có bất cứ thiết bị bảo hộ nào cả.
Tiết mục lắc vòng của chị Ngọc nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của những người đến xem.
Gấu chạy xe máy cũng là phần trình diễn được các em nhỏ rất thích thú.
Khi ánh đèn sân khấu vụt tắt cũng là lúc những người nghệ sĩ tẩy lớp hóa trang và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Những diễn viên xiếc gấu, giữ thăng bằng bây giờ trở thành người vận chuyển. Họ lại đóng gói hành lý ra xe để chuẩn bị ra về.
Hai diễn viên lúc chiều trèo lên treo dây bây giờ lại gỡ. Ở thời điểm ấy, họ đã phải dùng ánh sáng yếu ớt của đèn pin để dò dẫm.
Khán giả về hết, sân khấu chỏng chơ bộ khung còn người nghệ sĩ lẳng lặng ra về.
11h đêm cũng là lúc họ cùng ngồi bên nhau, cùng uống cốc nước trước khi lên xe về lại Hà Nội.
Chuyến xe đêm sẽ đưa họ về lại Hà Nội vào lúc 2h sáng ngày hôm sau. Vất vả là thế nhưng không một ai than vãn. Ngược lại, họ còn tỏ ra rất hào hứng. Đối với những người nghệ sĩ, được đứng trên sân khấu, được phục vụ khán giả là niềm hạnh phúc nhất. Thế nên, dù công việc có vất vả và đầy nguy hiêm, họ vẫn chấp nhận.