Phụ nữ trong đài thì mặc áo dài nhưng phải cắt tà rất ngắn chomát và tiết kiệm vải, nam giới thì phải sơ vin, mà thời đó, áo toàn phanilon là chủ yếu. Mỗi lần đọc xong bản tin, anh em ra rũ bỏ sơ vin thìnước chảy ròng ròng.
Gặp NSƯT Mạnh Tường trong chiều Hà Nội mưa bão, ngồi trong căn phòng thoáng đãng với cây cối xanh mướt xung quanh, nhấp một chén trà thơm, ăn một chiếc kẹo ngọt, NSƯT Mạnh Tường chậm rãi kể cho tôi nghe những tháng năm làm nghề đầy cực khổ.
Nhưng trong điều kiện làm nghề còn nhiều khó khăn, có một sự ganh đua ngấm ngầm giữa các phát thanh viên để có thể nổi tiếng trong Đài truyền hình.
Ca sĩ ‘đinh’ nửa đường đứt gánh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không làm nghệ thuật nhưng 11 anh chị em nhà NSƯT Mạnh Tường đều được thừa hưởng chất giọng đẹp từ bố mẹ.
Từ bé, Mạnh Tường chỉ yêu thích ca hát, lớn lên được chọn vào đoàn văn công chuyên đi hát phục vụ các chiến sĩ chiến đấu tại chiến trường.
Dù gian khổ bom đạn nhưng NSƯT Mạnh Tường rất vui. Chỉ cần được cất tiếng hát, mọi sợ hãi, bom đạn cận kề, cái chết chỉ trong tích tắc đều không là gì cả với chàng ca sĩ đầy nhiệt huyết Mạnh Tường.
Thế nhưng, một cơn xuất huyết dạ dày khiến chàng ca sĩ ‘đinh’ của đoàn không thể đủ sức khỏe phục vụ chiến sĩ. Lúc đó, Mạnh Tường bị trả về địa phương.
25 tuổi, từ bé tới lớn chỉ đam mê duy nhất là ca hát, bị từ chối, chàng trai Mạnh Tường cảm thấy hụt hẫng, không biết tương lai mình sẽ làm gì.
Thế rồi, nhờ chất giọng đẹp, bạn bè giới thiệu Mạnh Tường thi tuyển phát thanh viên Đài truyền hình Việt Nam. Nghề này thời điểm đó rất mới.
NSƯT Mạnh Tường bảo, thời ông, môi trường làm việc không có nhiều thuận lợi nhưng ai ai cũng ngấm ngầm quyết tâm phấn đấu, ganh đua nhau để có thể đọc hay từng bản tin nhỏ một, phấn đấu đến tột cùng để có thể được chú ý trong nhà Đài.
NSƯT Mạnh Tường kể, mỗi bản tin ông đều phải đầu tư, suy nghĩ về cách đọc sao cho truyền thông điệp gọn gàng và súc tích nhưng thuyết phục người nghe.
Về nhà Đài từ năm 1973 nhưng phải 2 năm sau, NSƯT Mạnh Tường mới được coi là vị trí phát thanh viên ‘đinh’ của Đài.
Thế nhưng, khi công việc đang suôn sẻ, cơn đau dạ dày khiến NSƯT Mạnh Tường sút cân khủng khiếp. Một lần nữa, công việc của ông lại bị xáo trộn.
Từ một phát thanh viên đang được yêu mến ngày nào cũng xuất hiện trên sóng vào giờ ‘vàng’ giờ đột nhiên ‘biến mất’ khiến ông buồn vô kể.
Cũng có nhiều sự đồn đoán sau 2 năm không lên sóng của ông nhưng ông bảo, tất cả là do khuôn mặt quá gầy, không đẹp khi lên sóng nên lãnh đạo phân công ông đọc thuyết minh phim truyện.
Vẫn với lòng yêu nghề, NSƯT Mạnh Tường tiếp tục đầu tư, đào sâu nghiên cứu lĩnh vực mình được phân công. Ông muốn mình cũng phải là ‘đinh’ trong lĩnh vực đọc thuyết minh phim.
Ông nhớ lại thời đó Việt Nam hay chiếu những bộ phim về chiến tranh ở Nga. Đọc thuyết minh như thế, cảm xúc của ông lúc nào cũng tràn đầy bởi ông đã từng ra chiến trường, đã từng chứng kiến những cảnh bi thương nhất nơi chiến trận.
Giọng đọc của ông vì thề mà đầy xúc cảm, thuyết phục người xem. Những bộ phim gắn bó tên tuổi ông lúc bấy giờ có thể kể đến “17 Khoảnh khắc mùa xuân”, “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”...
Hỏi ông, ở lĩnh vực nào cũng là ‘người nổi tiếng’, liệu có những rắc rối nào ông đã từng gặp phải? Ông cười bảo có thể ngày xưa, người hâm mộ lành hơn bây giờ nên ông không gặp rắc rối gì.
Chỉ có những kỉ niệm khó quên với những bức thư tỏ tình của người hâm mộ gửi. Có bức, ông còn đọc cho cả vợ nghe. Hay có lần ra chợ mua cá cho vợ, cô bán cá nhìn chằm chằm vào ông mà thốt lên rằng “Chồng cháu mê chú lắm”!
Từng bị so sánh với công nhân hầm lò
Nói về môi trường làm việc lúc đó, NSƯT Mạnh Tường bảo người ta so sánh môi trường làm việc của phát thanh viên với công nhân hầm lò.
Khi ấy phòng phát thanh quay trực tiếp, không có điều hòa, máy lạnh, anh em phát thanh viên trình bày với lãnh đạo xin chế độ vì làm việc quá nóng.
“Lúc đó, Nhà nước cử một nhân viên xuống để đo nhiệt độ lúc làm việc của các phát thanh viên, nhân viên này đặt máy một lúc rồi mặt rất hình sự chạy ra ngoài.
Tôi chợt hỏi chị đó là bao nhiêu độ, mặc dù tôi biết chúng tôi thường xuyên làm việc trong môi trường nóng bức như thế nào. '48 độ anh ạ' chị đó nói với tôi thế”, NSƯT Mạnh Tường chia sẻ.
Tuy nhiên phòng phát thanh viên cũng không được nhận chế độ làm việc độc hại bởi thiếu 2 độ nữa mới đúng quy định của Nhà nước. NSƯT Mạnh Tường chỉ cười bảo với anh em “Người ta so sánh mình với công nhân hầm lò, chưa đủ tiêu chuẩn thì chưa được, quy định thì phải thực hiện thôi”.
NSƯT Mạnh Tường kể nhiều chuyện cười ra nước mắt vì môi trường làm việc nóng bức. Phụ nữ trong đài thì mặc áo dài nhưng phải cắt tà rất ngắn cho mát và tiết kiệm vải. nam giới thì phải sơ vin, mà thời đó, áo toàn pha nilon là chủ yếu. Mỗi lần đọc xong bản tin, anh em ra rũ bỏ sơ vin thì nước chảy ròng ròng.
Có một chuyện mà tới bây giờ, trong những câu chuyện ‘ôn nghèo kể khổ’ với đồng nghiệp, mọi người vẫn nhắc tới.
Số là, vì phòng thu quá nóng, NSƯT Mạnh Tường đã phải mặc áo sơ mi nhưng dưới mặc quần đùi. Quay xong chương trình, NSƯT Mạnh Tường đi đi lại lại trong phòng khiến mọi người vừa buồn cười vừa thương.
Chỉ mong được đào tạo thế hệ sau
Nhâm nhi bên tách trà, NSƯT Mạnh Tường tâm sự dù đã nghỉ hưu nhưng niềm đam mê với nghề chưa bao giờ hết. Ông vẫn theo dõi bước chân của các bậc đàn em, đàn cháu trong nghề dẫn.
Ông cho rằng phát thanh không phải là một nghề đơn giản, đó cũng là một bộ môn nghệ thuật. Bởi, người phát thanh viên phải thể hiện trước hàng triệu khán giả những sự kiện lớn lao của Đảng và Nhà nước.
Đọc văn kiện đại hội ra sao, tuyên bố thế giới quan điểm của Việt Nam như thế nào, thậm chí cả đọc tin buồn cũng phải thể hiện được cái hồn, lột tả quan điểm của Nhà nước ta qua những văn kiện bằng tình cảm ấy, giọng đọc ấy, vẻ mặt ấy...
Thời ông làm việc, NSƯT Thanh Hùng chuyên được giao đọc những tin buồn đến độ sau này ông được bạn bè gọi biệt danh Hùng ‘tin buồn’.
Thế nhưng bây giờ, khi mở ti vi ra, không kênh này thì kênh khác, kiểu gì hôm nào cũng có người đọc vấp, đọc nhầm. Bởi thế, ông rất mong mỏi mở các lớp đào tạo phát thanh viên và sẵng sẵn sàng tham gia để truyền nghề.
Suốt quãng thời gian làm truyền hình, ông và đồng nghiệp đã đào tạo khoảng 200 phát thanh viên cho các đài địa phương từ Quy Nhơn đổ ra đến tận cực bắc của tổ quốc.
Tận hiến với nghề như vậy nên ông là 1 trong 4 người đầu tiên được phong NSƯT trong lĩnh vực phát thanh. “Thời đó, được phong danh hiệu NSƯT cao quý lắm mà tuyệt không có ai thắc mắc gì.
Dư luận ủng hộ nhiệt tình bởi ai được phong đều rất xứng đáng. Không như bây giờ, lần phong tặng nào cũng gặp phải chuyện này chuyện kia”.