Hải Triều hiện là diễn viên của sân khấu Thế giới trẻ. Dù chưa phải là cái tên nổi bần bật nhưng lối diễn xuất duyên dáng của anh khiến nhiều người thấy thích thú.
Từ bài tốt nghiệp của các anh, chị trong trường, Hải Triều bén duyên với những vai giả gái. Mỗi lần cái dáng cao lêu nghêu ấy xuất hiện trên sân khấu, khán giả lại cười rần rần.
Nhưng để có được nụ cười ấy của công chúng, nam diễn viên ấy cũng đã trải qua không ít thử thách. Thi rớt, đăng ký học dự thính, thi đậu, bảo lưu hai năm rồi quay lại trường học, con đường của anh lắm những gập ghềnh cũng bởi bốn chữ “Cơm áo gạo tiền”.
Chuyện đời
Sinh ra ở Bến Tre, tôi có một tuổi thơ bình thường như bao người khác, học từ xuất sắc, giỏi, khá rồi trung bình khá (cười). Bố mẹ hướng cho vào quân đội nhưng tôi không thích ở một chỗ.
Ngày ấy, xem hài có thầy Minh Nhí, Hữu Châu, Việt Hương, Vân Sơn... tôi thích lắm nên muốn theo nghề.
Khi biết ý định của con trai, cả nhà im re, không ai nói tiếng nào. Tới ngày thi, tôi tự đi. Không có ngoại hình, không biết gì, kể chuyện cười mà mặt lạnh tanh, tôi rớt.
Rớt nhưng không về nhà, cũng chẳng dám nói với ba mẹ, tôi âm thầm đăng ký học lớp dự thính. Một tháng gia đình gửi cho tôi 1 triệu để xoay xở cuộc sống. Ban đầu tôi ở nhà dì, sau đó chuyển ra ở chung với các bạn.
Hải Triều thường xuyên vào những vai giả gái. Cũng vì vậy mà mỗi lần gặp anh, danh hài Hoài Linh lại khoác vai giới thiệu:"Thằng này là em gái của tao nè mấy đứa".
Nhiều khi trong túi không có đồng nào, tôi ngủ cả ngày, chỉ dám ăn một cái bánh bao. Có bữa đói quá, tôi vào nhà bà chị nối khố xin tiền mua bánh mì ăn qua bữa.
Mà hồi đó không lo gì hết trơn. Nhiều khi tính xin việc gì đó để làm rồi lại nghĩ, lỡ mình đang đi làm mà người ta gọi đi sô lại bỏ việc nên thôi, thà ở nhà nhịn đói (cười). Lì dữ lắm.
Sinh viên học dự thính là phận con ghẻ, người thương kẻ ghét. Bài của người ta, mình phối hợp, tập nhiệt tình lắm, tới chừng đến bài mình, họ đòi về nhà coi phim. Tôi nhớ hoài. Từ đó khỏi, không cần ai, tôi diễn một mình.
Ngày xưa, học dự thính ra trường cũng có tờ giấy chứng nhận diễn viên đã tốt nghiệp nên tôi tính: Thôi, học luôn rồi lấy cái giấy. Cô chủ nhiệm khuyên mãi, tôi mới thi lại.
Lúc tôi đậu, có nhiều người không tin. Trong mắt họ, tôi xấu xí đến độ nhiều người không muốn chơi cùng.
Vào học được một thời gian, cũng vì cơm áo gạo tiền, tôi bảo lưu 2 năm để đi phục vụ quán bar, làm nghề trang điểm...
Nhưng nghĩ thấy buồn, sao mình cũng ăn học như người mà họ được diễn, mình phải đi làm mặt cho người ta. Chạnh lòng nên tôi nghỉ, về đi học lại.
Học xong, tôi trở thành diễn viên của trường luôn. Bạn bè biết nên hay trêu, gọi tôi là cái vong của trường, lúc nào gặp cũng nói: "Trời ơi, mày định không đi khỏi cái trường này hay sao vậy? Mày muốn ám cái trường này hả?" (cười lớn).
Chuyện nghề
Năm nhất, tôi đóng vai quần chúng cho một bộ phim truyền hình, lương một ngày 80 ngàn. Phải dậy từ 5h sáng nhưng được đi phim là mừng, người ta kêu đâu ngồi đó, không biết góc máy ra sao cũng chẳng biết xin cho mình vào khuôn hình như thế nào.
Vai đó tôi chẳng phải làm gì cả, chỉ ngồi trên xe buýt chờ... xảy ra tai nạn. Ngồi trên xe nhào qua nhào lại, đến chừng kêu ngừng quay, tôi xuống xe là ói. Số cát-xê đầu tiên cũng để đi ăn chứ không nghĩ sẽ mua cái gì để dành.
Dù tham gia phim với những vai rất nhỏ nhưng tôi luôn cố gắng diễn thật tốt, để đọng lại điều gì đó trong lòng khán giả.
Tôi không quan tâm là mọi người đã biết đến cái tên Hải Triều chưa. Người ta có thể nói: "Ờ, thằng nằm chết thấy được, ra chết thấy ổn, vui đó. Coi phim sau của nó tiếp". Vậy là được.
Dần dần, tôi có dấu mốc đầu tiên trong Hot boy nổi loạn, sau đó tới Damtv và được mọi người biết đến như bây giờ.
Khi bước vào con đường này, tôi đã xác định chỉ có màu nâu hoặc đen, mình phải chà cật lực thì mới ra màu hồng nên chọn cách nhích lần lần với tinh thần chậm mà chắc.
Tôi quan niệm, nếu vừa đi, vừa nghĩ cứ cố gắng, gần tới rồi thì sẽ thành công. Nếu cứ lo đường dài thì bạn đã thua ngay khi bắt đầu.
Biết là vậy nên tôi vạch cho mình những cái mốc để luôn đi đúng đường chứ không dám lên kế hoạch cho sự nổi tiếng. Dù nghệ sĩ cũng cần sự nổi tiếng nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được làm nghề.
Vậy mới có nhiều nghệ sĩ không nổi tiếng nhưng chỉ cần được diễn, họ đã thấy thanh thản rồi. Chẳng ai than miếng nào, nếu than thì người ta chuyển việc khác hết rồi.
Mấy năm trước, lúc nào ba mẹ cũng bảo: "Thôi, không ấy con về nhà đi. Ở trên Sài Gòn mấy năm rồi thấy cực quá. Đi về kiếm nghề gì làm dưới quê đi" nhưng tôi không chịu, cứ ráng ở lại vì mê lắm.
May mắn là từ khi thấy tôi lên truyền hình, ba mẹ không bắt về nhà nữa. Bốn năm nay tôi cũng không còn xin tiền gia đình, đi làm thỉnh thoảng có cũng gửi về cho ba mẹ yên tâm.
Mới có vậy thôi mà ở dưới quê có người đồn mỗi tháng tôi gửi về cho mẹ 50 triệu. Làm như ai cũng mặc định làm diễn viên thì phải giàu (cười nhẹ).