Đời Thương Tín còn nhiều điều đẹp đẽ hơn cuốn hồi ký này

Hoàng Nguyên Vũ |

Thật nguy hại nếu ta chỉ đọc những gì “be bét” về cuộc đời Thương Tín như trong cuốn hồi ký, để rồi nhận về một chân dung méo mó. Đời ông, còn nhiều cái tốt đẹp hơn, để viết.

Làm giảm giá trị của “biểu tượng” một thời

Bạn không có quyền thương hại Thương Tín vì bất cứ một cá nhân nào cũng đều được toàn quyền với cách sống và số phận của họ. Cũng như, bạn không nên đồng lõa với sự thương hại mà người khác dành cho mình.

Thương Tín như một nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của đời ông, một cuộc đời đầy vinh quang nhưng cũng đầy sóng gió. Điều đáng nói, vinh quang hay sóng gió cũng từ chính ông.


Thương Tín và Diễm My, một trong những nhân vật nữ được nhắc đến trong cuốn hồi ký

Thương Tín và Diễm My, một trong những nhân vật nữ được nhắc đến trong cuốn hồi ký

Bằng tài, ông đã làm nên vinh quang. Bằng “tật”, ông đã đẩy đời mình từ sóng gió này đến sóng gió khác và có vẻ nó vẫn chưa ngưng ở cái tuổi xế chiều.

Với vinh quang, với vấp ngã, với việc làm lại, thì cuộc đời ông thật đáng xuất hiện trong một cuốn hồi ký có giá trị và cảm động. Hơn là những gì bạn đang cầm trên tay, của gần 200 trang sách kia.

Vinh quang ông đã hưởng. Sóng gió ông đã chịu. Làm đấng nam nhi, dám làm dám chịu. Hà cớ gì mà lôi hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác vào cuốn hồi ký của mình để tặng thêm cho họ những vết thương?

Có thể bây giờ, lớp trẻ chỉ biết đến Thương Tín qua vài vai diễn trên phim truyền hình, một số bài báo khá “sốc” vì hay tin một diễn viên nổi tiếng bị bắt và bây giờ, là trong cuốn hồi ký mà đa số đọc vào đều thấy nhân vật chính “chẳng đáng đàn ông”

Nhưng với một vài thế hệ yêu điện ảnh một thời, thì Thương Tín là một biểu tượng của màn ảnh. Biểu tượng đó thuộc về quá khứ, nhưng đó là thứ quá khứ có giá trị và khó có thể xóa nhòa.

Câu chuyện một diễn viên từ nghèo khó đi lên trong một gia đình đông con, đam mê nghệ thuật rồi trở thành một trong những diễn viên nam hàng đầu một thuở, với lối diễn sắc lạnh và hóa thân tài tình, là câu chuyện rất đáng giá để kể lại.

Ông đóng 200 bộ phim, trong đó có những vai diễn cùng những bộ phim đã thành kinh điển như Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Thiếu tá Vọng trong Ván bài lật ngửa, Bạch Hải Đường trong SBC, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng


Thương Tín (trái) vai Vọng, cùng Chánh Tín vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa

Thương Tín (trái) vai Vọng, cùng Chánh Tín vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa

Chỉ cần ông kể lại những tư liệu quý báu trong một nửa số phim ông đã đóng, người đọc dễ dàng hình dung ra một bức tranh điện ảnh nói chung và thậm chí là một giai đoạn lịch sử, bằng công việc của bao người và số phận một con người.

Ở đó, ông hãy cứ tự nhiên kể, người ta sẽ hiểu hơn về tài năng của ông; người ta sẽ hiểu một thế hệ nghệ sĩ vượt qua những khó khăn gian khổ của đất nước những năm tháng cũ để cho ra đời những thước phim giá trị như thế nào.

Ở đó, ông hãy cứ tự nhiên kể về mối quan hệ của ông với một số đồng nghiệp nữ, vui có buồn có, yêu đương có và thậm chí cả những “phút giây ngoài chồng ngoài vợ” có, rất bình thường.

Nếu thế, chân dung ông hiện lên vẫn khách quan; biểu tượng một thời vẫn còn nguyên vẹn để bạn đọc hiểu đúng hơn về một con người.

Hơn là một người đàn ông lăng nhăng hết với người phụ nữ này đến phụ nữ khác, sống bằng tiền của họ để rồi một ngày lôi họ vào hồi ký để kiếm tiền như thế này.

Có thể, với khán giả một thời dù mến mộ Thương Tín nhưng ít ai biết, ông từng là một nam chính rất thành danh trên sân khấu kịch. Ông diễn trên 100 vai kịch, trong đó chủ yếu là vai chính với các vở diễn nổi tiếng như Huyền thoại mẹ, Bông hồng cài áo

Với sân khấu kịch Kim Cương hồi chiêu mộ những diễn viên của Sài Gòn cũ, những nghệ sĩ lên tàu chợ đi diễn “chui” kiếm tiền nuôi con, nếu kể ra, bạn đọc sẽ rưng rưng với những dòng hồi ức ấy, hơn là chuyện bị ông này cưỡng bức, bị bà kia đoạt tình.

Thực sự lấy làm tiếc cho ông, khi viết hồi ký, cơ hội làm sống lại một biểu tượng, thì ông và người chấp bút đã một lần nữa làm giảm đến tối thiểu những giá trị vốn có của biểu tượng ấy dù nó vẫn nằm nguyên vẹn trong quá khứ.

Tôi nhớ cách đây 5 năm khi đọc cuốn hồi ký Trôi theo dòng đời của cố NSND Bảy Nam, chẳng “gây bão” gì nhưng là cuốn sách bán chạy, bạn đọc hiểu hơn cuộc đời khổ ải của cố nghệ sĩ cũng như những giai đoạn đặc biệt của kịch nói miền Nam.

Thương Tín hoàn toàn sở hữu những câu chuyện tương tự ở một giai đoạn lịch sử khác với nhiều lát cắt cuộc sống độc đáo. Tuy nhiên, ông và người chấp bút đã không làm thế, hay đúng hơn là đã không làm được thế.

Làm lại sau vấp ngã, câu chuyện nhân văn ấy đâu?

Đời Thương Tín đầy thăng trầm và lầm lỗi, vấp ngã và rồi cũng phải tự đứng dậy ở cái tuổi không còn dễ dàng. Theo tôi, đó cũng là câu chuyện hay để hướng thiện.

Thương Tín có một cuộc tình đẹp với nữ ca sĩ Mỹ Dung, có một người con trai. Không chịu được cuộc sống nhàm chán, và một phần nhớ nghề diễn, ông đã quay về Việt Nam sau khi cùng vợ qua Mỹ định cư.

Để rồi bước chân trở về của ông là bước chân trượt ngã kéo theo cuộc đời xuống dốc không phanh. Cờ bạc. Nghiện ngập. Tù tội. Và nhích từng bước làm lại với tổ ấm bé nhỏ ở tuổi già.


Đứng dậy sau vấp ngã là một trong những câu chuyện bạn đọc cần biết ở cuộc đời Thương Tín

Đứng dậy sau vấp ngã là một trong những câu chuyện bạn đọc cần biết ở cuộc đời Thương Tín

Một điều dễ nhìn thấy, ở chặng đường đời nào dù vinh quang hay cay đắng, ông đã mang ơn những người phụ nữ. Họ mang lại cho ông yêu thương, hạnh phúc, cảm hứng với công việc và cùng ông trong hành trình đứng dậy làm lại.

Dù muốn dù không, họ có những điều đẹp đẽ để nhận được lời tạ ơn của ông trong cuốn hồi ký. Bởi thực sự họ đã đến với ông, ông đã được, còn họ đã nhận về đời họ một phần mất mát không hê nhỏ trong quá khứ ấy.

Hoặc ít ra, là lời sám hối của ông sau khi gây ra những khổ đau cho họ, hơn là ngồi đưa họ ra kể những chuyện không đáng kể với những mối tình hơi thiếu tế nhị và những chuyện thiếu nhân bản với phụ nữ như là phá thai.

Người đọc cần biết ông đứng dậy như thế nào sau những giông bão do chính ông tạo ra. Họ cần biết ông bắt đầu lại tình yêu thế nào, người vợ trẻ đứng cạnh ông ra sao, những khó khăn cực nhọc ở cái tuổi già mà vẫn tay trắng như thế nào.

Một cuốn hồi ký như thế vẫn đủ đẹp. Những câu chuyện đó cũng đủ làm người ta xúc động, để rồi sau này lớn lên, con ông sẽ được đọc những câu chuyện ấy trong tình thương yêu và sự kính trọng cha mình.

Hơn là những câu chuyện như trong cuốn sách kia dù nhân danh “có thêm tiền để nuôi con” như chính ông và cô tác giả chấp bút trả lời trên báo chí.

Cuộc đời Thương Tín đã đủ “nát” với những phát súng ông tự bắn vào ông. Nhưng cuộc đời ấy vẫn có những giá trị: giá trị của đam mê, của tài năng, của vượt lên khó khăn để khẳng định tên tuổi, vượt lên vấp ngã để sống tiếp.

Thì, hãy cho bạn đọc những câu chuyện đẹp đẽ và bán cho bạn đọc những giá trị đẹp đẽ, hơn là những thứ làm “nát” thêm một lần nữa cuộc đời ấy.

Cuốn hồi ký mới đây như một phát súng tiếp theo, một phát súng bắn vào quá khứ làm bị thương bao người và bắn vào chính ông, nếu không làm biểu tượng của màn ảnh ấy chết đi thì cũng làm cho biểu tượng ấy bị thương quá nặng.

Đừng làm nát thêm nữa, khi mà cả ông lẫn người chấp bút đang muốn dựng cuốn hồi ký này thành phim!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại