Không chỉ Kiều Thanh, sự xuất hiện liên tục của những diễn viên quen mặt khiến khán giả phần nào ngán phim truyền hình.
Diễn viên bị “nhờn” mặt
Diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội - Chí Nhân cũng là một trường hợp “nhẵn mặt” khán giả.
Ba năm nay anh đã trở thành diễn viên “ruột” của VFC với một loạt phim: Lời thì thầm từ quá khứ, Gái già xì tin, Sau 7 năm hạnh phúc, Hôn nhân ngõ hẹp, Tái sinh, Cảnh sát hình sự - Câu hỏi số 5… Với mật độ như thế này, khán giả chán cũng không có gì lạ.
Không chỉ diễn viên trẻ, mà diễn viên gạo cội cũng trong tình trạng bị “nhờn mặt”.
Nửa cuối năm 2013, khán giả gặp NSƯT Đỗ Kỷ trong Bản di chúc bí ẩn, sang năm 2014 ba phim có anh đóng lần lượt lên sóng như Con thuyền số phận, Bánh đúc có xương, Trái tim có nắng.
“Đắt sô” vai bà mẹ nhất hiện nay là NSND Như Quỳnh. Đến nỗi chính chị cũng phát chán, muốn đổi vai nhưng chẳng dễ.
Nữ diễn viên cho biết: “Tôi thường xuyên phải hóa trang để vào vai những bà mẹ già hơn so với tuổi thật. Tôi rất muốn có một vai khác đi, nhưng không có nhiều cơ hội.
Các đạo diễn hay mời tôi ngoài việc nhìn thấy tôi còn lửa nghề, còn vì diễn viên lớn tuổi có thể vào vai bà mẹ hiện nay rất ít người có đủ sức khỏe để đáp ứng cường độ làm việc của truyền hình”.
Diễn viên Chí Nhân, một trong những diễn viên trẻ “đắt sô” ở phía Bắc, trong phim "Cảnh sát hình sự - Câu hỏi số 5".
Nhà báo Bích Hạnh nhận định: "Chuyện diễn viên 'nhờn mặt' trên truyền hình không phải giờ mới xảy ra.
Do các kênh truyền hình bung ra như nấm, lượng phim sản xuất tăng mạnh, mà diễn viên thì chỉ có chừng đó nên việc một diễn viên xuất hiện ở nhiều kênh cũng dễ hiểu.
Các đạo diễn thường sử dụng phương án an toàn là chọn những diễn viên gạo cội, hay một số diễn viên trẻ đã đóng một vài phim được khán giả biết đến, hoặc những diễn viên “ruột”. Tôi nghĩ thực trạng này chưa thể thay đổi một sớm một chiều.
Vì nguồn cung diễn viên từ các trường Đại học Sân khấu Điện ảnh hiện nay chất lượng không tốt, chỉ còn lại nguồn diễn viên kịch hoặc nguồn từ chính các hãng phim đào tạo.
Một phương án khác mà các nhà sản xuất vẫn lựa chọn là sử dụng người mẫu, ca sĩ, ‘hot girl’ đóng phim, đó cũng là một cách để tạo sự tươi mới cho màn ảnh, phù hợp với cách làm phim ‘ăn xổi’ thời bây giờ".
Trẻ đẹp chưa chắc đã bằng “già gân”
Những năm gần đây, phim truyền hình hướng tới đối tượng khán giả trẻ nên sử dụng rất nhiều diễn viên trẻ đẹp.
Nhưng người giữ duyên cho bộ phim hóa ra lại là các diễn viên gạo cội. Vì được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm nên dù đóng vai phụ họ vẫn là trụ cột cho phim.
Phim mà có NSND Như Quỳnh, NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Công Lý, NSƯT Quốc Khánh,… là khán giả yên tâm.
Thảng hoặc diễn viên Trần Hạnh xuất hiện trên phim, dù tuổi cao nhưng vai diễn số phận, hay những vai hài của ông đều khiến khán giả rất yêu thích.
Trong khi đó diễn xuất của dàn diễn viên trẻ rất chới với. Dù là “hot girl”, “hot boy” sở hữu hàng triệu fan hâm mộ trên mạng nhưng nhiều khi sự góp mặt của họ cũng chẳng cứu nổi một bộ phim truyền hình.
Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết cũng từng tìm “hết hơi” không thấy ai có đủ khả năng đóng Xuân Tóc Đỏ cho phim Trò đời. Diễn xuất của diễn viên trẻ Việt Bắc mới được Nhuệ Giang đánh giá là tạm tròn vai.
Khi làm phim điện ảnh Tâm hồn mẹ, chị đã phải casting diễn viên miền Nam Trương Minh Quốc Thái vì nam diễn viên độ tuổi gần 40, ngoại hình xù xì, nam tính như anh tìm không dễ.
Hiện trạng sử dụng dàn diễn viên “ruột” hiện nay không chỉ xuất phát từ nguyên nhân nguồn cung không đủ chất lượng, mà còn có nguyên nhân khác.
Một đạo diễn phía Bắc (giấu tên) chia sẻ: “Trong Nam điện ảnh và truyền hình phát triển hơn, mỗi ngày có vài chục đoàn làm phim hoạt động nên diễn viên có nghề ở Bắc đều dồn hết vào trong đó rồi.
Ngoài này các hãng phim tư nhân làm phim dần dần “chột” hết rồi, sân bãi chỉ có mỗi Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam. Khi làm phim thì ý của nhà sản xuất là ý Chúa, đạo diễn bây giờ nhiều khi còn chẳng có quyền tuyển diễn viên”.