Đạo diễn Dương Khiết trải lòng quá trình làm ‘Tây Du Ký’ (P3)

LongHy |

Đạo diễn Dương Khiết tiếp tục kể về quá trình đoàn phim "Tây Du Ký" được các tăng ni phật tử tiếp đón trọng thị, trong khi Trư Bát Giới bị cảm lạnh vì lao xuống giếng cứu vua nước Ô Kệ.

Cao tăng Đại Minh Tự  nghênh đón Huyền Trang

Thời Đường, Giám Chân hòa thượng theo phái Nam Sơn tông giáo của phái Luật tông đã tới Nhật Bản để truyền bá Luật tông, đồng thời được tăng ni Nhật Bản tôn là “Quá hải đại sư”. Ngôi chùa Đại Minh ở Dương Châu cũng là nơi ông trụ trì và tu luyện thành đạo.

Đoàn phim “Tây Du Ký” có cảnh quay thầy trò Đường Tăng tới chùa Bảo Lâm Tự Viện, vì vậy tấm bia đá khắc tên chùa Đại Minh Tự cũng sẽ được thay bằng tấm bia khắc chữ “Bảo Lâm Tự”. Công việc này do phía chuyên gia mỹ thuật của đoàn đích thân mời họa sĩ nổi tiếng đất Dương Châu là Lý Thánh Hòa tới viết giúp.

Trang phục áo cà sa của nhân vật Đường Tăng do Uông Việt đóng được làm dựa theo chiếc áo cà sa bảo vật của pháp sư Giám Chân.

Cảnh Đường Tăng nghênh bái một ngôi chùa hoàng tộc thì nhất thiết phải mặc áo cà sa sao cho thật trang nghiêm và thể hiện sự tôn kính, thế nhưng phục trang của đoàn phim khi đó còn khá sơ sài, trong khi đoàn chỉ có duy nhất một chiếc áo cà sa vừa giản đơn và thuộc hạng bình dân.

Lúc bấy giờ, pháp sư Năng Cần của chùa Đại Minh khi biết sự tình đã liền mang chiếc áo nhà phật của chính ông cho đoàn phim mượn. Chiếc áo này vốn rất quý báu, đó chính là một bảo vật mà hòa thượng Giám Chân để lại.

Đáng chú ý là những đường viền màu vàng trên thân áo cà sa của pháp sư Năng Cần chính là vàng nguyên chất tạo nên. Về sau, đoàn phim đã tự thiết kế một chiếc áo cà sa dựa theo nguyên bản bảo vật của vị trụ trì chùa Đại Minh.

Diễn viên đảm nhiệm nhân vật Đường Tăng khi đó là Uông Việt lúc khoác lên mình chiếc áo cà sa và thực sự làm người đối diện choáng ngợp bởi ánh hào quang lấp lánh phát ra từ chiếc áo, nó vừa làm toát lên thần thái vừa trang nghiêm vừa gần gũi của nhân vật Đường Tam Tạng.

Với cảnh quay Đường Tăng tiến vào chùa Bảo Lâm, đạo diễn Dương Khiết vốn đã nghĩ tới việc huy động diễn viên quần chúng vào vai các tăng ni phật tử để nghinh đón hòa thượng từ Đông thổ Đại Đường tới.

Không ngờ pháp sư Năng Cần đã nhiệt tình khi cho mời toàn bộ hơn 20 hòa thượng trong chùa Đại Minh và một phần các sư sãi tại những ngôi chùa trong phạm vi thành phố Dương Châu tới tham gia thực hiện cảnh quay của đoàn.

Hơn 20 hòa thượng chùa Đại Minh và các sư sãi từ những ngôi chùa lân cận đã tình nguyện tham gia cảnh quay ngồi nghe Đường Tăng giảng kinh một cách thành kính.
Uông Việt trong tạo hình Đường Tăng cùng các hòa thượng chùa Đại Minh.

Các hòa thượng đều chỉnh tề mặc pháp y, hai tay chắp nam mô trước ngực một cách cung kính để thực hiện cảnh nghênh đón Đường Tăng tiến vào chùa.

Thái độ cung kính trang nghiêm và trọng thị của các hòa thượng nơi đây không khác việc họ đang tiếp đón nhân vật lịch sử Đường Huyền Trang thực sự ngoài đời vậy. Trong lòng những vị hòa thượng này dường như đã coi Uông Việt thực sự là một Đường Huyền Trang sống.

Thái độ trọng thị và trân thành của các vị hòa thượng chùa Đại Minh đã khiến đạo diễn Dương cảm động và ấn tượng sâu sắc.

Trư Bát Giới bị cảm lạnh

Cảnh quay khiến nữ đạo diễn thấy mắc cười và nhớ mãi là cảnh Trư Bát Giới xuống giếng kiếm “bảo bối” theo lời xúi giục của Tôn Ngộ Không.

Cảnh quay này được thực hiện tại một bể bơi và quá trình quay diễn ra vào lúc đêm khuya. Thời tiết lúc đó thì nóng vào ban ngày, nhưng khi đêm xuống lại cũng tương đối lạnh, trong khi nước ở giếng thì lạnh không kém.

Hôm đó, vốn dĩ Mã Đức Hoa đã bị cảm nhẹ nhưng đạo diễn Dương không hề hay biết chuyện. Sau mới có người nói lại thì Dương Khiết mới sực nghĩ, nếu thực hiện cảnh này thì Mã Đức Hoa lại bệnh nặng hơn và định thay đổi kịch bản. Thế nhưng Mã Đức Hoa đã ngăn lại: “Không sao! Uống vài tợp rượu là ổn!”. Dương Khiết vẫn lo nhỡ chẳng may bệnh tình anh Mã càng nặng hơn thì khốn, nhưng Mã Đức Hoa vẫn hớn hở nói: “Bao ngày nóng như thế, xuống nước mới thấy mát chứ”.

Cảnh quay Tôn Ngộ Không ấn Trư Bát Giới lặn xuống giếng để cứu vua nước Ô Kệ đã khiến Mã Đức Hoa dính cảm lạnh.

Khi Đức Hoa lao xuống nước nhưng lại chỉ thấy ông nổi lềnh phềnh trên mặt nước, Dương Khiết nghĩ trong đầu cho rằng, có thể do anh Trư sợ nước lạnh nên bà cũng không dám giục giã. Sau đó cả đoàn cứ thấy Đức Hoa nổi lập lờ trên mặt nước liền gặng hỏi vọng xuống: “Anh lợn, anh làm sao vậy?”, Dương Khiết cũng buột miệng: “Bát Giới, lặn xuống đi còn gì?”. Đức Hoa từ dưới “giếng” nói hắt lên: “Không xuống nổi, cái bụng to quá làm sao lặn xuống được”.

Lúc này mọi người trong đoàn mới để ý đạo cụ hóa trang phần bụng Bát Giới vốn không thấm nước, sức nổi lại quá lớn nên rất khó để chìm được xuống nước. Về sau chỉ còn cách cho Bát Giới bám vào cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không rồi yêu cầu anh khỉ giúi “hiền đệ” xuống.

Mã Đức Hoa đã phải chịu nhiều tai nạn nghề nghiệp khi tham gia thể hiện vai diễn Trư Bát Giới.

Khi phó đạo diễn hô đếm 1, 2, 3 thì Tôn Ngộ Không ra sức ấn cây thiết bảng xuống và nhờ vậy mà Trư Bát Giới mới ngụp được toàn thân xuống dưới nước, còn mỗi phần mông thì lọt ra ngoài. Dương Khiết chỉ đợi có vậy liền hô cắt và giục Đức Hoa ngoi lên.

Vẫn còn đứng dưới bể bơi, Mã Đức Hoa nhanh nhảu hỏi: “Đạo diễn, quay có được không? Chưa được thì quay lại”. Dương Khiết vội ngăn: “Được rồi, anh mau lên bờ đi!”. Mọi người đã chuẩn bị sẵn khăn dạ để lau khô người cho Mã Đức Hoa thì thấy ông nói: “Chết, tôi cảm mất rồi!”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại