Việc một số MC nam, nữ trong vài chương trình truyền hình gần đây có phong cách dẫn "khác lạ" cho thấy sự thay đổi nhận thức của các đài truyền hình, đơn vị tổ chức, sự kiện và gu khán giả truyền hình.
Và chính bản thân người MC cũng đã rất quyết tâm, dám dấn thân để mang lại những khác biệt làm nên bản sắc riêng và tạo nên những không gian sinh động trên các chương trình truyền hình.
Dẫn đầu trong những vụ lùm xùm thời gian qua là MC Vũ Thái Dũng trên thảm đỏ của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 3 (HANIFF).
Chàng trai vốn quen thuộc với series trải nghiệm S-Vietnam cùng giọng nói chuẩn Hà Nội và khả năng tiếng Anh nổi bật đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt trên thảm đỏ của HANIFF khi liều lĩnh nghiên cứu và đưa cách dẫn Âu Mỹ trong một sự kiện thảm đỏ quốc tế, phá vỡ sự an toàn có phần nhạt nhòa lâu nay ở các thảm đỏ trong nước và gây tranh cãi trên truyền thông.
Trả lời về những hành động hài hước như đọ kính, đặt những câu hỏi mang tính gây chú ý, chụp ảnh selfie bị cho là lố, Thái Dũng cho rằng đó là những hành động khá bình thường và đã từng xuất hiện trên các thảm đỏ quốc tế.
Đó không chỉ là những hành động cá nhân của riêng người MC, mà những tình huống đó thực chất đã có sự tính toán, nhằm tạo nên không gian vui vẻ, thân tình cần có của một LHP quốc tế.
Trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 vừa qua, MC Khắc Nguyện cũng tiếp tục tạo nên những dư luận trái chiều khi đảm nhiệm vai trò người dẫn cùng Jennifer Phạm.
Nam MC sinh năm 1980 bị chê trách vì cách dẫn chương trình thiếu duyên, tự tin thái quá và câu giờ cùng những lỗi về sử dụng câu chữ chưa chuẩn xác trên sân khấu.
Phong cách dẫn tự tin, chủ động, hài hước và chắc chắn của Khắc Nguyện thực ra không mới vì đã từng được thể hiện trong hàng loạt sự kiện lớn của VTV trước đây nhưng với một chương trình truyền hình lớn như Hoa hậu Việt Nam, dư luận khán giả là điều không thể tránh khỏi.
Nếu nhìn tổng thể về vai trò của 2 MC trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam vừa qua, không khó để nhận ra Khắc
Nguyện đảm nhiệm vai trò rất lớn về kết nối, hướng phát ngôn xuyên suốt tất cả các phần thi, Jennifer Phạm chỉ dẫn những "khu vực" an toàn đã có sẵn kịch bản.
Khắc Nguyện hoàn toàn không bị phụ thuộc vào kịch bản là điểm vượt trội so với những người tiền nhiệm "cắm mặt" vào tờ kịch bản trước đây ở chung kết Hoa hậu Việt Nam.
Không chỉ khi đứng cạnh Jennifer Phạm, mà dù dẫn một mình ở trên sân khấu hay dưới khán giả, đối thoại với khách mời, Khắc Nguyện đều nắm quyền kiểm soát tình huống.
Bên cạnh đó, Khắc Nguyện còn trực tiếp xử lý những sự cố ngay trên sân khấu không phải là nhiệm vụ của MC mà khán giả có thể không nhận ra.
Trong thời khắc đăng quang, Khắc Nguyện là người đã hướng dẫn cho Tân hoa hậu, đại diện BTC và lễ tân các vị trí chuẩn để bước vào thời khắc trao vương miện vì không khó để nhận ra sự lúng túng của 3 nhân vật trên.
Cùng trong thời điểm của đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 diễn ra, lễ bế mạc của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam cũng xuất hiện một sự "nổi loạn" của một MC Việt kiều.
Nữ MC Huyền Ny không chỉ xuất hiện trong bộ cánh gây sốc, nữ MC này còn mang hẳn một tấm bảng biểu ngữ với dòng chữ "Be Different" (Hãy trở nên khác biệt), khẳng định sự yêu thích điều mới lạ, phá cách trong thời trang mà còn khuyến khích mọi người cùng tìm cho bản thân một phong cách, hình ảnh riêng để không lẫn lộn với bất kỳ ai.
Đây có thể xem là một hành động khá táo bạo, đặc biệt là với các MC nữ trong môi trường hiện nay vốn đóng khung trong sự nhẹ nhàng, dịu dàng và khuôn mẫu.
Ngay sau những chương trình Vũ Thái Dũng, Khắc Nguyện, Huyền Ny đảm nhiệm hay xuất hiện, họ đã gây nên những cơn bão truyền thông về phong cách riêng của mình.
Dư luận 2 chiều cùng với lượng thông tin phát ra về sự kiện cho thấy khán giả và truyền thông đang có sự quan tâm rất lớn đến phong cách dẫn của các MC hiện nay.
Những thông tin tích cực hay tiêu cực đều là những phản hồi tốt để các MC hoàn thiện bản thân và khẳng định thêm bản sắc riêng vì với trình độ văn hóa, ngoại ngữ chắc chắn, họ không phải là những người dễ dàng chiều lòng khán giả để tự đặt mình vào một khuôn khổ vốn không làm nên danh tiếng cho bản thân.
Từ khía cạnh công chúng, những lời nhận xét, đánh giá hay góp ý đều là quý giá với các MC, nhưng rất cần những góc nhìn tổng thể và toàn diện và chấp nhận những sự mới lạ nếu như không làm phá vỡ hay gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho các chương trình truyền hình.
Nếu một MC thảm đỏ tạo được không khí sôi động, tiếng Anh thành thạo, khách mời vui vẻ thì một số lỗi về ngôn ngữ chỉ là một vấn đề nhỏ, nếu một MC chung kết Hoa hậu Việt Nam chỉ đơn thuần dẫn chương trình trong phạm vi một tờ kịch bản, thiếu tính chủ động, kiểm soát tình huống, sự cố sân khấu thì không khác gì một robot, chưa đúng ý nghĩa của vai trò host...
Cái đích cuối cùng là chất lượng của cả một chương trình nếu MC đảm bảo được mới là điều quan trọng nhất, cũng như khán giả không thể nhìn sâu những vấn đề hậu trường mà lỗi chưa chắc đã thuộc về những người MC đứng trước khán giả vì họ liên tục phải lắng nghe những chỉ đạo, hướng dẫn từ tai nghe bên cạnh những lời dẫn đã có sẵn.
Dễ nhận thấy, cả 3 MC kể trên dù trong nước hay đến từ nước ngoài, đều là những người có cá tính riêng và khả năng ngoại ngữ vượt trội, và dám chấp nhận thử thách bản thân bằng những phong cách dẫn vượt ngoài khuôn khổ để mang đến sự đặc biệt và mới lạ.
Mà điều này, vốn dĩ không hề mới đối với các chương trình nước ngoài.
Bên cạnh sự táo bạo của bản thân, việc các đài truyền hình, đơn vị tổ chức đang hướng đến những MC trẻ đa màu sắc, có cá tính và gây được ảnh hưởng truyền thông bằng phong cách dẫn chính là sự thay đổi rất rõ rệt trong cách nhìn nhận về vai trò của MC hiện nay trong các chương trình truyền hình.