Cuộc thi âm nhạc hay trò giải trí?

huongngan |

Từ khi xuất hiện trên truyền hình, các cuộc thi âm nhạc đã thổi một làn gió mới, mang đến những gương mặt mới...

Khi những mô-típ cũ đã trở nên quá nhàm chán

Cùng với sự phát triển của ngành truyền hình, các cuộc thi ca hát ngày càng có thêm nhiều điểm mới và dần dà những cái cũ, những cái chậm thay đổi đang bị khán giả quay lưng. Nhiều năm về trước tên gọi “Tiếng hát truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh” gần như trở thành một thương hiệu đi liền với chất lượng khi sản sinh ra một thế hệ ca sĩ như: Thanh Thúy, Nam Khánh, Thu Minh… Thậm chí, giá trị của giải thưởng này càng được khẳng định khi dàn sao Việt hiện nay như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng… đều là những người không chạm được đến ngôi vị cao nhất. Mỗi khi đến hẹn lại lên, khán giả lại dán mắt vào màn hình để theo dõi từng điểm số “chín phẩy năm”, “tám phẩy năm”… của từng thí sinh, cùng dự đoán lặng lẽ với nhau và đón chờ người thắng giải.

Cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình

Thế nhưng, khi nền âm nhạc nước nhà phát triển mạnh, các cuộc thi với phong cách mới xuất hiện, “Tiếng hát truyền hình” lộ rõ sự chậm chạp của mình trong quá trình tiếp thu và thay đổi. Khán giả giảm bớt sự quan tâm đối với cuộc thi, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các thí sinh cũng không còn xem đây là bệ phóng hiệu quả duy nhất nữa. Khi lượng khán giả ít đi, lượng thí sinh cũng bị chia sẻ cho những cuộc thi khác, hiệu ứng cũng như hiệu quả cuối cùng của cuộc thi đã giảm đi đáng kể và việc duy trì cũng như chuyển đổi sang phiên bản “Ngôi sao tiếng hát truyền hình” cũng chỉ được xem như những bước cầm chừng. Hơn 5 mùa giải đổi mới, cuộc thi vẫn chưa phát hiện được gương mặt nào sáng giá để có thể so sánh với những gì đã làm được ở thập niên trước.

Một trong những điểm khá bảo thủ của “Ngôi sao tiếng hát truyền hình” chính là định hướng âm nhạc cho các thí sinh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thí sinh cũng như sự quan tâm của người xem. Khi khán giả ngày nay yêu chuộng những giai điệu sôi động, mới mẻ, trẻ trung thì những chủ đề về “đất nước”, “quê hương”, “cách mạng” đã trở thành một khung sắt đóng chặt và một rào cản ngăn cách giữa cuộc thi và các khán giả. Vô hình chung, tiêu chí của cuộc thi đã thu hẹp sân chơi âm nhạc chung của mọi người trở thành sân khấu nơi mà các sinh viên của trường nhạc thi đấu với nhau. Từ đó, cuộc thi đã nhào nặn để tìm ra được một thí sinh hát giỏi nhất nhưng thực tế là những thí sinh thắng giải sau cuộc thi sẽ chẳng biết phải làm nghề như thế nào giữa môi trường âm nhạc quá tách rời với cuộc thi.

Khi sự chuyển mình trở nên “nửa mùa”

Một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến uy tín của một cuộc thi đó là sự thành công và sự công nhận của công chúng đối với nhân tố mà cuộc thi đã lựa chọn là người thắng cuộc. Và nếu có những thay đổi cần thiết, thì đây chính là điều đầu tiên mà các nhà tổ chức nghĩ đến.

Sao Mai Điểm Hẹn 2010

Mặt khác, nhận thức được việc phải thay đổi, những nhà sản xuất chương trình nhìn sang các nước bạn hòng mang về những cuộc thi âm nhạc của thời đại mới. Tuy nhiên với chi phí mua bản quyền khá cao nên nhiều đơn vị đã không ngần ngại xào nấu lại những chi tiết của các cuộc thi khác để làm mới cái vốn có của mình. Với quan niệm “bụt nhà không thiêng”, không ít đơn vị tổ chức đã thuê hẳn một dàn chuyên gia hướng dẫn hỗ trợ thí sinh đóng mác nước ngoài để tăng thêm uy tín. Tuy nhiên, ngoại trừ việc tăng thêm màu sắc cho các chương trình, khán giả không cảm nhận được bất kỳ sự khác biệt nào mang hơi hướng nước ngoài trong sự tiến bộ của các thí sinh.

Khán giả đang cần gì?

Không chỉ nghe hay nhìn, khán giả ngày nay thật sự khi xem truyền hình luôn trông chờ một chương trình giải trí đúng nghĩa. Và Vietnam Idol 2010 đã thật sự làm được điều đó. Khác với hai mùa giải trước, điểm quan trọng nhất của Vietnam Idol lần này là bám sát theo phiên bản quốc tế. Đứng từ góc nhìn của nhà đài, thời lượng phát sóng dành cho Vietnam Idol không khác gì thời lượng của một bộ phim truyền hình nhiều tập. Và thật sự Vietnam Idol 2010 đã diễn biến như một bộ phim truyền hình với những tình tiết thắt nút và mở nút tài tình khiến khán giả đôi khi cũng thắc mắc đâu mới là thật, đâu là kịch bản có sẵn.

Vietnam Idol 2010 đã diễn biến như một bộ phim truyền hình với những tình tiết thắt nút và mở nút tài tình khiến khán giả đôi khi cũng thắc mắc đâu mới là thật, đâu là kịch bản có sẵn.

Xem Vietnam Idol 2010, khán giả không chỉ nghe thí sinh hát, xem những màn hài hước đóng mác Idol ở vòng loại mà còn theo dõi những màn tung hứng của ban giám khảo cũng như MC. Bên cạnh đó, trong khi hai mùa giải trước giới truyền thông chỉ tiếp cận được thông tin rất hạn chế chỉ liên quan đến đêm diễn thì năm nay, Ban tổ chức đã cho cánh báo chí cơ hội khai thác vô vàn thông tin scandal bên lề, từ chuyện “Siu Black - Sơn Lâm” đến chuyện “thí sinh bị vu khống là gái gọi” và cả chuyện mâu thuẫn nội bộ “Đức Anh - Đăng Khoa”.

Báo chí được dịp đi tin bài, thậm chí đã có đơn vị còn dành hẳn một chuyên đề cho từng scandal phân tích kỹ lưỡng các góc nhìn. Khán giả lại được dịp theo dõi sát sao hơn một cuộc thi, vô tình lại đưa Vietnam Idol thành một cụm từ khóa “hot” hơn hẳn 2 mùa trước. Và tất cả các scandal đều lần lượt được giải quyết một cách rất êm thấm trên truyền thông với những hoạt động như thể đã được sắp đặt sẵn trước đó. Và chính tất cả những điều đó đã làm hài lòng và thu hút khán giả.
 
Và trên tất cả, giá trị của Vietnam Idol hiện tại đang nằm vào sự phát triển của hiện tượng Uyên Linh. Chặng đường khẳng định thương hiệu của cuộc thi đã đi được một nửa khi tạo dựng được một Uyên Linh đúng với phương châm “from zero to hero” (từ số không trở thành người hùng). Việc còn lại chỉ để xem Uyên Linh sẽ tiếp tục con đường của mình như thế nào, điều đó phụ thuộc vào sự vươn lên của chính Uyên Linh với sự hỗ trợ của Ban tổ chức trong việc quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
 
Theo 24H.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại