Nghệ sĩ hài Minh Vượng trong chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” số 127 diễn ra vào 11/9 vừa qua (ảnh nhân vật cung cấp).
Một mình nhưng không đơn độc
Đã xấp xỉ lục tuần, từng suýt thành “nghệ sĩ nhăn răng” (từ dùng của Minh Vượng) không ít lần vì bạo bệnh, nhưng mỗi lần nói chuyện với người ta có cảm giác như chị chưa bao giờ biết buồn, biết khổ.
Minh Vượng cho biết, từ năm 2011, khi nghỉ chế độ ở Nhà hát Kịch Hà Nội, chị về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội.
Ở đây, chị đảm trách công việc xây dựng sân khấu học đường, dựng những vở kịch có độ dài 60 phút kể các câu chuyện mang nhiều ý nghĩa để dạy cho các em học sinh hiểu về những giá trị đạo đức, biết phân biệt cái thiện, cái ác…
Ngoài công việc ở Nhà hát Chèo Hà Nội, Minh Vượng còn tham gia giảng dạy bộ môn “Kỹ thuật biểu diễn” và “Kỹ thuật tiếng nói” cho sinh viên Khoa Kịch của Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường đã giúp chị trở thành một “cây hài” nổi tiếng Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, nữ danh hài này còn dạy “biểu cảm ngôn ngữ” và “kỹ năng sống” cho các em nhỏ của Trường quốc tế Việt – Bun và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Tất nhiên, thỉnh thoảng chị vẫn tham gia một số “sô” tạp kỹ của sân khấu tỉnh để đỡ nhớ khán giả.
“Một tuần có 8 ngày thì tôi đã dạy học tới 7 ngày rồi. Tuy rằng tiền không nhiều nhưng trong lúc sân khấu đang rất khó khăn thì việc đào tạo các lớp kế cận rất quan trọng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm.
Hơn nữa, nó cũng xuất phát từ cái tâm của mình, nhất là khi tôi cũng từ trường Nghệ thuật – Sân khấu mà ra. Quay lại trường là để trả ơn trường, trả ơn tổ nghề”, Minh Vượng chia sẻ.
Công việc của Minh Vượng cứ trải dài từ 6h sáng đến 11h đêm nhưng cứ hôm nào được nghỉ Minh Vượng lại có cảm giác bị ốm, mệt.
Chị không phủ nhận việc vùi đầu vào công việc một phần là để quên đi nỗi cô đơn của một người phụ nữ không chồng, không con.
Nhưng theo Minh Vượng thì chị không hề đơn độc bởi những lúc rảnh rỗi chị lại giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu ăn cùng bạn bè.
“Nhà tôi có tới 6 anh chị em nên con cháu rất đông. Nếu có thời gian, tôi lại nấu ăn và vui chơi với các cháu.
Việc chơi với các cháu rất có lợi vì tình cảm ruột thịt trong gia đình gần gũi hơn, tôi cũng hiểu hơn về những suy nghĩ của lớp trẻ để xây dựng các bài giảng và đưa vào trong tác phẩm sân khấu”, Minh Vượng nói.
Giải thích lý do vì sao đã lâu không đóng phim, Minh Vượng cho rằng, thế hệ của chị đã quá già, quá cũ… nên cần nhường cho các bạn trẻ với những gương mặt mới.
Thêm vào đó, làm phim tốn rất nhiều thời gian mà chị lại quá nhiều công việc nên nếu có phim hay chị cũng phải “nuốt” nước bọt” từ chối.
Không lấy chồng vì bệnh khớp
Về tình trạng sức khoẻ, Minh Vượng cho biết, ở thời điểm này chị vẫn bị tiểu đường, áp huyết, tim mạch… Mỗi ngày chị vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao và uống hàng mớ thuốc mà theo chị là nhiều hơn cả ăn cơm.
Tuy nhiên, điều khiến chị có thể vượt lên bạo bệnh để làm một lúc nhiều công việc là bởi chị luôn sống lạc quan, biết tận dụng mọi niềm vui quanh mình để biến thành “thuốc tiên” chữa bệnh.
Với Minh Vượng, việc chữa bệnh không đơn thuần là tuân thủ một cách nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sỹ mà còn phải có một nghị lực sống. Nghị lực đó giúp người bệnh sống lạc quan, ít lo nghĩ và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
Theo Minh Vượng, thời tuổi trẻ chị đã yêu rất nhiều. Tuy nhiên, chị không muốn nhắc lại những mối tình đã qua của mình.
Chỉ có điều, chính những tình yêu ấy đã giúp chị thành công hơn trên sân khấu trong các vai tình nhân, vợ chồng…
Đó là lý do chị chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng hay buồn bã vì mình không có gia đình. Chị cũng tâm sự rằng, nếu mai này chị không còn sức để hoạt động nghệ thuật thì chị sẽ vào trại dưỡng lão.
Vào trại dưỡng lão chỉ cần diễn cho một người xem thôi chị cũng cảm thấy vui rồi.
Minh Vượng cho rằng, sở dĩ chị không làm hồ sơ xin được xét tặng danh hiệu NSND trong đợt vừa rồi vì chị thấy quy định muốn được xét NSND là phải có hai Huy chương Vàng trở lên, trong khi đó những người như chị bây giờ luôn nhường vai cho lớp trẻ nên cơ hội để có được huy chương trong các kỳ hội diễn là rất khó.
“Những người thuộc lớp già như tôi, Thanh Ngoan, Minh Thu… toàn phải nhường vai cho lớp trẻ. Vậy thì cơ hội để họ có thêm huy chương lần nữa là rất khó. Nếu cứ chiếu theo huy chương để xét thì điều đó rất thiệt thòi cho lớp nghệ sĩ già.
Với tôi, cả một đời không chồng con giành hết cho sân khấu, 40 năm biểu diễn phục vụ người lớn, 18 năm viết kịch bản và biểu diễn cho trẻ con.
Ngoài ra, trong suốt những năm làm nghề, không chỉ gắn bó với sân khấu mà còn cả với phim ảnh, tham gia giảng dạy…
Nói thật là, nhà nước phong thì tôi nhận, còn xin mà chiếu theo số huy chương thì tôi không xin”, Minh Vượng chân thành chia sẻ.
Về trường hợp của NSƯT Thanh Thanh Hiền bị trượt danh hiệu NSND vì chuyện đời tư, Minh Vượng cho rằng, Thanh Thanh Hiền là một tài năng vô cùng hiếm của cải lương đất Bắc.
Chị nói: “Khi Thanh Thanh Hiền đơn thương độc mã tham gia “Vầng trăng cổ nhạc” trong miền Nam, nhiều người đã phong chị ấy là “niềm tự hào của cải lương” miền Bắc. Người ta bảo có tật thì có tài.
Chúng ta nên nhìn vào tài năng của họ chứ đừng nhìn vào những sinh hoạt của họ ở đời thường. Tôi rất mê câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thước đo phẩm giá là thành quả lao động”.
Hãy nhìn họ lao động mà cụ thể ở đây là lao động nghệ thuật. Nghệ sĩ chúng tôi có nhiều chuyện đời, nhiều chuyện yêu đương… nhưng không nên cộng những điều ấy vào trong việc xét danh hiệu nghề mà thiệt thòi cho họ.
Bởi nghệ sĩ mà phong tặng cho họ đúng lúc, đúng chỗ sẽ là nguồn cổ vũ để họ hoạt động hăng say hơn”.
“Dù thiên hạ có bệnh gì tôi mang bệnh nấy nhưng cứ đi làm, đi diễn, được tung tăng… là tôi lại khỏe. Có được điều đó một phần vì tôi luôn lạc quan sống.
Cũng vì không có gia đình mà tôi không bị vướng bận những thứ lo nghĩ linh tinh của một người phụ nữ nội trợ. Tôi toàn tâm, toàn ý cho học trò của mình dễ hơn, sáng tác kịch thuận hơn”, nghệ sĩ Minh Vượng hài hước nói.