Việt Hương: Bị giẫm đạp, chèn ép và phần đời toàn nước mắt

Cẩm Giang |

Bị đời giẫm đạp, chèn ép, Việt Hương vẫn ngóc đầu dậy để vẽ tiếp ước mơ và sống cùng đam mê.

Bây giờ mở tivi ngày nào cũng thấy Việt Hương, khi thì thấy chị ngồi ghế nóng, lúc lại tấu hài rần rần. Gặp miết, xem hoài không thấy chán bởi Việt Hương lên sân khấu biến hóa lắm. Từ bà điên đến bà tiên, vai nào chị cũng vào rất ngọt.

Tài năng là vậy nhưng những ngày đầu vào nghề, Việt Hương cũng cực. Bị người ta bắt nạt, chèn ép, chị chẳng dám phản kháng, chỉ vùi mình trong nước mắt...

Tuổi thơ thiếu bóng cha

Việt Hương tên đầy đủ là Nguyễn Việt Hương. Chị sinh ngày 15/10/1979 trong gia đình có hai người con. Ông ngoại của Việt Hương nhà ảo thuật xiếc Huỳnh Thế Sơn, cha là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng. Tính ra chị cũng là con nhà nòi.

Nhưng đứa trẻ có dòng máu nghệ thuật ấy không may mắn như con nhà người khác. Ngày chị còn ẵm ngửa, cha với mẹ chia tay, Việt Hương và chị hai ở với mẹ.

Còn bé quá, lại chưa bao giờ được cha chăm sóc nên Việt Hương đâu có cảm nhận được sự thiếu thốn tình cảm.

Nhà nghèo nên ngoài những lúc đi học, chị còn bận phụ mẹ kiếm miếng ăn qua ngày. Nghe người ta nói Việt Hương giống mẹ như tạc, chỉ có cái tính là lạc hơi xa.

Từ nhỏ chị đã rất lém lỉnh. Mẹ phân công chị hai nấu ăn, Việt Hương rửa bát nhưng ngày nào chị cũng mang mấy câu chuyện tưởng tượng ra kể, dụ chị hai làm tất. Cũng nhờ thói quen đó mà bây giờ Việt Hương nghĩ kịch bản nhanh lắm.

Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi, có chị hai và mẹ ở bên cạnh thì đủ đầy nhưng không. Năm Việt Hương 13 tuổi, cha đón chị hai về ở cùng. Đang có cạ tự nhiên phải ra vào trong căn nhà trống hơ trống hoác, chị thẫn thờ.

Những lúc mẹ đi bán hàng, Việt Hương ngó ra ngoài cửa thấy mấy đứa trẻ được cha chở bằng xe đạp, chị mới biết hóa ra có cha là sướng vậy. Lòng lại càng thêm tủi.

Nhiều bữa ốm sốt, trong cơn mê man, Việt Hương cứ nghĩ nếu giờ này có cha về xoa đầu, pha cho chị một ly sữa nóng Ông Thọ, chắc chị khỏi bệnh liền.

Nhưng sự thật lại xa vời và thiếu thốn khiến chị rớt nước mắt. Việt Hương khóc nhiều nhưng chẳng dám để mẹ biết, sợ mẹ buồn.

Ước mơ giản dị ấy cứ bám riết lấy chị như nỗi ám ảnh về một tuổi thơ đầy nghèo khó và tủi hờn. Khi nhận được những đồng cát-xê đầu tiên, Việt Hương cầm mấy chục nghìn chạy băng băng ra siêu thị, mua hai hộp sữa Ông Thọ vừa ngắm nghía, vừa uống cho đã cơn thèm.

Thậm chí, tới thời điểm này, khi đã đủ đầy, mỗi lần vào siêu thị, chị vẫn đắm đuối ở hàng sữa, không phải mua để uống, chỉ đứng ngắm như để thỏa giấc mơ một thời.

Đã thiếu thốn tình cảm thì chớ, lại còn bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, Việt Hương không lớn nổi. Chị nhỏ xíu, còi cọc cũng bởi vậy.

Nước mắt ướt trang đời

Nhà nghèo thiệt nhưng biết con có năng khiếu, mẹ cũng chắt bóp cho Việt Hương đi học đàn, học nhảy. Nhờ vậy nên ngày còn đi học, chị đã xin được đi hát ở mấy quán ăn để có đồng ra đồng vào đỡ đần cho mẹ.

Đó cũng là những ngày giúp Việt Hương nhận ra rằng, theo đuổi con nghệ thuật vất vả lắm chứ chẳng sung sướng, lấp lánh gì. Đi hát bị người ta bắt nạt, chị không dám phản kháng, “để dành” đạp xe trên đường nước mắt mới vòng quanh.

Nhưng cũng chỉ dám khóc trên đường về, tới nhà là Việt Hương ráo hoảnh, lại cười nói rổn rảng như cuộc đời chỉ mang cho chị những niềm vui. Tất cả cũng chỉ vì sợ mẹ buồn.

Thói quen giấu giếm cảm xúc ấy theo Việt Hương cho đến sau này. Mỗi lần có chuyện gì buồn, chị không nói ra được, cứ để trong lòng rồi ẩn ức, chất chứa. Thậm chí, ngày mẹ mất, chị thẫn thờ, không rớt một giọt nước mắt, phải nhờ bác sĩ kê đơn mới khóc nổi.

Hết ba năm cấp ba, Việt Hương thi đậu vào lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Chị học chính kịch nhưng lại có duyên với hài kịch dưới sự dìu dắt của thầy chủ nhiệm, nghệ sĩ hài Minh Nhí.

Cũng vì một chữ nghèo nên Việt Hương lao vào học, luyện tập như điên vì sợ hụt mất học bổng, không có tiền đóng học phí. Từ sáng sớm tới đêm khuya, lúc nào bạn bè cùng lớp cũng thấy chị lăn lộn trên sàn tập, dù rất sợ ma.

Ra đường với tấm bằng loại ưu, Việt Hương ngỡ đời mình đã sang trang nhưng đâu có dễ vậy. Là người mới, chị phải nếm trải đủ những chèn ép, ganh đua, giành giật.

Người ta diễn với Việt Hương đó nhưng lên sân khấu không chịu hợp tác, không quăng mảng miếng, xem chị như người vô hình. Chẳng biết làm sao, chị diễn luôn cả phần người nhưng trớt quớt, coi không ai cười hết trơn.

Điều đó đối với một nghệ sĩ, còn gì tệ hơn. Vào cánh gà, chị len lén kéo tấm màn nhung, gạt vội dòng nước mắt. Nhiều bữa tủi quá, đang đi trên đường, Việt Hương lụi đại xe vào chợ Bến Thành rồi đứng khóc tức tưởi, ướt khẩu trang, găng tay rồi cả vạt áo.

Nhưng cuộc đời làm gì có ông bụt bà tiên, chị lại càng chẳng phải là cô Tấm, ly sữa nóng Ông Thọ còn khó kiếm huống gì là phép màu.

Bởi vậy, Việt Hương tự khóc rồi tự nín, mà nín cũng phải bởi ai thấu đâu mà khóc hoài. Nghệ thuật cũng chẳng dành cho những kẻ mỏng manh, yếu đuối, bị người ta dẫm lên thì nằm im re, chờ chết.

Nghĩ được vậy nên người ta càng vùi, Việt Hương càng cố. Buồn đó, khóc đó rồi cũng phải xong. Kệ! Tất cả vì nghề, vì đam mê và chờ ngày nổi tiếng.

Rồi trời cũng chiều lòng người, Việt Hương nổi thiệt. Diễn mấy vai trẻ con, hôm nào chị cũng được khán giả gửi tặng cánh gà, khoai mì, gấu bông... Diễn vai người điên, chị vào tận bệnh viện tâm thần để nghiên cứu, được yêu thích cũng là lẽ thường.

2002, khi thành lập nhóm hài và tham gia vào chương trình Gala cười của Đài truyền hình Việt Nam, cái tên Việt Hương trở nên đình đám.

Có tiếng rồi, mọi thứ đến với chị dễ dàng hơn nhưng không phải vì vậy mà chị lơ là, chảnh chọe. Những ai làm việc với Việt Hương đều có chung nhận định, chị chăm chỉ, đúng giờ và lăn xả lắm. Vậy nên, giải thưởng kéo đến với chị ầm ầm cũng là điều dễ hiểu.

Tính đến nay, Việt Hương đã cất cho mình được Huy chương bạc cho vai Liên trong vở Trò đùa người lớn, Huy chương vàng và giải thưởng Diễn viên xuất sắc trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999, Nữ diễn viên xuất sắc nhất, giải Mai Vàng...

Nghe đâu cát-xê của Việt Hương bây giờ đã xấp xỉ 8 con số không. Với nhiều người, bao nhiêu đó là nhiều nhưng với những ai biết được chặng đường gập ghềnh Việt Hương đã đi qua, con số ấy là xứng đáng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại