Người bảo 'ăn cắp', kẻ bảo không
Tháng 10, Chắc ai đó sẽ về – ca khúc nhạc phim mới nhất của chàng ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP – đang hot đình đám tiếp tục rơi vào nghi án đạo nhạc khi nhiều khán giả nhận ra sự tương đồng nhất định giữa ca khúc này và Because I miss you của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm Rock CNBLUE.
Sự việc được đẩy lên cao trào bằng bức thư có nội dung khá gay gắt được đăng tải trên trang fanpage nước ngoài của nhóm nhạc này. Trong thư, những người hâm mộ Hàn Quốc gọi Sơn Tùng là “kẻ đạo nhạc chuyên nghiệp”.
Khán giả, báo chí, giới chuyên môn tự động phân luồng quan điểm, sau cùng, cơ quan chức năng mới chính thức nhập cuộc. Dư luận như đang “ngồi trên lửa” để trông chờ từng diễn biến mới nhất của vụ việc.
Ngày 21/11 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL đã có văn bản nêu ý kiến về bài hát Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ Nguyễn Thanh Tùng (Sơn Tùng M-TP) gửi Thứ trưởng Bộ Vương Duy Biên.
Theo văn bản này, người đại diện công ty quản lý ca sĩ Jung Yong Hwa đã gửi thư điện tử xác nhận ca khúc Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ Sơn Tùng M-TP không ăn cắp bản quyền.
Cụ thể là, tác giả của bài hát Because I miss you là ca sĩ Jung Yong Hwa.
Trong bức thư điện tử do Kwon Woo Min đại diện cho FNC Entertainment (công ty quản lý nghệ sĩ có trụ sở tại Hàn Quốc, trong đó có Jung Yong Hwa) khẳng định:
"Chúng tôi nhận thấy tuy có sự tương đồng như về quy trình lập trình, giai điệu nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề 'ăn cắp bản quyền' đối với bản thu âm này".
Thông tin trên đã làm dậy sóng dư luận một lần nữa. Bởi lẽ, lời xác nhận từ phía Hàn Quốc được xem là diễn biến mấu chốt, có tính quyết định đối với vụ việc.
Tranh chấp về quyền tác giả là một tranh chấp dân sự, mà theo nguyên tắc, chỉ có đương sự (công ty FNC Entertainment) mới có quyền quyết định việc khởi kiện, Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc khi có đơn khởi kiện mà thôi.
Trong bức thư điện tử, đại diện của phía Hàn Quốc không đánh giá hành vi của Sơn Tùng là đúng hay sai nhưng xác nhận rõ là không xem hành vi này là đạo nhạc.
Khi đương sự không khởi kiện, không có cơ sở phát sinh tranh chấp, điều này đồng nghĩa với việc về mặt pháp lý, ở Việt Nam sẽ không có cá nhân, tổ chức nào có quyền kết luận Sơn Tùng M-TP đạo nhạc nữa.
Ngược lại, ca sĩ này có quyền yêu cầu chấm dứt, thậm chí khởi kiện nếu cá nhân, tổ chức nào còn cố ý tiếp tục vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín của mình.
Phía Hàn Quốc "nhắm mắt làm ngơ" cho qua vụ việc?
Thế nên, người ta đã không còn quá trông chờ vào văn bản của Bộ VHTTDL nữa, khi mà sự việc đã ngã ngũ và đi đến hồi kết. Cho đến nay, có thể nói nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng là vụ việc ầm ĩ và có sức ảnh hưởng lớn trong làng âm nhạc nước nhà lâu nay.
Truyền thông và công luận Việt Nam chia hẳn thành 2 trường phái ủng hộ và phản đối, trong đó có những cái tên uy tín, cộm cán nhất trong lĩnh vực âm nhạc. Thế nên, dù vụ việc này được kết thúc như thế nào, chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng, dư âm không nhỏ đến nền âm nhạc Việt Nam hiện nay và về sau.
Trong số những người bày tỏ sự không hài lòng, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng việc phía Hàn Quốc xác nhận Sơn Tùng không đạo nhạc vì nhiều lý do như không quan tâm, sợ mất fan, khó khởi kiện… nên họ quyết định "nhắm mắt làm ngơ" cho qua vụ việc.
Anh cho rằng lời xác nhận này đã giết thị trường âm nhạc Việt Nam và chua chát: "Chắc bây giờ anh cũng lấy beat Hàn Quốc để viết cho nó nhanh".
Đây cũng là quan điểm của nhiều nhạc sĩ khác, tiêu biểu là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh. Bởi lẽ, sức ảnh hưởng của vụ việc lần này là rất lớn. Nó có thể tạo nên một tiền lệ có tính chất khuôn mẫu cho các vụ việc tương tự về sau.
Nói nôm na, nó khiến nhiều nghệ sĩ trẻ mới chập chững vào nghề (và cả vô vàn những nghệ sĩ khác trong giới) sau này tin, việc lấy beat có sẵn để sáng tác là một hành vi được cho phép, thậm chí được khuyến khích, và mặc sức làm theo.
Ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng khiến nhiều khán giả đồng tình, khi ông cho rằng phía Hàn Quốc đã có động thái “dĩ hòa vi quý” để vụ việc kết thúc nhẹ nhàng. Ông cũng cho rằng làm vậy là chưa nghiêm khắc, chưa đảm bảo tính răn đe nhưng giải pháp “hòa bình” kiểu này cũng có thể tạm chấp nhận.
Ai đền bù thiệt hại?
Nhiều người cũng tỏ ra không thể hiểu nổi, khi chỉ vì một ca khúc mà cả hệ thống các cơ quan ban ngành chức năng liên quan vào cuộc, cuối cùng vẫn loay hoay chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Chỉ một nghi án đạo nhạc đã lôi kéo rất nhiều những tên tuổi lớn vào một cuộc tranh cãi bất tận về chuyên môn.
Tất nhiên, uy tín, danh dự của các nhạc sĩ sau vụ việc cũng bị ảnh hưởng không ít. Nhiều người hâm mộ, ủng hộ Sơn Tùng ở bên kia "chiến tuyến" lại tỏ ra hả hê, thậm chí chỉ trích ngược lại phía NS Phó Đức Phương.
Đó là chưa kể những hệ lụy từ nghi án đạo nhạc này khi hàng loạt các ca khúc của Sơn Tùng M-TP bị gỡ khỏi các trang âm nhạc.
Đó là chưa kể chỉ vì "chưa có kết luận cuối cùng" về ca khúc Chắc ai đó sẽ về mà bộ phim Chàng trai năm ấy của đạo diễn Quang Huy đáng lẽ công chiếu hôm 20/11 phải chậm ngày ra rạp dù đã book rạp và lên kế hoạch quảng bá chi tiết.
Vậy câu hỏi đặt ra là ai sẽ đền bù thiệt hại cho đoàn làm phim, chính ca sĩ và nhà sản xuất vì nghi án này?
Rất khó để kết luận ai đúng ai sai, ai được ai mất sau sự vụ lần này, nhưng các câu chuyện bên lề kéo theo sau lại rõ rành rành. Còn những tác động tích cực hay tiêu cực của nó đến nền âm nhạc Việt Nam, thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi này.