Chuyện ít biết về bài hát 'Xin làm người hát rong'

Nhân sinh nhậtlần thứ 72 của nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy vừa qua, nhiều bạn bè văn nghệ từng làm việc với ông kể lại câu chuyện ít người biết về bài hát Xin làm người hát rong.

Xin làm người hát rong được phổ biến rộng rãi qua sự trình bày của nhiều ca sĩ, với những câu hát đi vào lòng người:

“Cũng đành xin làm người hát rong

Chỉ mong đời không chê trách

Chỉ mong chuyến xe muộn màng

Không dừng sớm khi đang rong chơi…”

Ai cũng biết bài hát này của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, song không mấy ai biết bài hát liên quan đến đạo diễn Lê Văn Duy. PV đã tìm gặp đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy và ông đồng ý kể lại câu chuyện này:

- Chuyện cũng đã lâu rồi, và thực tế, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng đã có lời xin lỗi nên tôi không muốn nhắc lại. Nhưng bạn bè đã nhắc lại trong sinh nhật của tôi và nhà báo đã hỏi thì tôi trả lời.

Khoảng năm 2.000, tôi đang làm Giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, có tổ chức làm phim truyện Đêm hoa đăng. Phim này được tôi chuyển thể từ một truyện hài của Mạc Can viết về những nghệ sĩ già trong một gánh hát hoạt động theo kiểu nay đây mai đó. Kịch bản ghi tên tôi và Mạc Can, đạo diễn phim là anh Nguyễn Mộng Long. Sau, tôi đổi tên phim từ Đêm hoa đăng thành Đời người hát rong cho đúng với tinh thần của phim.

Nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy

* Và ông đã nhờ nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết nhạc cho phim?

- Cuối kịch bản phân cảnh, tôi có làm một bài thơ và nhờ nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc cho diễn viên hát khi quay cảnh thả đèn hoa đăng. Đây là một cảnh được quay rất công phu cho phim. Tôi đã đưa kịch bản cho nhạc sĩ Trần Long Ẩn đọc để viết bài hát theo đặt hàng của tôi.

Tất nhiên, khi đặt hàng Trần Long Ẩn viết nhạc cho phim, tôi đã thực hiện tác quyền bằng cách ứng tiền cho nhạc sĩ. Tôi nhớ là ứng trước cho anh Trần Long Ẩn 3 triệu đồng theo thời giá khi đó, có biên nhận đàng hoàng. Sau khi phim ra rạp và phát hành video, chúng tôi còn trả nhuận bút thêm cho anh Trần Long Ẩn.

* Nhạc sĩ Trần Long Ẩn viết bài hát Xin làm người hát rong theo đơn đặt hàng của ông, nhưng có thể đây là một sáng tác độc lập của nhạc sĩ so với kịch bản phim?

- Như đã nói, kịch bản phim lúc đầu là Đêm hoa đăng và tôi có làm một bài thơ cuối kịch bản này để nhạc sĩ phổ nhạc. Có thể, nhạc sĩ không dùng nguyên văn những gì tôi viết, thì ít nhất lời bài hát cũng bắt đầu từ ý thơ của tôi chứ. Lâu nay, tôi không nói gì về chuyện này, bởi tôi nghĩ nghề của tôi là đạo diễn và viết văn. Tôi không muốn hơn thua gì về một bài thơ, bởi thơ không phải là sự nghiệp của tôi, nhưng bạn bè đã nhắc lại thì tôi cũng nên nói cho rõ.

Khi phim Đời người hát rong làm gần xong, chưa phát hành thì thật bất ngờ tôi thấy bài hát Xin làm người hát rong phát trên đài. Bài hát này viết cho phim của Hãng Nguyễn Đình Chiểu, phim chưa phát hành mà nhạc sĩ đã mang đi dự thi và hình như đoạt giải của Hội Âm nhạc, lại còn phát trên đài nữa. Tôi nói với nhạc sĩ làm vậy khác nào phim của chúng tôi “ăn theo” bài hát.

* Trong đời làm đạo diễn của mình, ông cộng tác với rất nhiều nhạc sĩ, có trường hợp nào giống như trường hợp này?

- Các nhạc sĩ mà tôi mời cộng tác khi làm phim, như: Hoàng Hiệp, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Ca Lê Thuần… đều không hề nảy sinh mâu thuẫn gì hết. Chẳng hạn khi tôi làm phim chân dung Đối thoại với quê hương về chân dung nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã sáng tác bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ cho phim, đây là bài hát độc lập của Hoàng Hiệp nên tôi không hề có ý kiến.

Về tình bạn văn nghệ với nhau, tôi luôn tôn trọng tác quyền của đồng nghiệp. Khi làm phim Đời có tên tụi mình do tôi đạo diễn và biên kịch từ truyện cùng tên của nhà văn Võ Phi Hùng. Dù là tôi biên kịch, nhưng vì là truyện của Võ Phi Hùng, nên tôi ghi rõ kịch bản do Lê Văn Duy và Võ Phi Hùng viết, nhuận bút chia đôi. Có lẽ, Xin làm người hát rong là trường hợp hy hữu trong đời làm phim của tôi.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại