Táo quân không chỉ trở thành đề tài thu hút dư luận trong nước mà còn trở thành sự quan tâm của báo chí nước ngoài.
Hôm qua, 20/2, Thời báo New York vừa đăng tải bài viết về chương trình Táo quân quen thuộc, được phát sóng thường niên suốt 12 năm qua vào khung giờ 20h trên Đài truyền hình Việt Nam.
Trong bài viết của mình, nhà báo Mike Ives cho biết, chương trình Táo Quân là một chương trình được rất nhiều người dân Việt Nam chờ đợi vì nó đề cập tới những vấn đề nóng bỏng nhất của một năm qua.
Bài báo được đăng tải trên New York Time.
Phóng viên của New York Time đã có dịp phỏng vấn ông Nguyễn Bá Tiến (Hà Nội), một khán giả quen thuộc của chương trình Táo quân.
Ông Tiến chia sẻ rằng chương trình Táo quân cuối năm được rất nhiều người yêu thích bởi nó "đề cập tới vấn đề nóng trong xã hội", "là tiếng lòng của người dân".
New York Time cũng cho biết, đây là chương trình được khán giả Việt Nam mong đợi và theo dõi rộng rãi nhất dịp Tết Nguyên đán.
Nó nổi tiếng vì sự đả kích các vấn đề nổi cộm của xã hội, phê phán sâu cay những câu chuyện gai góc nhất của đất nước.
Hình ảnh gia đình ông Nguyễn Bá Tiến đang xem Táo quân 2015. Ảnh Justin Mott - New York Time.
New York Time dẫn lời Nonathan, một nhà xã hội học đang công tác tại Hà Nội khi đánh giá rằng Táo quân "thực sự đánh trúng tâm lý của khán giả".
New York Time viết, Táo quân là sự pha trộn phong tục các nước Á Đông, mà cụ thể là phong tục Việt Nam và Trung Quốc.
Trong quan niệm Á Đông, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về chầu trời. Trong ngày tiễn ông Táo, người ta sẽ thả 3 con cá chép và hóa vàng mã.
Những nghi lễ này được xem là điều kiện cho chuyến đi của các vị Táo quân lên chầu trời. Nhiệm vụ của Táo quân là báo cáo với Hoàng thượng về tất cả công việc của nhân dân về 12 tháng đã qua.
Hình ảnh quây quần xem Táo quân của gia đình bạn Phạm Minh Hiếu được đăng tải trên New York Time.
Trong bài báo của mình, nhà báo Mike Ives chia sẻ, Táo quân được ra đời vào năm 2003 và thay vì báo cáo về việc diễn ra ở các gia đình thì các Táo sẽ báo cáo những vấn đề liên quan tới xã hội, đất nước.
New York Time cũng dẫn lời của ông Trần Bình Minh, Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam về những yêu cầu Táo quân nên "nhẹ nhàng" trong kịch bản.
Bài báo cũng chia sẻ về việc, đạo diễn của chương trình Táo quân, ông Đỗ Thanh Hải, đã nhiều lần từ chối yêu cầu phỏng vấn và các nghệ sĩ của chương trình cũng rất kín tiếng trong việc tiết lộ nội dung.
New York Time đã dẫn lời của bạn Phạm Minh Hiếu, một sinh viên Đại học về chương trình Táo quân:
"Chương trình có rất nhiều lời chỉ trích nhưng theo một cách hài hước".
Được biết, vào tối 30 Tết, Hiếu cùng cha mẹ mình và anh em đã cùng nhau quây quần xem Táo quân. Hiếu chia sẻ, chương trình Táo quân đã trở thành một phần của Tết và cả gia đình cùng nhau xem chương trình là một việc thường niên.
Bên cạnh đó, bài báo cũng chia sẻ suy nghĩ của một khán giả có tên là Chiến. Bà Chiến chia sẻ, Táo quân không chỉ là một chương trình để vui chơi giải trí bởi nó là giúp người dân tìm hiểu thêm về các mặt của xã hội.
Bài báo cũng đề cập tới nội dung của Táo quân 2015 vừa diễn ra vào tối 30 Tết vừa qua. Thay vì chia thành các Táo ban ngành như năm ngoái thì Táo quân năm nay có sự thay đổi khi xuất hiện Táo Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Táo quân 2015 tái hiện các gameshow nổi tiếng trong năm như: Ai là triệu phú?, Ơn giời cậu đây rồi...
Những nội dung được đề cập trong Táo quân 2015 đó là những vấn đề mang tính xã hội như những hiện tượng mạng, sự quan liêu tham nhũng, thị trường bất động sản, nợ xấu...