Dù mới vừa tròn 5 tuổi nhưng bé Đỗ Nhật Quang (sinh ngày 23/5/2009) đã có "thâm niên" 3 năm nằm viện. Trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng cùng con chiến đấu để cải thiện từng chút tiểu cầu, chị Đoàn Thị Hiền gần như đã kiệt sức.
Chúng tôi gặp mẹ con Quang trong Viện Huyết học và truyền máu Trung ương ngay sau khi cháu vừa gồng mình qua cửa tử. Nhưng đường sinh chẳng biết kéo dài đến ngày nào vì tử thần vẫn luôn rình rập lấy đi mạng sống của cháu.
Năm lên 2 tuổi, gia đình đưa Quang đi xét nghiệm và phát hiện cháu mắc chứng giảm tiểu cầu máu. Ngay lúc đó, chị Hiền và chồng đã nhìn thấy những khó khăn vất vả mà Quang và cả gia đình sẽ phải mang trên vai vì căn bệnh hiểm nghèo.
Từ đó cho đến nay, những ký ức đầu đời của Quang gắn liền với những đợt tiêm, truyền, đánh hóa chất. Không biết bao nhiêu lần chị Hiền ôm con khóc nức nở trong phòng cấp cứu cầu mong ông trời thương đừng cướp đi mạng sống của con.
"Có hôm cháu bị chảy máu cam nhưng mẹ chưa xin nghỉ được nên cứ lần chần mãi mới đưa con vào viện. Trên xe cháu đau bụng kêu gào, nằm không nằm được chỉ cầu mong đến viện cho nhanh. Tại cháu nuốt máu vào trong bụng, máu cam chảy trôi vào phân hủy thành chất độc làm cháu bị đau bụng. Hôm ấy đi giữa đêm, mặt mũi cháu tái xanh tái mét, người không còn chút sức sống gì. Lên viện các bác sĩ tưởng là cháu đi rồi.. Qua lần đó, tôi rút kinh nghiệm, thấy cháu như vậy là phải đưa cháu nhập viện luôn", chị Hiền nhớ lại.
Quang thì còn nhỏ nên chưa biết gì về căn bệnh của mình. Ngay từ lúc biết đi biết nói, có lẽ đi Viện với Quang cũng giống như các bạn đến lớp, đến trường. Quang lại là một cậu bé rất hiếu động, vô tư và hồn nhiên lắm. Những lúc khỏe mạnh, Quang chạy khắp Viện chơi, có khi bà cũng không tìm thấy. Quang đi theo các cô y tá, đòi sang thư viện chơi cùng các anh chị tình nguyện viên.
Quang thích nghe nhạc. Đặc biệt rất thích bài hát Anh không đòi quà của Karik và OnlyC. Chị Hiền kể có những hôm Quang nghe đi nghe lại bài hát đó, còn đọc rap theo nữa. Đoạn nào không thuộc Quang sẽ ậm ừ, bậm bục trong miệng rất đáng yêu. Quang cũng ước mong có ngày sẽ được gặp "thần tượng", để cùng các anh hát, đọc rap, chơi đùa....
Nụ cười đáng yêu và tinh nghịch của bé Quang trong những ngày còn khỏe mạnh
Quang còn nhỏ nên cứ đáng yêu và vô tư như thế. Chỉ có bố mẹ Quang là vất vả. "Có những hôm cháu đang nằm, ộc hết máu ra, gia đình sợ tái mặt lại, nghĩ rằng điều không lành xảy ra với cháu. Quang hiếu động chứ không như những bé khác. Con đi đâu mẹ cũng phải bế hoặc cõng đi, không dám lơ là cháu một phút. Quang chưa biết gì về bệnh tình của mình. Chỉ thỉnh thoảng bảo mẹ ơi con bị tím này, mẹ lấy dầu xoa cho con đi. Quang còn trẻ con mà, cháu mới 5 tuổi thôi, đã hiểu gì về bệnh tật đâu...", chị Hiền tâm sự.
Thế nhưng bệnh tình chẳng đợi cháu biết đến hay không. Nó âm thầm lấn tới, làm cho Quang cùng gia đình bao phen khốn đốn. Kinh hãi nhất là đợt trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi. Các bác sĩ thông báo với gia đình rằng tiểu cầu của Quang đã ở mức độ nguy kịch nhất.
"Các bác sĩ đã gọi gia đình lên và nói rằng không biết cháu có qua được đợt nghỉ lễ này không. Nếu qua được thì là may, còn không thì gia đình cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý. Gia đình khủng hoảng và lo sợ. Ông bà cháu khóc suốt ngày. Họ hàng cũng tranh thủ lên thăm Quang vì sợ sẽ không còn cơ hội gặp cháu nữa. Cả gia đình lúc đó xác định cùng nhau bước qua cửa tử".
Chị Hiền kể như những ngày ấy đã ở xa lắm, vậy mà nó chỉ mới vừa diễn ra thôi. Thế mới thấy, mỗi ngày cùng con chiến đấu để cải thiện từng chút tiểu cầu với người mẹ trẻ này nó dài đằng đẵng và rất nhiều mỏi mệt.
Thế nhưng bằng một sự kiên cường nào đó, hay bằng một sự ưu ái nào đó của số phận, Quang qua khỏi. Nhìn những ngày nối tiếp nhau nặng trịch trôi qua hơi thở của cậu con trai 5 tuổi, cả gia đình mừng rỡ thở phào.
Có những lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết đã rất nhạt nhòa. Nhưng bé Quang cùng gia đình vẫn kiên cường chiến đấu, kiên quyết giành lấy nụ cười xin xắn này cho em.
Vượt qua đợt nghỉ lễ rồi, giờ tiểu cầu của Quang cũng tăng lên một chút song không đáng kể. Con số từ 2,5 tăng lên được 3 rồi 4, nhưng vẫn ở trong trình trạng báo động.
Các bác sĩ nói rằng hy vọng kéo dài thêm sự sống với Quang vẫn còn. Cơ hội khỏi bệnh của Quang không phải là đã hết. Tuy nhiên, cơ hội ấy với gia đình Quang lại là một điều quá xa xỉ, vượt ngoài tầm với.
"Cháu đã dùng hết thuốc có trong danh mục được bảo hiểm rồi. Thuốc cũ không đáp ứng được nữa. Các bác sĩ tư vấn rằng bây giờ biện pháp kéo dài thêm thời gian sống cho cháu là phải truyền một loại hóa chất tốt hơn (không có trong danh mục bảo hiểm y tế - PV). Nhưng thuốc đó đắt lắm. Những 20 triệu/1 mũi. Mỗi đợt dùng 4 mũi. Vậy là một đợt điều trị mới, chỉ tính riêng tiền thuốc thôi đã mất 80 triệu đồng. Gia đình cháu theo làm sao được", người mẹ trẻ rưng rưng nước mắt.
Hai vợ chồng chị Hiền đều là giáo viên giảng dạy bộ môn Tin học tại Sơn La. Dù là công nhân viên chức Nhà nước nhưng đồng lương eo hẹp. Suốt 3 năm chữa bệnh cho con, gia đình chị phải vay mượn rất nhiều.
"Ba năm rồi gia đình đã cố gắng hết sức của mình. Quang có bảo hiểm y tế nên không mất tiền thuốc. Song mỗi lần lên viện điều trị chỉ tính tiền phí sinh hoạt, rồi thi thoảng phải dùng thuốc ngoài nữa cũng mất khoảng hơn 20 triệu".
"Nhà" của Quang chủ yếu là ở bệnh viện. Cứ 20 ngày Quang lại phải ra viện khám. Khám xong thì nằm ít nhất 1 tháng, có đợt 2 tháng liền. Bác sĩ bảo tiểu cầu thấp quá như thế này chỉ có nằm viện suốt thôi. Hôm trước tiểu cầu lên được 10, các bác sĩ nói cho Quang về nhà 5 ngày cho thỏa mái. Nhưng về nhà được 2 - 3 hôm thì cháu xuất huyết, máu cam chảy lại phải vào viện cấp cứu.
Tất cả trông chờ vào đồng lương giáo viên của 2 vợ chồng. Thế nhưng con đi viện suốt, lại ở xa nên mẹ cháu thường xuyên phải xin nghỉ làm không lương. Lúc ấy, thu nhập của gia đình chỉ còn mỗi mình bố cháu gánh. Có lúc phải đi vay mượn tứ tung cũng chẳng đủ. Bình thường thôi đã khốn khó lắm rồi, bây giờ bảo điều trị thuốc đắt hơn thì gia đình không có khả năng. Tính thu nhập 1 năm của gia đình cũng chưa bằng được 1 đợt điều trị của cháu", chị Hiền nói trong xót xa, bất lực.
Nhìn cậu con trai 5 tuổi đang từng ngày giành giật giữa sự sống và cái chết, bố mẹ cháu đau thắt lòng nhưng bất lực vì số tiền chữa bệnh quá lớn
Nhưng đó lại là cách duy nhất, cách cuối cùng giúp Quang duy trì mạng sống của mình, chờ ngày phép màu có thể đến.
"Các bác sĩ cũng cố gắng hết sức rồi, có gì tốt nhất cũng đã cho Quang. Quang được ưu tiên điều trị bằng tiểu cầu máy, vì bây giờ tiểu cầu thường không đáp ứng được nữa. Nhưng tiểu cầu máy hiếm, nhiều hôm cũng chẳng có. Cả gamma Quang cũng được cho dùng đến 5-6 đợt rồi mà chẳng ăn thua. Cái đó ai hợp, được điều trị là sẽ khỏi. Hôm trước, lúc tiểu cầu ở mức nguy kịch, bác sĩ cũng đề xuất cho Quang dùng thêm 1 đợt nữa.
Đúng hôm đấy mẹ cháu vừa mới về Sơn La. 5 giờ sáng về đến nhà thì 7 giờ bà nội gọi điện lên bảo các bác sĩ nói như thế. Bây giờ phải xuống ngay ký bệnh án, phải truyền thuốc 20 triệu 1 mũi kia không thì chẳng biết thế nào. Nghe tin thế bủn rủn hết cả người.
Gia đình hỏi bác sĩ dùng thử 1-2 mũi có được không để gia đình về vay mượn thêm nhưng các bác sĩ bảo là đã dùng là phải dùng 4 mũi chứ không dùng nửa vời như thế được.
Đúng là cháu thương bố mẹ nên gắng gượng qua cơn nguy kịch, chứ bây giờ bố mẹ cháu vẫn chưa biết phải làm gì cho cháu cả. Nhà cửa trên kia thì chưa có, 2 vợ chồng phải đi ở nhờ. Ông bà ngoại mất sớm nên không nhờ vả được gì. Giờ 2 vợ chồng chỉ còn mỗi các cắm sổ lương để lấy tiền điều trị cho cháu thôi", những giọt nước mắt lăn dài trên má bà mẹ trẻ đang đứng trước bi kịch mất con.
Nhưng lương của cả 2 anh chị gộp lại cũng chẳng đáng bao nhiêu. Tổng thu nhập 1 năm của cả gia đình cũng không bằng được một đợt điều trị của cháu. Các bác sĩ nói nếu được duy trì cho đến khi Quang 5 tuổi rưỡi thì có thể tiến hành mổ cắt nách. Lúc ấy, cơ hội khỏi bệnh của cháu sẽ lên đến 30-40%. Đó chính là biện pháp tối ưu cuối cùng.
Nhưng chờ đến lúc Quang được tiến hành phẫu thuật để nâng cao hy vọng sống ít nhất cũng phải 6-7 tháng nữa. Số tiền chữa trị cho Quang lên đến hơn nửa tỷ đồng. Có nằm mơ bố mẹ Quang cũng không nghĩ bằng cách nào kiếm cho ra được.
"Đường cùng, vợ chồng tôi vẫn sẽ cắm sổ lương để điều trị cho cháu. Được đợt nào hay đợt đó. Rồi sau xoay sở tiếp như thế nào vợ chồng tôi không tài nào tính được. Hai vợ chồng bây giờ chỉ có mỗi đồng lương thôi, chẳng có cái gì..", chị Hiền cho biết.
Quang đáng yêu và được rất nhiều bác sĩ, các anh chị tình nguyện viên ở đây yêu quý
"Nghĩ cũng nản lắm chứ. Nhưng vì thấy nhiều cháu bị bệnh này cũng đỡ, sống khỏe mạnh, còn lập gia đình nữa. Vì thế mình phải cố gắng. Mình vẫn hy vọng, lạc quan và tìm mọi biện pháp để con có thể sống.
Mọi thứ bây giờ gấp gáp lắm, tính từng giờ từng ngày. Bệnh của cháu không chờ gia đình tôi nghĩ ra được cách, không đợi bố mẹ đi kiếm được tiền. Tiểu cầu của cháu vẫn đang ngàn cân treo sợi tóc. Nếu không theo được đơn thuốc đắt tiền đó, số phận của cháu cũng chẳng biết thế nào, chẳng biết kéo dài được đến bao giờ"..., đôi mắt của bà mẹ trẻ đau đáu, xót xa.
Mấy hôm nay sức khỏe Quang yếu lắm. Quang không còn muốn chơi đùa với nữa, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Chị Hiền kể: "Hôm trước khi rơi vào cơn nguy kịch, Quang cũng như có linh cảm gì đó nên cứ nằng nặc đòi về với mẹ. Cậu bé liên mồm nói con không ở đây đâu, các bác sĩ không cho phép con cũng phải về với mẹ. Hôm đó là tối thứ 4, sáng thứ 5 tôi về tới nhà thì các bác sĩ báo tin xảy ra chuyện".
Từ hôm lên với con tới giờ, chị Hiền lại phải về Sơn La để lo công việc. Biết mẹ sắp phải về, cu cậu chẳng thiết nói năng gì, cứ bám riết lấy mẹ chẳng rời nửa bước.
Lúc tiễn chúng tôi về, chị Hiền bế bé Quang trên tay. Đôi bàn chân của cháu quắp lấy mẹ. Chị Hiền vòng tay ôm chặt lấy con như cũng chẳng muốn rời. Hơn ai hết chị là người hiểu rõ nhất cái gọi là xa cách, mất mát và sự bất ngờ của số phận.
Đôi mắt chị rưng rưng, đau đáu nhưng tràn đầy hy vọng. Nếu có đủ tiền để duy trì chờ đến ngày phẫu thuật, cậu con trai đáng yêu của chị sẽ có cơ hội được sống, sống mạnh khỏe, thậm chí còn lấy vợ sinh con, có một gia đình hạnh phúc. Chị hiểu rằng mạng sống của con nằm trong bài toán 80 triệu/tháng. Nhưng bài toán đó vượt ngoài sự cố gắng của gia đình chị.
Nụ cười của cậu bé đáng yêu này đang phụ thuộc vào phương pháp điều trị tốt, nhưng rất đắt
Hãy chung tay giúp đỡ bé Đỗ Nhật Quang bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.
Tài khoản: 1902.798.7602.011 Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.
Xem lại bài hát Anh không đòi quà được bé Quang thuộc làu trong những ngày chiến đấu với bệnh tật:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA