Bộ phim "Các vị thần Ai Cập” không chỉ là câu chuyện thần thoại về hành trình đi tìm lại đôi mắt thần của thần Horus sau khi bị Set, thần bóng tối cướp ngôi.
Sau khi bị thần Set đánh bại, Horus ẩn thân trong một ngôi đền mặc kệ thần dân của ngài sống trong cảnh nô lệ khốn khổ dưới ách thống trị của Set.
Không còn được các thần khác tin tưởng, Horus phải nhờ đến sự trợ giúp của một tên trộm người phàm là Bek để tìm lại sức mạnh, quyền năng và hơn hết là ngộ ra lòng nhân từ trong cách cai trị của một ông vua.
Bek vì muốn cứu người yêu là Zaya từ địa ngục trở về cõi sống nên chấp nhận trải qua những nguy hiểm tột bậc để làm suy yếu Set. Nhưng Set đã lường trước mọi thứ.
Tuy nhiên, điều thú vị và đặc biệt của bộ phim này không nằm ở nội dung phim.
Ghen ăn tức ở
Cũng có nét giống với thần thoại Hy Lạp, trong thần thoại Ai Cập cũng có một vị vương tử là thần bị đày đi nơi xa xôi hẻo lánh. Với thần thoại Hy Lạp, đó là Hades ở Địa ngục. Với thần thoại Ai Cập, đó là Set ở sa mạc.
Giữa Set và Hades có rất nhiều điểm chung, một trong những điểm chung đó là thói ghen ăn tức ở. Thế mới thấy, dù có là thần thì họ cũng giống y như những con người mà họ khinh rẻ và nắm giữ sinh mạng trong tay.
Nhưng trong các câu chuyện thần thoại Hy Lạp đã được dựng thành phim, Zeus dù cũng là một vị vua nhân từ và bao dung như Orisis của Ai Cập, thì Zeus lúc nào cũng đề phòng Hades. Còn Orisis thì không.
Hades ghen ăn tức ở, nên luôn tìm cách khích bác các vị Á thần (con của thần và người thường) để chống phá anh trai mình. Còn Set thì trực tiếp và tàn bạo hơn, giết anh trai mình trong lễ nhường ngôi và lấy đi đôi mắt thần của Horus, cháu ruột mình.
Là người phàm, khi ghen ăn tức ở thì chỉ biết nói xấu sau lưng hoặc bày mưu lập kế hãm hại nhau. Còn các vị thần, sự ghen ăn tức ở của họ gây nên hiểm họa khôn lường.
Vì mục đích cũng bất chấp thủ đoạn
Trong tình trạng mù lòa, Horus đã trở nên yếu đuối và bám víu vào bất kỳ một cơ hội nào để hồi phục sức mạnh. Cho dù cơ hội đó đến từ một tên trộm người phàm - Bek.
Bek có trí thông minh tuyệt đỉnh, chỉ nhìn qua bản vẽ quốc khố của Set một lần đã nhớ ngay đường đi nước bước.
Anh đã lấy lại được một con mắt cho Horus với một lời mặc cả, Horus phải cứu sống người yêu của Bek là Zaya sau khi Bek trợ giúp Horus lấy được con mắt thứ 2 về.
Sự thật là Zaya đã chết hẳn, cho dù Horus có lên làm vua, cai trị tất cả thần – dân xứ Ai Cập thì cũng không thể nào cứu được Zaya từ cõi chết trở về.
Nhưng vì muốn Bek hỗ trợ mình lấy lại đôi mắt, Horus đã lừa Bek sẽ bảo thần Địa ngục là Anubis trả Zaya về cho Bek. Một sự lừa dối trắng trợn mà sau này, chỉ vì xấu hổ với vợ là Harthor, Horus mới thú nhận với Bek.
Vòi hối lộ từ người chết
Trong thần thoại Ai Cập, người ta tin rằng khi chết đi, con người không thật sự chết mà chỉ bắt đầu một cuộc hành trình mới sang thế giới bên kia mà thôi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sang được thế giới bên kia, mà phải có điều kiện. Ở thời vua Orisis, ông là người nhân từ, nên ai cũng được "pass" qua một cách dễ dàng không điều kiện.
Nhưng khi ông bị Set hãm hại, những giá trị của ông bị lật đổ. Set tuyên bố khi lên làm vua rằng ai có tiền mới được sang thế giới bên kia, không có hoặc không đủ thì linh hồn sẽ tan biến không còn chút dấu vết nào cả.
Trong phim, một gã nhà giàu khi chết đi được chôn theo một rương vàng bạc châu báu. Gã đặt rương này lên cán cân phán xét, và như lời tuyên bố của Set, tiền nhiều nên gã nhà giàu được sang thế giới bên kia.
Còn một bà cụ nghèo khó, chỉ có một chiếc nhẫn đồng bỏ lên cân, Hội đồng phán xét không cho bà sang. Linh hồn bà tan biến ngay lập tức.
Ghen tuông và cãi bướng
Harthor là vợ của Horus. Khi Set lấy đi đôi mắt thần của Horus và muốn giết ông, Harthor đã chấp nhận thần phục và hầu hạ Set để đổi lấy mạng sống cho Horus.
Tuy nhiên, khi đã lấy lại được một mắt nhờ Bek, Horus trở nên hoài nghi vợ mình và nhiếc móc bà “Khi anh mù lòa thì em lại lên giường với gã đàn ông khác”.
Thay vì giải thích, Harthor cũng giống như các cô gái người phàm có cá tính mạnh, trả treo “Tại sao em phải dành tấm thân đẹp đẽ này cho một gã mù lòa”.
Và cũng như vô số người phụ nữ lợi hại, bà thòng thêm câu cuối: “Ngay cả khi nhìn thấy được rồi, anh cũng đâu có đi cứu em”.
Thần cũng chỉ là những kẻ đột biến khổng lồ
Quả vậy, tạo hình của các vị thần trong phim dường như không khác lắm so với người thường. Chỉ là họ cao gấp đôi, khoảng hơn 3m, nặng chắc cũng tầm 200kg trở lên.
Khi đánh nhau, cũng với những chiêu thức bình thường như đấm, đá, đâm, chọc… không giống như phim kiếm hiệp Trung Quốc tung chưởng vỡ đá, kiếm khí thủng tường… thần Ai Cập chỉ có một chiêu biến hình để tăng lên sức mạnh.
Và từ đây mới thấy rõ họ là "người đột biến". Horus, Nepthys vươn mình một cái là vảy mọc đầy người, lưng mọc cánh. Set gồng người lên là da nứt nẻ, loang lổ như nham thạch, mặt biến dạng thành đầu chim.
Cá biệt là thần Ra, ông có tạo hình một ông già "xì tin" với phần đầu trọc và bím tóc bạc dài phía sau. Hình dạng khi biến hình của ông tuy không nổi bật nhưng cũng khá ấn tượng với động tác 3 đấm vào ngực thì cơ thể to lên 3 lần.
Xét cho cùng, bỏ đi khả năng biến hình và các loại vũ khí công nghệ đỉnh cao. Thần cũng chỉ hơn người thường ở chỗ hình thể to lớn và sức mạnh tương đương với hình thể ấy mà thôi.