Nhưng nếu sự nổi tiếng của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ thì câu chuyện về những ngày xưa cũ đủ để ai cũng phải khâm phục.
Danh hài tên đầy đủ là Võ Vũ Trường Giang, quê gốc Quảng Nam nhưng sinh ra ở Đồng Nai. Năm anh lên ba thì mẹ mất vì một tai nan giao thông.
Gia cảnh đang sung túc bỗng đi xuống. Một mình bố anh dắt díu 6 đứa con chạy từ Đồng Nai ra Quảng Nam rồi ngược lại để trốn cái nghèo mà không thoát.
Thằng Tí (tên ở nhà của Trường Giang) thiếu ăn nên gầy còm, đen nhẻm. Sau giờ học cũng bắt chước người ta đi mót mủ cao su còn sót lại, lượm củi khô mang đi bán. Cực vậy nhưng làm hoài chẳng đủ ăn.
Trường Giang thường nói, nhà người ta nghèo thường chứ nhà anh nghèo tới tám kiếp. Thế nên, ký ức của anh về ngày ấy không có những trò con trẻ mà chỉ là những bữa rỗng ruột vì bố không có tiền đong gạo, sang hàng xóm thấy bát cơm nóng hổi mà phát thèm.
Nhưng nhìn lại, đó vẫn không phải là những ngày đáng sợ, cùng cực nhất.
Lên Sài Gòn sau khi dang dở ước mơ làm thầy, với hai bàn tay trắng, Trường Giang chẳng có gì để mất, anh cũng chẳng biết bấu víu vào đâu để suy tính tương lai hay cái gì đó xa vời mà chỉ mong có đủ cơm ăn mỗi ngày.
Vậy mà cơm đâu chẳng thấy, chỉ thấy mì gói quanh năm.
Nếu thời điểm đó, hãng mì gói... biết đến anh, có lẽ Trường Giang đã trở thành khách hàng thân thiết, được tặng lịch mỗi kỳ năm mới.
Nhưng có lẽ sự thiếu sót này khiến Trường Giang vui nhiều hơn buồn bởi nếu được tặng lịch thật thì anh cũng không biết dùng chúng vào việc gì.
Một kẻ chỉ biết đầu tắt mặt tối, đếm ngày bằng ba bữa mì gói thì cần gì đến lịch. Mà nếu có cần đến cũng chẳng biết phải treo ở đâu vì làm gì có nơi để đi về.
Đó là quãng thời gian Trường Giang chẳng khác gì một kẻ lang thang, vạ vật. Không có chỗ ngủ, hôm nay anh xin ké nhà người này, mai ké nhà người khác. Người ta nhờ nhiều thì ngại, anh nhờ nhiều quá lại thành quen.
Cũng chính trong quãng thời gian đói rách ấy, cuộc đời lại tặng thêm anh hai cái tát như trời giáng. Đó là hai lần bị đuổi học ở trường Sân khấu Điện ảnh với lý do y hệt: nợ tiền học phí và không có tố chất, trong tố chất bao gồm cả việc xấu, lùn và nói giọng địa phương.
Từ một kẻ không dám mường tượng tương lai, Trường Giang hoàn toàn mất phương hướng. Nếu là người khác có lẽ đã bỏ cuộc để quay về quê, sáng sáng vác cuốc ra đồng, tối tối vác đèn ra ao nhưng Trường Giang thì không.
Anh bám trụ lại mảnh đất phồn hoa đô thị ấy chẳng bởi quyết tâm gì ghê gớm lắm mà chỉ vì không muốn trở về ăn bám bố.
Cuộc đời của Trường Giang chỉ bắt đầu thay đổi khi gặp được cố nghệ sĩ Hữu Lộc. Một lần tình cờ, anh được người bạn giới thiệu cho vai quần chúng trong vở Người nhà quê ở sân khấu Nụ cười mới.
Với vai diễn đầu tay, Trường Giang bước ra sân khấu trong chiếc áo thun màu hồng và gương mặt hốc hác. Được vài chục phút đứng trên sân khấu nhưng anh chỉ có vài câu thoại, chưa kịp để khán giả nhớ mặt, điểm tên.
Ấy vậy mà khi vào cánh gà, anh lại nhận được cái vỗ vai khen ngợi của cố nghệ sĩ Hữu Lộc. Cơ hội mở ra trước mắt, chàng trai luôn khao khát có một công việc ấy chẳng dại gì bỏ qua.
Rồi anh vừa học, vừa làm, Hữu Lộc chỉ cái gì anh nhớ cái đó, dạy cái gì, anh khắc cốt ghi tâm.
Cứ như thế, Trường Giang bước từng bước vào con đường nghệ thuật mà không dám mảy may tính toán hay đong đếm vì vốn dĩ sự nổi tiếng là điều chẳng ai có thể lên kế hoạch.
Và khi chưa là ai cả cũng là lúc Trường Giang nhận ra rằng nghề diễn cũng lắm điều bạc bẽo. Không thể đếm nổi bao nhiêu đêm Trường Giang nằm ôm gối khóc thầm bị bị bầu sô rẻ rúng, đồng nghiệp khinh miệt.
Gánh nặng tiền bạc, áp lực cuộc sống giằng xéo nhưng Trường Giang đâu có sợ, mà đúng hơn là anh chẳng có lý do gì để sợ bởi một kẻ trắng tay thì có gì để mất.
Và nếu ví việc Trường Giang gặp được Hữu Lộc là tìm được chìa khóa cho cánh cửa tương lai thì Hoài Linh chính là ánh sáng bên trong cánh cửa ấy.
Nếu không có Hoài Linh tin tưởng, giao viết kịch bản hài cho liveshow của Mr.Đàm năm 2011 thì có lẽ không có Trường Giang của ngày hôm nay.
May mắn gặp Hoài Linh, Trường Giang như cá gặp nước. Nhưng không ỷ vào cơ hội đàn anh mang tới, Trường Giang ngày đêm rèn luyện để hoàn thiện mình, để dù có bị xem là bản sao thì cũng phải là một bản sao hoàn hảo.
Và những cố gắng ấy đã được đền đáp. Bây giờ đến với sân khấu Nụ cười mới, khán giả mua vé không chỉ bởi Hoài Linh mà còn vì có tên Trường Giang in trên đó.
Có thể, sự thành công của ngày hôm nay không giúp Trường Giang lau khô được giọt nước mắt tủi hờn của ngày xưa cũ nhưng ít nhất, nó giúp anh và nhiều người khác tin rằng, mọi kết thúc đều tốt đẹp.
Nếu nó chưa tốt đẹp thì đó chưa phải là kết thúc.