Giải thích: Vì sao hàng trăm người Israel vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin?

Thanh Long |

Vắc-xin COVID-19 được sản xuất dựa trên công nghệ của thế kỷ 21, và bạn không thể bị nhiễm bệnh từ đó.

Israel hiện đang là quốc gia dẫn đầu thế giới trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Hơn 1 triệu người dân của họ, tương đương với gần 12% dân số đã được chủng ngừa vắc-xin được mua từ Pfizer/BioNTech.

Tuy nhiên, các tin tức tiêu cực và dễ gây hiểu lầm bắt đầu bùng nổ sau khi có báo cáo về 240 trường hợp nhiễm COVID-19 chỉ vài ngày sau khi tiêm vắc-xin ở Israel. Một số người chống vắc-xin đã viện dẫn vào đó và nói rằng vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã đưa virus thật vào trong những người này và khiến họ bị nhiễm bệnh.

Thật không may cho họ, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để bác bỏ hoàn toàn thông tin này. Vắc-xin COVID-19 được sản xuất dựa trên một công nghệ của thế kỷ 21, và nó không thể khiến người tiêm bị nhiễm bệnh như vắc-xin truyền thống của các thế kỷ trước.

Câu hỏi đặt ra chỉ là: Tại sao một số ít người đã tiêm chủng vẫn bị nhiễm COVID-19? Và chúng ta có thể phòng tránh điều đó bằng cách nào?

Giải thích: Vì sao hàng trăm người Israel vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin? - Ảnh 1.

Vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoạt động theo cơ chế nào?

Để có thể hiểu tại sao một số ít người sau khi tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech vẫn bị nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng ta cần phải phân tích cơ chế làm việc của loại vắc-xin mới này. Giống với công ty công nghệ sinh học Moderna, Pfizer/BioNTech cũng phát triển vắc-xin COVID-19 của mình dựa trên công nghệ hoàn toàn mới được gọi là mRNA.

mRNA là các RNA thông tin. Đúng như tên gọi của chúng, mRNA giống một người giao liên đi từ nhân của tế bào, (nơi chứa DNA hay những đoạn mã xoắn điều khiển quá trình tổng hợp protein) ra tế bào chất. mRNA mang các gói mã gen của DNA ra bên ngoài nhân, nói cho tế bào biết chúng đang thiếu protein nào.

Sau khi tế bào nhận thông tin đó, nó sẽ kích hoạt một nhà máy sản xuất protein được gọi là ribosome trong tế bào chất sản xuất đúng các protein mà mRNA đã đặt hàng.

Các nhà khoa học biết rằng họ có thể lợi dụng quá trình đặt hàng protein của mRNA để biến mỗi ribosome có trong mỗi tế bào trở thành một nhà máy sản xuất vắc-xin COVID-19 ngay trong cơ thể.

Mục tiêu là lấy một đoạn mã di truyền của chính virus SARS-CoV-2 (phần hướng dẫn virus tạo ra các protein gai bên ngoài vỏ bọc của chúng), sử dụng đoạn mã này để thiết kế ra những mRNA giúp cơ thể bạn cũng tạo ra được các protein gai của virus SARS-CoV-2 mà không cần tiêm vào bất kỳ một virus thật nào, dù là virus đã được làm yếu.

Công nghệ vắc-xin mới này sẽ đảm bảo hai điều:

- Thứ nhất, bạn không thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vì tiêm vắc-xin mRNA, bởi nó không hề chứa virus gây bệnh giống các loại vắc-xin truyền thống.

- Thứ hai, cơ thể bạn vẫn được đào tạo để nhận ra các protein gai của virus SARS-CoV-2, qua đó, tạo ra các kháng thể chống lại chúng. Các kháng thể này sẽ giúp bạn chiến đấu lại với virus SARS-CoV-2 và bảo vệ bạn khỏi căn bệnh COVID-19 nếu bạn không may lây nhiễm từ bên ngoài.

Giải thích: Vì sao hàng trăm người Israel vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin? - Ảnh 2.

Vậy tại sao vẫn có người bị nhiễm COVID-19 sau khi đã được tiêm vắc-xin?

Như bạn có thể thấy, vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoạt động dựa vào việc đánh lừa cơ thể bằng các mRNA hướng dẫn tế bào sản sinh ra protein gai của virus SARS-CoV-2. Quá trình diễn ra cơ bản theo 5 bước:

Bước 1: Sau khi tiêm các mRNA này vào người, chúng cần đi đến nhiều nhất các tế bào có thể, rồi hướng dẫn tế bào sinh ra các protein gai của virus, biến ribosome của chúng thành các nhà máy sản xuất vắc-xin.

Bước 2: Ngày qua ngày, số lượng protein gai của SARS-CoV-2 trong cơ thể bạn mới tăng dần lên cho đến khi chúng có đủ liều lượng.

Bước 3: Các protein này kích hoạt hệ miễn dịch, khiến các tế bào miễn dịch phát hiện ra chúng là các phân tử ngoại lai.

Bước 4: Tế bào miễn dịch sản sinh ra các kháng thể vô hiệu hóa mọi protein gai mà chúng phát hiện (bao gồm cả protein gai được sản sinh bởi mRNA trong tế bào và protein gai của virus SARS-CoV-2 thật mà bạn có thể nhiễm từ bên ngoài).

Bước 5: Mất một khoảng thời gian nữa, lượng kháng thể trong cơ thể bạn mới đủ nhiều để có thể chống lại toàn bộ tải lượng virus SARS-CoV-2 mà bạn có thể bị nhiễm. Khi protein gai bị vô hiệu hóa, virus SARS-CoV-2 sẽ không thể dùng chúng để nhiễm vào tế bào của bạn và gây bệnh. Bạn được bảo vệ khỏi COVID-19.

Vậy vấn đề cốt yếu ở đây là vắc-xin mRNA cần thời gian để có hiệu lực, chúng cần trải qua cả 5 bước để có thể bảo vệ bạn khỏi virus SARS-CoV-2. Nhưng khoảng thời gian này là bao lâu? Cần bao lâu để cơ thể nhận mRNA cho đến khi tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ người tiêm khỏi bị bệnh?

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của Pfizer/BioNTech cho thấy khoảng thời gian cửa sổ này là khoảng 12 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Điều đó có nghĩa là sau khi tiêm 12 ngày, vắc-xin mới có thể bắt đầu bảo vệ bạn.

Một biểu đồ so sánh tỷ lệ mắc COVID-19 ở những người chỉ được tiêm giả dược (nước muối) với những người được tiêm vắc-xin thật của Pfizer/BioNTech dưới đây đã cho thấy con số 12 ngày đó.

Trước 12 ngày, tỷ lệ nhiễm bệnh của những người tiêm vắc-xin và giả dược là như nhau, sau 12 ngày, những người tiêm vắc-xin mới được bảo vệ một cách ngoạn mục:

Giải thích: Vì sao hàng trăm người Israel vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin? - Ảnh 3.

Sau khi tiêm 12 ngày, vắc-xin mới có thể bắt đầu bảo vệ bạn.

Nhưng sự bảo vệ này cũng chưa hoàn hảo. Thử nghiệm trên hơn 21.000 người được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Argentina, Brazil, Đức, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ cho thấy giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai, hiệu lực của vắc-xin chỉ đạt tới 52%. Trong số 21.720 người được tiêm vắc-xin vẫn có 39 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2.

Phải đợi tới 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai, nghĩa là 28 ngày sau mũi tiêm đầu tiên, vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech mới đạt hiệu lực mong đợi trên 95%. Vậy là phải mất 4 tuần, chiếc cửa sổ lây nhiễm mới thực sự đóng lại chặt nhất, giúp bảo vệ bạn khỏi virus SARS-CoV-2.

Cũng phải nói thêm rằng 240 người nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng vắc-xin tại Israel không phải là một tỷ lệ lớn trên tổng số hơn 1 triệu người đã được tiêm chủng. Vì Israel chỉ mới triển khai chương trình tiêm chủng từ ngày 19/12 năm ngoái, các ca nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin này vẫn nằm trong khoảng thời gian cửa sổ 28 ngày của vắc-xin.

Trước đó, một y tá người Mỹ cũng đã được xác nhận nhiễm COVID-19 vào ngày thứ 6 sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều nhận định các ca nhiễm này là bình thường, không phải do vắc-xin gây ra. Những người này chỉ không may nhiễm virus trong khoảng thời gian cửa sổ khi cơ thể họ chưa tạo ra đủ kháng thể để chống lại căn bệnh.

Những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 vì vậy tiếp tục được khuyến cáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như: đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại