Giải thích nguồn gốc chữ "nha môn" được dùng để chỉ nơi làm việc của quan lại ngày xưa

Trần Quỳnh |

Vì sao nơi làm việc của quan phủ thời xưa lại được gọi là nha môn? Các nha môn cổ đại có xa hoa và cầu kỳ như trên phim ảnh hay không?

Lý giải về ý nghĩa của cách gọi nha môn

Vào thời xưa, nha môn (牙门) là tên gọi của nơi quan lại làm việc. Trong tiếng Trung, "nha"(牙) có nghĩa là răng, "môn" (门) có thể hiểu là cửa.

Viết về cách gọi nha môn, trong "Quảng Vận" có ghi: "Nha, nha phủ dã", ý nói "nha" cũng chính là nha phủ.

Trong lịch sử Trung Hoa, nha môn đã từng có hai cách viết. Cuốn "Nam bộ tân thư" thời nhà Tống viết rằng: "Công môn là nha môn (牙门 ), chữ 牙 (răng) về sau mới được biến hóa thành chữ衙".

Vì sao nơi làm việc của quan lại thời xưa lại có cách gọi đặc biệt này. Chữ "nha" trong đó có mang hàm ý gì đặc biệt hay không?

Giải thích nguồn gốc chữ nha môn được dùng để chỉ nơi làm việc của quan lại ngày xưa - Ảnh 1.

Cho tới ngày nay, có không ít nha môn vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn và trở thành điểm tham quan cho các du khách. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Trước câu hỏi này, các nhà nghiên cứu lịch sử có hai cách giải thích như sau:

Cách giải thích thứ nhất chỉ ra rằng, vào thời xưa, trước nơi quân đội đóng quân và trước doanh trại của chủ soái thường cắm một lá "nha kỳ" (cờ răng). Đây là một lá cờ lớn, trên cán cờ thường được trang trí bằng ngà voi. 

Nha kỳ cắm trước doanh trại sẽ được coi như "quân môn" (cổng quân). Tên gọi "nha môn" cũng từ đó mà thành.

Cách lý giải thứ hai cũng có phần tương tự, theo đó, khi xưa để thể hiện địa vị của mình, quân vương thường đem nanh vuốt của mãnh thú đặt tại nơi làm việc. Vật trang trí này sau được đổi thành các miếng gỗ khắc hình răng thú, đặt ở ngoài cửa quân doanh, gọi là nha môn.

Từ đó có thể thấy, hai chữ "nha môn" vốn là cách gọi xuất hiện từ trong quân ngũ, về sau mới được triều đình sử dụng rộng rãi, áp dụng làm cách gọi chỉ nơi làm việc của quan lại.

Nha môn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc: Từng do hoạn quan đứng đầu

Giải thích nguồn gốc chữ nha môn được dùng để chỉ nơi làm việc của quan lại ngày xưa - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng tái dựng một công đường trong nha môn thời nhà Thanh. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Cách gọi nha môn đã sản sinh ra rất nhiều từ phái sinh. Tiêu biểu có thể kể tới là "nha dịch", từ chỉ tầng lớp sai dịch làm việc trong nha môn.

Bên cạnh đó còn có từ "nha nội" dùng để chỉ quan cảnh vệ tại những cơ quan này. Do chức vụ ấy chủ yếu do con em quan lại đảm nhiệm, nên dân gian quan gọi chung con cháu, anh em của nhà quan là "nha nội".

Sở hữu lãnh thổ rộng lớn, các triều đại Trung Quốc đều từng tồn tại rất nhiều nha môn trải rộng từ cấp trung ương tới địa phương. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể tới "thập tam nha môn" thời nhà Thanh.

Cơ quan này được thành lập vào năm Thuận Trị thứ 11 (năm 1654), bắt nguồn từ lời đều nghị của một hoạn quan. 

"Thập tam nha môn" chuyên phục vụ cho nhà vua và Hoàng tộc, do một hoạn quan được tín nhiệm đứng đầu, bao gồm các cơ quan như Ti Lễ giám, Ngự dụng giám, Thượng thiện giám…

Sự thật về các nha môn thời cổ đại: Tồi tàn đến đâu cũng không được phép sửa!

Giải thích nguồn gốc chữ nha môn được dùng để chỉ nơi làm việc của quan lại ngày xưa - Ảnh 3.

Các nha môn thời cổ đại không hề xa hoa như hậu thế vẫn thường tưởng tượng. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Nhiều người cho rằng, nha môn là nơi làm việc của quan phủ, ắt phải được trang hoàng cầu kỳ, trang trọng. Nhưng trên thực tế, phần lớn các nha môn cổ đại đều rất mộc mạc, thậm chí còn cũ kỹ, tồi tàn.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ thông lệ "quan không sửa nha môn" có từ thời nhà Tống.

Trước khi nhà Tống nắm quyền trị vì Trung Hoa, quan lại ở các triều đại trước đều có quyền tự chủ trong việc tu sửa nhà môn.

Nhưng kể từ thời nhà Tống, quan lại tự ý động đến nha phủ sẽ bị định tội, xét xử. Thông lệ này còn kéo dài tới thời Minh, Thanh.

Tất nhiên, không phải tất cả các nha môn đều bị cấm tu sửa. Dù vậy, quan viên đối với vấn đề sửa sang lại nơi làm việc của mình vẫn tương đối dè dặt.

Sử cũ ghi lại, năm Hồng Vũ thứ 31, triều đình hạ lệnh tu sửa 674 trường học, nhưng lại chỉ sửa lại 26 nha môn. Đến thời Tuyên Đức, các nha môn mới được tu sửa nhiều hơn, nhưng cũng chỉ đạt tới con số 55, trong khi đó có tới 159 trường học được tu sửa cùng thời.

Đến thời nhà Thanh, quan lại địa phương muốn xây dựng hay tu sửa nha môn buộc phải tự bỏ tiền túi. Nhưng dựa vào mức bổng lộc của họ mà nói, không mấy người có đủ tiềm lực mà đổ tiền vào những công trình kiến trúc này.

Vì sao việc tu sửa nha môn lại bị triều đình phong kiến coi nhẹ tới vậy? Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất là do tài chính nhà nước có hạn, vì vậy triều đình không dành ra các khoản phí để tu sửa nha môn.

Nguyên nhân thứ yếu là bởi việc xây dựng, sửa sang quá nhiều nha môn sẽ tiêu hao sức người, hao hụt tài chính do phải chiêu mộ và điều động nhân lực. 

Quan phủ địa phương tài chính eo hẹp, dễ lâm vào cảnh trả thiếu tiền công. Vì sửa sang lại nơi làm việc mà gây náo động dân chúng là điều quan viên nào cũng muốn tránh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại