Từ rạch thoát nước … trên giấy
Ngày 25/12/2008, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã ký Kết luận Thanh tra số 2908/TTCP-C.III, về xác minh vụ việc khiếu nại của ông Hoàng, với kết luận là khiếu nại của công dân có cơ sở.
Theo kết quả xác minh, ngày 30/5/2000, UBND quận 2 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q357505 cho ông Hoàng với diện tích 2.223m2 đất nông nghiệp, thuộc thửa đất 1905, tờ bàn đồ số 1, phường An Khánh.
Tại thời điểm UBND quận 2 tiến hành các thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho ông Hoàng thì không thể hiện có rạch thoát nước chắn giữa 2.223m2 đất nông nghiệp với mặt tiền đường Lương Định Của.
Ngày 20/9/2002, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3963/QĐ-UB, về điều chỉnh, di chuyển các hộ dân trong khu quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Gần 2 năm sau, UBND quận 2 có Quyết định 7694/QĐ-UB ngày 29/11/2004, về điều chỉnh, di chuyển và công bố danh sách các hộ dân phải di chuyển để giao mặt bằng xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phường An Khánh, nhưng danh sách không có tên ông Hoàng.
Dù ông Hoàng không có tên trong danh sách thu hồi nhưng ngày 15/4/2005, UBND quận 2, vẫn ban hành Quyết định số 1580/QĐ-UB, về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho ông Hoàng, với diện tích 2.223m2 đất nông nghiệp.
Nhưng điều bất hợp lý là mức bồi thường mà UBND quận 2 áp dụng cho ông Hoàng là đất nông nghiệp không liền kề mặt tiền đường Lương Định Của, vì có rạch thoát nước chắn ngang.
Lý do có con rạch chắn ngang này đã được UBND TP. Hồ Chí Minh liên tục viện dẫn để từ chối giải quyết bồi thường cho ông Hoàng theo các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, ngày 8/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì thành lập Tổ Công tác liên ngành có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để xem xét toàn diện quá trình giải quyết khiếu nại của ông Hoàng.
Ngày 2/5/2015, tại buổi làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về vụ việc này, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đã hứa sẽ giải quyết đúng pháp luật nhưng sau đó lại báo cáo không thể giải quyết vì sợ "dắt dây" khiếu kiện.
Sau hơn 5 tháng kiểm tra, xác minh, đối chiếu, kể cả nhiều lần họp với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm thống nhất phương án giải quyết phù hợp, ngày 21/6/2013, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, đã ký báo cáo số 1363/BC-TTCP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra của Tổ Công tác liên ngành.
Trong báo cáo này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã khẳng định: Luật Thanh tra đã quy định kết luận của Thanh tra Chính phủ là kết luận cuối cùng.
Khiếu nại của ông Hoàng đã 3 lần Thanh tra Chính phủ có kết luận và được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Tuy nhiên UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn không giải quyết và nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại.
Kết luận lần này của Tổ Công tác liên ngành cho thấy không có bất kỳ sai sót nào trong quá trình giải quyết của Thanh tra Chính phủ liên quan đến khiếu nại của ông Hoàng, tình tiết mà UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là không xác đáng.
Tiếp tục đẩy trách nhiệm lên cấp trên
Ngay sau báo cáo này, tình tiết có con rạch thoát nước đã không còn được lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh viện dẫn để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thêm hàng loạt văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết khiếu nại của ông Hoàng về chính sách bồi thường, giải tỏa.
Đó là ông Hoàng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo giá đất tiếp giáp mặt tiền đường Lương Định Của và được UBND quận 2 cấp quyền sử dụng đất.
Theo quy định, UBND TP. Hồ Chí Minh phải bồi thường, hỗ trợ cho ông Hoàng theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 vì đến ngày 26/6/2007 thì UBND quận 2 mới ban hành Quyết định số 4388/QĐ-UB, với nội dung bổ sung hộ ông Hoàng vào danh sách di chuyển để thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Việc bồi thường chậm là do trách nhiệm của UBND TP. Hồ Chí Minh nên cần áp dụng điểm a, khoản 2, điều 9 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP, để bảo đảm quyền lợi của công dân.
Nhưng các hướng dẫn và kiến nghị này đã không được thực hiện, thay vào đó một lý do mới lại được UBND TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng là nếu giải quyết cho ông Hoàng theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, cũng như theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ dẫn đến hiện tượng "dắt dây" khiếu nại vì Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giải tỏa được 99% diện tích, với hơn 14.300 hồ sơ bồi thường nhà đất.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng liên tục đề cập đến Thông báo số 391/TB-VPCP ngày 30/10/2013, về kết luận của Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị rằng nếu điều chỉnh chính sách giải quyết quyền lợi cho ông Hoàng sẽ làm thay đổi toàn bộ pháp lý đền bù đã được địa phương thực hiện tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thực tế ngay tại khu vực đất mà ông Hoàng khiếu nại có hàng chục hộ khác cũng đã được áp giá bồi thường nhà đất không có mặt tiền đường.
Nhưng đây là cách hiểu không đúng tinh thần Thông báo số 391/TB-VPCP, vì tại thông báo này ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đã kết luận rất rõ: “Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án trọng điểm về kinh tế - xã hội, diện tích đất thu hồi rất lớn, liên quan đến hàng ngàn hộ dân.
Các Bộ ngành có trách nhiệm phối hợp cùng UBND TP. Hồ Chí Minh xử lý những tồn tại, vướng mắc, trong đó có vụ việc khiếu nại của ông Vũ Huy Hoàng, với nguyên tắc giải quyết là bảo đảm ổn định không phát sinh khiếu kiện song cũng cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.”
Hay nói khác hơn, ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm hài hòa lợi ích. Nhưng lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh lại chỉ nghiêng về việc bảo vệ đến cùng chính sách bồi thường kiểu địa phương hóa, không đúng quy định pháp luật, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để từ chối trách nhiệm giải quyết khiếu nại, với các lý do không thuyết phục.
Hệ quả sau 14 lần Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết thì công dân vẫn tiếp khiếu, còn Thanh tra Chính phủ, cùng các Bộ ngành và UBND TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày cuối năm 2017 lại phải tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp bàn phương án giải quyết để có chỉ đạo lần thứ 15, dù quy định pháp luật đã xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền là của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.