LTS: Sau bài viết 'Điểm nóng' Tô Lịch, sử gia Lê Văn Lan: Đọc đi, xem còn ai dám lăm le giết chết dòng sông nữa hay không! (đọc chi tiết), chúng tôi tiếp tục hành trình tìm đến những giải pháp đã được đưa ra để hồi sinh sông Tô Lịch. Trùng hợp, đây cũng là quãng thời gian Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Vũ Quang Minh chia sẻ nhiều ý tưởng trên Facebook.
Trả lời phóng viên, Đại sứ Vũ Quang Minh đã trình bày tóm tắt lại một bản kế hoạch mà ông cho là "toàn diện và tận gốc" từng được cố TS Đặng Xuân Toàn - bạn ông - nêu ra trước đây, đồng thời, bổ sung thêm một số quan điểm của bản thân. Đại sứ Minh nói hãy xem các chia sẻ của ông là góc nhìn của một công dân Hà Nội đang làm việc ở Phnom Penh (Campuchia) nhằm góp phần làm sống lại dòng sông lịch sử.
Và quan trọng hơn, mọi con sông đều phải có dòng chảy, do đó theo ông các cơ quan quản lý ở Hà Nội hãy cố gắng tham khảo nghiêm túc mọi ý tưởng cứu sông Tô Lịch, từ rất nhiều nguồn, những người ở Hà Nội, ở trong nước, ở nước ngoài và cả người ngoại quốc về vấn đề này.
Dưới đây là nội dung ghi lại cuộc trao đổi sâu hơn của phóng viên với Đại sứ Vũ Quang Minh về vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi.
01.
Đại sứ Vũ Quang Minh nhắc đến một người bạn thân thiết của mình là tiến sĩ Đặng Xuân Toàn, cháu của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tác giả của một đề xuất mà theo ông là thông minh và có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Giải pháp của tiến sĩ Toàn gói gọn trong một câu: "Chảy đi sông ơi".
Tô Lịch hiện nay bản chất là một cái cống lộ thiên tù đọng, không hơn không kém. Nhưng vào những năm 70 của thế kỷ 20, dòng sông này vẫn có được nét trong xanh thơ mộng. Ngày đó, thanh niên Hà Nội được khuyến khích lao động tình nguyện để làm sạch hai bờ sông Tô. Nhằm tăng sự khích lệ, một khẩu phần ăn ngon tuyệt lúc đó là chiếc bánh mỳ nóng sẽ dành cho tất cả các bạn trẻ tham gia vệ sinh lòng sông, giúp con sông có thể chảy.
Đại sứ Minh nhớ lại, khi làm việc ở Trung tâm kỹ thuật môi trường, thuộc Viện Kỹ thuật Hóa chất, bộ Công nghiệp, Tiến sĩ Đặng Xuân Toàn đã kiến nghị đặt trạm bơm để bơm nước sông Hồng liên tục vào sông Tô Lịch, khơi nguồn cho dòng chảy của Tô Lịch về phía sông Nhuệ. Và với sức hút đẩy mạnh của các máy bơm công suất lớn, sông Tô sẽ cuộn sóng và chảy như những dòng kênh đào trong thủ đô Amsterdam xinh đẹp.
Rất tiếc, khi Tiến sĩ Đặng Xuân Toàn nêu kiến nghị này nhiều nhiều năm trước, chưa thấy ai quan tâm đến đề xuất này.
Những ngày vừa qua, đọc tin nước sông Tô Lịch "lại đen trở lại" sau vài ngày trong xanh hơn do nước Hồ Tây xả vào, và cũng sau những hy vọng lớn về thành công của giải pháp công nghệ bio của Nhật giúp làm sạch dòng sông bằng biện pháp sinh học vừa bị nước cuốn trôi, Đại sứ Minh muốn nêu lại ý tưởng của Tiến sĩ Đặng Xuân Toàn cùng với quan điểm của bản thân mình.
Sông Tô Lịch xanh trở lại ngay sau khi được xả nước từ Hồ Tây ngày 9/7 (ảnh trái, Hanoimoi) và sông Tô Lịch sau đó 5 ngày trở lại màu đen và hôi thối (ảnh phải, Người lao động).
Theo Đại sứ Minh, cách phù hợp nhất là Hà Nội nghiên cứu phục hồi lại sự kết nối trực tiếp của Tô Lịch với sông Hồng bằng phương án tính toán cắt sông Hồng ở khoảng cầu Nhật Tân bây giờ. Phương án này loại bỏ đối tượng thứ 3 là Hồ Tây ra khỏi vòng liên kết, nhằm tránh những tác động chưa thể đánh giá được về môi trường và hệ sinh thái của Hồ Tây khi bị xáo động lưu lượng nước theo như đề xuất của tiến sĩ Toàn.
Không phải đến tận bây giờ khi vấn đề xử lý nước sông Tô Lịch nóng lên, Đại sứ Minh mới nêu lên ý kiến. Năm trước, trong dịp làm việc với một số lãnh đạo các ban ngành của Thủ đô, ông cũng đã nhắc lại giải pháp bị lãng quên này. Lúc đó những người có trách nhiệm khẳng định: "Thành phố đang xem xét giải pháp đó".
Cá nhân ông đã nhủ thầm: Cơ may sống lại đang đến với một dòng sông. Và có khi những người tâm huyết như tiến sĩ Toàn, dù không còn nữa, vẫn đang phù hộ cho Tô Lịch.
02.
Bên cạnh việc giúp sông Tô Lịch có được dòng chảy, một biện pháp bắt buộc phải làm, đó là cấm triệt để việc xả nước thải sinh hoạt hoặc sản xuất trực tiếp khi chưa qua xử lý ra sông Tô Lịch. Quy định cấm này cần áp dụng trên phạm vi 100% tất cả các đối tượng xả nước thải trong thành phố, không được phép có ngoại lệ. Tất nhiên quy định cần có lộ trình triển khai, các giải pháp xử lý nước thải, cũng như cơ chế giám sát và chế tài nghiêm khắc.
Quy định này cũng cần nghiên cứu để áp dụng tương tự cho tất cả các bãi biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Sầm Sơn Đà Nẵng, Nha Trang,... cho tới đảo ngọc Phú Quốc. Ông nói: "Chính quyền các địa phương cần kiên quyết không cho phép các khu khách sạn, resort, nhà hàng,... chiếm sát mặt biển, chiếm mặt nước biển, biến bãi biển - tài sản công cộng, thành tài sản tư nhân, và ngang nhiên hay bí mật thải trực tiếp ra sông, ra biển".
03.
Cấu phần thứ ba là giải pháp nhằm thúc đẩy toàn diện mọi tiềm năng phát triển cho sông Tô Lịch. Trên Facebook của mình, Đại sứ Minh viết: "Sông Tô Lịch cần có một giải pháp căn cơ, toàn diện, tận gốc".
Theo ông, để làm được điều này, thành phố Hà Nội cần xây dựng được một cơ chế quản lý có thể tự cung cấp tài chính cho quá trình cải tạo sông Tô Lịch thành tiềm năng phát triển bền vững. Theo Đại sứ, đầu mối duy nhất có thể làm tốt việc này là Ban quản lý phát triển sông Tô Lịch được hoạt động độc lập, như một công ty phi lợi nhuận, có thể gọi là, chẳng hạn, Tô Lịch Authority - Công ty Tô Lịch xanh.
Công ty này là phi lợi nhuận, và có Tô Lịch Foundation. Trách nhiệm của nó là quản lý việc khai thác bền vững con sông này cả dòng sông (tuyến du lịch, hay tuyến waterbus, water taxi - giao thông trên sông...), và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven sông.
Ông nói thêm, mô hình thực thể phi lợi nhuận quản lý và phát triển các công trình văn hóa, lịch sử của cộng đồng là không hề mới trên thế giới. Tuy nhiên, do Việt Nam đã quá quen với việc các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm luôn phần việc này, nên chúng ta cần cân nhắc và tiếp thu bài học từ các quốc gia khác có kinh nghiệm.
Mô hình Apsara Authority của Campuchia. Nguồn: Apsaraauthority.gov.kh
Chẳng hạn như mô hình Apsara Authority của Campuchia đang quản lý Angkor. Mô hình này cho phép Cơ quan quốc gia APSARA phối hợp với các cộng đồng dân cư trong vùng lõi Angkor thỏa thuận với nhau trong việc phân chia nhiệm vụ và quyền lợi để quản lý, vận hành và phát triển. Các nguồn thu được từ dịch vụ của APSARA sẽ dành tất cả cho việc quay trở lại phát triển Angkor để tạo ra môi trường làm ăn, kinh doanh thuận lợi cho người dân quanh vùng.
Thêm một mô hình hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương đứng ra quản lý vận hành và phát triển các công trình di sản đó là tổ chức Đoàn, Hội tự nguyện… được Đại sứ Minh gợi ý như là Hiệp hội phụ nữ Mount Vernon. Đây là tổ chức tiên phong trong việc quản lý Khu tưởng niệm Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington trong suốt hơn 160 năm qua.
Ông cho biết, ngay từ khi ra đời, Hiệp hội này đã phải bắt tay vào gây quỹ hoạt động và công khai các phương án hành động cụ thể.
Trên cơ sở tinh thần tự nguyện, trách nhiệm và yêu nước, Hiệp hội phụ nữ Mount Vernon đã biến khu bất động sản Mount Vernon vốn thuộc sở hữu tư nhân của gia đình Washington đang trên bờ vực bị hoang phế trở thành một khu tưởng niệm ý nghĩa, một địa danh du lịch ấn tượng của cả nước Mỹ.
Với trường hợp của sông Tô Lịch, Đại sứ Minh phân tích: Các cơ sở kinh doanh hai bên bờ sông Tô Lịch như nhà hàng, khách sạn, quán café… đang phải chịu đựng "đặc sản" là mùi hôi thối và ô nhiễm của nước sông, sau khi thực hiện dự án này, sẽ được hưởng một mùi hương trong lành, cảnh quan thơ mộng.
Lợi thế vị trí địa lý và cảnh quan này là hết sức giá trị, góp phần kéo du khách trong nước và quốc tế tăng vọt... Lúc đó, các cơ sở kinh doanh tại khu vực này sẽ buộc phải nộp thuế cảnh quan ở mức được tính toán cho phù hợp. Con số có thể từ 10-15% lợi nhuận, Đại sứ Minh ước tính là có thể chấp nhận được. Những giao dịch bất động sản, các công trình dọc dòng sông được hưởng lợi... cũng sẽ chịu thêm một khoản phí về môi trường và cảnh quan cụ thể và riêng biệt cho Tô Lịch.
Những nguồn thu này sẽ được sử dụng để duy trì việc bơm nước, làm cho dòng sông chảy, cho việc phát triển các công nghệ làm sạch nước, cho việc quản lý dòng sông một cách bền vững.