Giải pháp để các nước vượt qua khủng hoảng rác thải nhựa

Phạm Hà Thanh |

Việc sử dụng nhựa có thể giảm 1/5 vào năm 2060 nếu 38 nước thành viên OECD thực hiện cải cách sâu rộng, đặc biệt là những quốc gia thu nhập bình quân đầu người cao.

Rác thải nhựa từ lâu đã là vấn đề nhức nhối của nhiều nước trên thế giới khi xuất hiện ở khắp nơi. Rác thải nhựa chất đống trên các bãi biển và trôi nổi những "hòn đảo nhựa" giữa đại dương. Rác thải nhựa cũng gây tắc nghẽn dạ dày các loài chim và động vật khác khi chúng vô tình vướng phải, nhựa thậm chí đã xâm nhập cả vào máu của con người.

Cho đến nay, chỉ 9% lượng nhựa trên toàn thế giới được tái chế. Khoảng 12% lượng nhựa trên thế giới được xử lý bằng cách đốt cháy, trong khi phần còn lại bị đưa đến các bãi chôn lấp hoặc tồn tại trong tự nhiên.

Theo báo cáo Triển vọng nhựa toàn cầu được công bố mới đây bởi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong bối cảnh tình hình rác thải nhựa hiện tại trở nên nghiêm trọng, vẫn có “ánh sáng nơi cuối đường hầm” .

Dự báo ô nhiễm rác thải nhựa

Việc sử dụng nhựa có thể tăng gấp 3 lần đến năm 2060, đáng chú ý là vật liệu này không thể phân hủy sinh học. Ô nhiễm vi nhựa dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể ở nhiều quốc gia.

Các con sông như sông Hằng (Ấn Độ) hay sông Ciliwung (Indonesia) chứa đầy rác nhựa. Báo cáo Triển vọng nhựa toàn cầu của OECD cho biết nếu chúng ta không thực hiện thay đổi thói quen của mình, số lượng rác thải nhựa trong tự nhiên có thể tăng gấp đôi và gây hại nhiều hơn cho thực vật, động vật cũng như hệ sinh thái.

Lượng phát thải khí nhà kính từ vòng đời nhựa cũng sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2060, bởi 99% nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch.

Ông Peter Borkey, chuyên gia chính sách môi trường của OECD, chia sẻ với hãng tin DW: "Rõ ràng là “ kinh doanh như bình thường” theo cách chúng ta đang sản xuất, quản lý và sử dụng nhựa là không còn khả thi nữa".

Giải pháp để các nước vượt qua khủng hoảng rác thải nhựa - Ảnh 1.

Rác thải nhựa tại một bãi biển ở Bali, Indonesia. Ảnh: EPA.


Đề xuất giải pháp

Viễn cảnh về rác thải nhựa là có thể thay đổi được. Việc sử dụng nhựa có thể giảm 1/5 vào năm 2060 nếu 38 quốc gia thành viên OECD thực hiện các cải cách sâu rộng, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao như Đức, Mỹ và Nhật Bản. Những hành động như vậy có thể giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa.

Nếu có sự chung tay của cả các nước không thuộc OECD, lượng rác thải nhựa được cắt giảm có thể lên tới 1/ 3, thậm chí thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Để thực hiện hóa được những mục tiêu đó, thế giới cần tái chế khoảng 60% chất thải nhựa toàn cầu. Thị phần vật liệu tái chế sẽ phải tăng từ mức 6% hiện nay lên 41%, hệ thống quản lý chất thải cũng cần cải thiện đáng kể.

Các nước thành viên OECD đang là những quốc gia tiêu thụ nhựa lớn nhất trên toàn cầu. Nhưng đến năm 2060, các nước Châu Á, Trung Đông và Châu Phi dự báo sẽ chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ nhựa toàn cầu. Những quốc gia này đã ghi nhận ​​tỷ lệ nhựa thải ra ngoài tự nhiên ở mức cao.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức này. OECD cho rằng cần thúc đẩy các chính sách hạn chế sử dụng nhựa nói chung.

Tổ chức kêu gọi " đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý chất thải cơ bản", bao gồm 28 tỷ USD (25 tỷ Euro) mỗi năm hướng tới những nỗ lực ở các nước có thu nhập thấp và trung bình".

Chuyên gia chính sách của OECD Borkey cũng nhấn mạnh: “Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu nhựa trong môi trường là hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống quản lý chất thải”.

Một trong những biện pháp được đề xuất trong báo cáo của OECD là áp dụng mức thuế 1000 USD (931 Euro) cho mỗi tấn nhựa được sản xuất mới. Ý tưởng để thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm các vật liệu thay thế. Chuyên gia Borkey nói: “Điều đó sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu về nhựa. Chúng ta phải tạo ra các lựa chọn thay thế khả thi cho nhựa sử dụng một lần".

Hạn ngạch tái chế cố định (Fixed recycling quotas) có thể giúp giảm chất thải và sản xuất nhựa nguyên sinh. Việc ban hành luật cũng có khả năng thúc đẩy các nhà sản xuất bao bì, quần áo và xe cộ một cách bền vững hơn, đảm bảo hàng hóa điện tử dễ sửa chữa và kéo dài tuổi thọ của chúng hơn. Những ý tưởng trên hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, nhằm mục đích giảm lãng phí nhiều nhất có thể và tái sử dụng tài nguyên trong các sản phẩm mới.

Giải pháp để các nước vượt qua khủng hoảng rác thải nhựa - Ảnh 3.

Sóng mang theo rác thải nhựa đến bãi biển Koh Samui trong Vịnh Thái Lan. Ảnh: AFP.


Vào tháng 3/2022, 200 quốc gia trên thế giới đã lần đầu tiên nhất trí đặt ra các quy tắc và biện pháp đối với sản xuất, tiêu thụ và xử lý nhựa đến năm 2024. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho rằng đây là một động thái mang tính lịch sử. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa hoàn thiện các chi tiết của hiệp ước, mức độ ràng buộc của các quy tắc cũng chưa được xác định.

Vào năm 2021, Liên minh Châu Âu (EU) đã cấm một số mặt hàng nhựa sử dụng một lần bao gồm dụng cụ ăn uống (thì, đĩa, bát) dùng một lần, cốc, hộp xốp và ống hút.

Bất chấp những cảnh báo về tác động liên quan đến môi trường, nhựa vẫn là một vật liệu hữu ích, được sử dụng trong tuabin gió và ô tô điện. Theo chuyên gia Borkey, chúng ta không cần phải thay thế nhựa ở những nơi không có lựa chọn thay thế tốt hoặc ở nơi mà việc sử dụng nhựa là bền vững.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại