Trước thềm dịp lễ 8/3 năm nay, thị trường Việt Nam chứng kiến một phiên tăng sốc của giá vàng trong nước.
Lúc 9h sáng, bảng giá hiển thị tại 69,4 - 70,62 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì đến 10h30, giá đã tăng lên 70,82 triệu đồng/lượng chiều bán, chiều thu gom 69,4 triệu đồng/lượng.
Đến 11h, cập nhật mới nhất cho thấy giá đã là 69,9 triệu đồng/lượng chiều mua, 71,32 triệu đồng/lượng chiều bán tại Hà Nội. Giá vàng ở TPHCM tương đương Hà Nội ở chiều mua, nhưng chiều bán rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. So với chốt phiên 6/3, giá đã tăng 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua và 2,3 triệu đồng/lượng chiều bán.
Trên thị trường quốc tế, cập nhật 11h cho thấy giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.991 USD/ounce, chỉ tăng nhẹ so với giá lúc 7h30. Giá thế giới hiện tương đương 54,9 triệu đồng/lượng. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới đang thấp hơn 16,42 triệu đồng/lượng so với giá trong nước.
Đầu giờ chiều mùng 7/3, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng SJC tại 71,25 - 72,87 triệu đồng/lượng. So với thời điểm chốt phiên 6/3, mỗi lượng vàng đã tăng giá hơn 3,2 triệu đồng chiều thu mua và xấp xỉ 3,9 triệu đồng ở chiều bán ra. Đến khoảng 15h, giá vàng được niêm yết ở 70,4 - 72,22 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Vàng SJC luôn đắt hơn đáng kể so với các loại vàng miếng 9999 khác trên thị trường
Nhiều năm nay, người Việt cũng đã quen với thực trạng "giá vàng trong nước cao hơn thế giới", từ một vài triệu, nay có lúc gần chục triệu (12-14%). Khoản chênh lệch này được cho là ở chữ "SJC".
Theo lý giải từ tờ Sài Gòn đầu tư, chữ "SJC" đề cập ở đây không phải là Công ty SJC, cũng không phải là miếng vàng SJC mà là nhãn hiệu SJC do Nhà nước quản lý, được coi là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao bất thường.
Không cần phải so sánh với giá vàng thế giới, ngay trong nước, cùng chất lượng vàng 24k (vàng 9999) nhưng vàng SJC luôn có mức giá mua bán cao hơn so với các loại vàng miếng khác.
Ngay cả với thương hiệu lớn như PNJ, giá vàng miếng cũng có có sự khác biệt lớn với SJC. Trong sáng 7/3, giá vàng 9999 của SJC bán ra ở mức 71,3 triệu đồng/lượng, trong khi vàng 9999 của PNJ chỉ là gần 57 triệu đồng/lượng, chênh lệch khoảng 14 triệu đồng/lượng. Thông thường, giá vàng 9999 (24k) của PNJ cũng thường thấp hơn SJC khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng Rồng Thăng Long 1.531.000 đồng/lượng bán ra
Giá vàng SJC đang lớn hơn giá vàng PNJ 1.575.000 đồng/lượng bán ra
Điều này được lý giải từ quan hệ cung - cầu, khi cái tên SJC trở thành "quốc vàng" trong tâm trí người dân. Khi được hỏi, đa phần mọi người đều cho rằng, vàng SJC bảo đảm (về chất lượng vàng), dễ thanh khoản (có thể mua bán được từ hiệu vàng nhỏ đến cửa hàng lớn) và giữ giá hơn các loại vàng 9999 khác.
Cùng với thói quen tích trữ vàng trong các giai đoạn bất ổn, thương hiệu được "bảo hộ" như SJC nhanh chóng đi vào tâm trí của khách hàng như một bảo chứng về chất lượng, không lo mất giá khi mua đi bán lại.
Có thời điểm, thấy thương hiệu SJC có giá, nhiều ngân hàng, công ty vàng sắm máy, mua khuôn dập vàng miếng nhưng cuối cùng chỉ kinh doanh được vàng miếng SJC. Từ đó, thị trường hình thành khái niệm vàng "phi SJC" để phân biệt vàng miếng SJC với thương hiệu vàng của ngân hàng ACB, Sacombank, Agribank... hay doanh nghiệp vàng như PNJ.
Ở Việt Nam, vàng miếng SJC gần như đã trở thành "đơn vị tiêu chuẩn" vượt qua tất cả vàng miếng thương hiệu khác, cả vàng thỏi Thụy Sĩ.
Theo ghi nhận, nếu được ai đó trả tiền mua nhà, mua xe bằng vàng miếng "phi SJC" cũng thường thoái thác. Do tương quan cung - cầu, giá vàng miếng "phi SJC" thường có giá thấp hơn vàng SJC và không được ưa chuộng trong các giao dịch dân sự.
Người dân dần dần tạo thói quen chọn vàng SJC để cất giữ, thanh toán, mua bán. Đây chính là "cơ chế" hình thành giá của chữ "SJC", là nguồn cơn của căn bệnh "giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới" kéo dài cho đến nay.
Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC được thành lập từ năm 1988, là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.
Sau ngày 16/09/2010, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC chuyển đổi với tên gọi mới Công Ty TNHH Một Thành Viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC (Saigon Jewelry Company Limited). SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia trong vòng những năm tới, phát triển ngành kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế.
Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.
Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.
Sở hữu thương hiệu vàng miếng SJC hiện nay chính là Ngân hàng Nhà nước. Năm 2012, khi nhận lại thương hiệu SJC từ UBND TP.HCM - là chủ sở hữu Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước cam kết can thiệp thị trường vàng để chênh lệch giá vàng miếng SJC không tăng bất thường. Và nơi này đã ban hành quy chế bán vàng ra thị trường qua hình thức đấu thầu.
Tuy nhiên, muốn nhập vàng nguyên liệu bán phải cần dùng đến ngoại tệ, cụ thể là đô la Mỹ (USD). Nếu vét ngoại tệ đi nhập vàng sẽ không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất. Thiếu ngoại tệ, tỉ giá sẽ tăng, đẩy giá hàng hóa và lạm phát tăng. Vì thế khi ấy Ngân hàng Nhà nước chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới.
Giờ đây, biến động giá vàng không còn nằm trong "chương trình nghị sự" của Ngân hàng Nhà nước. Trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là đồng đô la Mỹ - USD, liên quan đến trăm triệu người tiêu dùng qua lạm phát, là sức khỏe và cũng là sức mạnh của nền kinh tế, là tiền đề để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Giá vàng trên thị trường hiện nay tăng giảm bao nhiêu, ngoài việc phụ thuộc vào giá vàng thế giới thì còn do các doanh nghiệp vàng và thị trường tự do quyết định. Vàng trong nước có cao hơn thế giới cả chục triệu đồng/lượng, thì cũng không ảnh hưởng đến giá thực phẩm, nguyên liệu,.. hay tác động tới chỉ số CPI.