Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc không phải là mới. Hai quốc gia, chung đường biên giới chưa được phân định rõ ràng dài nhất thế giới, đã có một cuộc chiến toàn diện vào năm 1962 và kể từ đó thỉnh thoảng lại có giao tranh nhỏ.
Tuy nhiên, từ năm 1975, chưa có viên đạn nào được bắn qua biên giới. Do đó, giả thuyết rằng các cuộc đụng độ Trung-Ấn chỉ là cục bộ và không có khả năng dẫn đến xung đột lớn hơn được nhiều người đồng ý.
Theo Foreign Policy, các sự kiện gần đây cho thấy sự leo thang là rất có thể. Cả hai bên đều có những đợt triển khai quân đáng kể và đang phát triển các cơ sở quân sự dọc theo biên giới tranh chấp.
Và trong hơn một thập kỷ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thử thách sự sẵn sàng quân sự và quyết tâm chính trị của Ấn Độ dọc theo một số khu vực chiến lược. Hòa bình không còn có thể được coi là đương nhiên.
Cuộc đụng độ gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng này. Vào ngày 5 tháng 5, binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ gần hồ Pangong Tso ở Ladakh. Người ta tin rằng cuộc giao tranh đã diễn ra vì PLA đã phản đối các cuộc tuần tra của quân đội Ấn Độ trong khu vực.
Hầu hết các cuộc đụng độ này dường như xuất phát từ những đánh giá khác nhau về vị trí của cái gọi là Đường kiểm soát thực tế, tức là đường biên giới trong thực tế.
Ngày 9 tháng 5, ở độ cao 5.000m, ở vùng Naku La gần Tây Tạng, lính từ cả hai phía đã ném đá vào nhau, chủ yếu là để khiến quân đội Ấn Độ rút khỏi những khu vực mà họ đang tuần tra.
Đôi bên không sử dụng vũ khí nhưng vài chục binh sĩ bị thương, trong đó có một sĩ quan cao cấp Ấn Độ phải nhập viện.
Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh dọc biên giới Trung-Ấn, các sự cố quân sự hóa đã trở lại. Theo chính phủ Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ 1.025 lần từ năm 2016 - 2018.
Trong bối cảnh biên giới Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa được phân định rõ ràng, những sự vi phạm như vậy có thể bắt nguồn từ cách Bắc Kinh và New Delhi có nhận thức khác nhau về phạm vi lãnh thổ của họ.
Vào năm 2017, khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu trong hai tháng tại Doklam, một khu vực được cả Bhutan và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, một cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng là khả năng rất cao.
Trong khi cuộc khủng hoảng đặc biệt đó giảm đi, có lẽ nên xem đối đầu không phải là tình cờ mà là một phần của giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước.
Giai đoạn cũ bắt đầu từ năm 1988, một năm sau cuộc giao tranh quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Sumdorong Chu ở Arunachal Pradesh, khi Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi sang thăm lãnh đạo Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh để hàn gắn quan hệ.
Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thiết lập mối quan hệ hướng tới tương lai, khi các vấn đề quan trọng như tranh chấp biên giới tạm thời được đặt sang một bên. Lý do cho chủ nghĩa thực dụng này bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế và chiến lược:
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cần một môi trường bên ngoài ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Trung Quốc đã đi qua một thập kỷ trong những cải cách kinh tế mạnh mẽ mà Đặng đã khởi xướng, trong khi Gandhi ở Ấn Độ cũng đã bắt đầu một con đường tương tự, mặc dù do dự.
Sự thỏa hiệp năm 1988 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, một phần nhờ sự im lặng của New Delhi, về các diễn tiến ở Tây Tạng, bị thúc đẩy bởi thực tế là hai nước gần như ngang nhau trên trường thế giới.
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ là 297 tỷ đô la so với Trung Quốc là 312 tỷ đô la năm đó, trong khi chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ, ở mức 10,6 tỷ đô la, cũng gần với mức 11,4 tỷ đô la của Trung Quốc.
Cán cân vật chất quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã thay đổi đáng kể từ đó. Với mức 13,6 nghìn tỷ đô la trong năm 2018, GDP của Trung Quốc hiện nay gấp hơn năm lần Ấn Độ với 2,7 nghìn tỷ đô la.
Tương tự, Trung Quốc đã chi 261,1 tỷ đô la cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2019, gần gấp bốn lần mức của Ấn Độ là 71,1 tỷ đô la.
Trong khi Ấn Độ đã vươn lên như một nền kinh tế và một cường quốc toàn cầu trong ba thập kỷ qua, sức mạnh tương đối của nó đối với Trung Quốc trên thực tế đã giảm đi rất nhiều.