Một màn hình TV tại ga Seoul, Hàn Quốc chiếu bản tin Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 6/10. Ảnh: CNN
Triều Tiên đã phóng tổng cộng 8 tên lửa trong 2 tuần qua. Kể từ đầu năm đến nay, số vụ phóng đã đạt đến mức cao nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền từ năm 2011.
Việc Triều Tiên tăng tốc thử nghiệm vũ khí cùng việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phản ứng bằng các vụ phóng tên lửa và tiến hành tập trận chung trong tuần này đã làm dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ đụng độ trong khu vực. Mỹ đã tái triển khai tàu sân bay tời vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên – một động thái mà giới chức Hàn Quốc cho là “rất bất thường”.
Các nhà lãnh đạo quốc tế hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình để nắm bắt những dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể leo thang hơn nữa, chẳng hạn như một vụ thử hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên. Nếu được thực hiện đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên trong gần 5 năm và động thái này sẽ khiến chính quyền Biden phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại mới.
Lý do Triều Tiên tăng cường thử tên lửa Các chuyên gia cho rằng có một vài lý do khiến Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất, đây có thể là thời điểm thích hợp sau một loạt sự kiện đáng chú ý thời gian qua, chẳng hạn như việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố chiến thắng dịch Covid-19 vào tháng 8/2022 và chính quyền Tổng thống Biden tập trung thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc.
Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin của Hàn Quốc nhận định: “Triều Tiên đã phải tạm dừng việc thử nghiệm vũ khí trong một thời gian ngắn do các vấn đề về chính trị vì vậy tôi tin rằng các tướng lĩnh và kỹ sư Triều Tiên sẽ mong muốn kiểm tra xem liệu vũ khí của họ có hoạt động tốt hay không”.
Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí và là giáo sư Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury lưu ý, việc Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm vũ khí trong mùa Hè có nhiều cơn bão và nối lại hoạt động này vào mùa Thu là điều hoàn toàn bình thường.
Theo nhà phân tích Andrei Lankov, ông Kim Jong Un có thể muốn gửi đi thông điệp qua việc phô diễn vũ khí trong bối cảnh các cuộc xung đột trên toàn cầu gia tăng. “Triều Tiên có lẽ muốn nhắc nhở thế giới về sự hiện diện của họ và rằng các kỹ sư của nước này đang làm việc suốt ngày đêm để phát triển cả vũ khí hạt nhân lẫn các hệ thống đi kèm”.
Cùng chung quan điểm này, ông Carl O.Schuster - cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá: “Triều Tiên phóng tên lửa để gây sự chú ý nhưng cũng để tạo sức ép buộc Mỹ và Nhật Bản phải đối thoại với nước này”. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng có thể nhận thấy sự cần thiết của việc hành động ngay bây giờ khi phương Tây đang bị phân tâm với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Ông Carl O.Schuster cho biết: “Các cuộc thử nghiệm tên lửa bắt đầu vào tháng 1. Đó là khoảng thời gian chúng tôi bắt đầu báo cáo về các hành động của Tổng thống Putin gần Ukraine. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể cho rằng, việc thử nghiệm sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì và Mỹ sẽ không đưa ra các phản ứng mạnh mẽ”.
Một tàu sân bay của Mỹ, cùng các tàu chiến của Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung vào ngày 30/9. Ảnh: Getty
Mỹ và đồng minh có thể khiến Triều Tiên dừng thử nghiệm vũ khí? Bất chấp các cuộc tập trận chung rầm rộ của Mỹ và đồng minh trong tuần qua, các chuyên gia cho biết, động thái này có rất ít tác dụng trong việc ngăn Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí mới.
“Mỹ đã điều tàu sân bay Ronald Reagan tới gần bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc phóng tên lửa. Nhưng những biện pháp đó rất khó phát huy hiệu quả”, chuyên gia Lankov lưu ý, ám chỉ việc một tên lửa của Hàn Quốc đã bị rơi ngay sau khi phóng vào ngày 5/10. “Sự xuất hiện của các tàu sân bay Mỹ quanh bán đảo Triều Tiên không tạo ra ảnh hưởng đáng kể để thay đổi tình hình”.
Màn phô diễn sức mạnh của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể ngăn Triều Tiên “khơi mào một cuộc chiến tranh” nhưng không ngăn được Bình Những phát triển vũ khí hoặc thử nghiệm tên lửa, ông Lankov nhấn mạnh. “Các cuộc tập trận sẽ khiến đồng minh của Mỹ an tâm hơn song không ảnh hưởng đến việc ra quyết định và hành động của Triều Tiên”.
Chính quyền Tổng thống Biden lo ngại Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới nhưng lại thiếu thông tin tình báo. Việc thiếu thông tin tình báo đã khiến Mỹ gặp thách thức khi lập kế hoạch ứng phó với các động thái của Triều Tiên.
Chris Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: “Vì phần lớn hành động và chính sách của Triều Tiên đều do nhà lãnh đạo nước này quyết định nên bạn thực sự phải tìm hiểu kỹ lưỡng ông ấy đang nghĩ gì trong đầu và đó là một nhiệm vụ khó khăn về mặt tình báo”. Chưa kể, trên trường quốc tế, các nỗ lực trừng phạt Triều Tiên đều bị đẩy lùi do sự phản đối của Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng 5 vừa qua, Moscow và Bắc Kinh đã phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn thảo nhằm gia tăng biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa của nước này. Đây là lần đầu tiên 2 quốc gia đoàn kết trong nỗ lực ngăn chặn cuộc bỏ phiếu về trừng phạt Triều Tiên kể từ năm 2006.
Triều Tiên đang cố gắng đạt được mục tiêu gì? Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã và đang đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí - vượt xa nỗ lực của hai người tiền nhiệm là cha và ông nội ông. Các chuyên gia cho rằng chương trình hạt nhân là trọng tâm trong chiến lược và hoài bão của ông Kim Jong Un.
Thời gian gần đây, Triều Tiên thông qua luật mới chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân, trong đó khẳng định không thảo luận về giải trừ hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu bằng hạt nhân. Ông Kim Jong Un cũng cam kết sẽ “không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Giáo sư Yang Moo Jin thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng, luật này cũng thể hiện hy vọng của Triều Tiên trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Theo đánh giá của chuyên gia Carl O.Schuster, các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên có 2 mục đích chính là thể hiện năng lực quân sự của Triều Tiên và củng cố vai trò, vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Lewis, chuyên gia tại Viện Middlebury, nói thêm, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cho đến khi “họ cảm thấy hài lòng, sau đó nước này sẽ quan tâm hơn đến việc đối thoại”.
Một câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu Triều Tiên có thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới hay không. Chuyên gia Lewis lưu ý, điều này có thể “xảy ra bất cứ lúc nào”. Nhưng các nhà phân tích Schuster và Lankov cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ đợi qua đại hội đảng của Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc và Nga công khai phản đối các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, ông Kim Jong Un “biết rằng Bình Nhưỡng có sự ủng hộ của 2 nước này”, chuyên gia Schuster lưu ý. Vì vậy, nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân khi đại hội đảng Trung Quốc diễn ra, họ sẽ khiến dư luận quốc tế bị hướng khỏi sự kiện chính trị quan trọng này, hơn nữa, điều đó sẽ gây khó xử cho Chủ tịch Tập Cận Bình, người dự kiến tiếp tục nhiệm kỳ ba tại đại hội. Sau tháng 10 khi Trung Quốc kết thúc đại hội, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn, chuyên gia Lankov nhận định./.