Giải mã sức mạnh thật sự của IS, khi đã mất thì chỉ còn đường diệt vong

Tất Đạt |

Từ quan điểm của nhóm khủng bố, IS có quyền "làm chủ" các vùng lãnh thổ chiếm đóng, bởi chúng là những kẻ được thần linh chọn để thành lập và kiểm soát nhà nước.

Thời kì đỉnh cao của IS

Khi nhóm khủng bố IS thất thủ trước quân Iraq tại thủ phủ Mosul, một trong những căn cứ chủ chốt của nhóm, tổ chức này đối diện với một vấn đề nan giải: Nó đang dần trở thành một nhà nước tự xưng mà không có lãnh thổ.

Thành phố Raqqa, một trong những địa bàn cuối cùng còn sót lại của IS, hiện tại cũng đang bị quân chính phủ Syria do Nga yểm trợ cùng liên quân do Mỹ đứng đầu dồn tới bước đường cùng, và có khả năng cũng sẽ thất thủ trong vài tháng tới.

IS đang gặp vấn đề rất nghiêm trọng, bởi phong trào Hồi giáo toàn thế giới của nhóm khủng bố này thể hiện chủ yếu qua diện tích lãnh thổ mà chúng chiếm đóng được tại Iraq và Syria.

Tại thời điểm đỉnh cao năm 2015, IS nắm quyền kiểm soát khoảng 1/3 diện tích Iraq và 1/2 diện tích Syria, thu hút khoảng 30.000 chiến binh từ ít nhất 86 quốc gia, 5.000 trong số đó tới từ các nước châu Âu.

Giải mã sức mạnh thật sự của IS, khi đã mất thì chỉ còn đường diệt vong - Ảnh 1.

Vùng lãnh thổ IS chiếm đóng tháng 12/2014. Ảnh: ISW

Chưa bao giờ có một nhóm chiến binh Hồi giáo nào chiếm được nhiều đất đai, hay tuyển được nhiều thành viên ngoại quốc đến vậy.

Giai đoạn giữa năm 2014, IS sở hữu sức mạnh hủy diệt, càn quét bằng vũ lực khắp các khu vực Syria, Iraq với tốc độ kinh hoàng đến nỗi khiến ngay cả al-Qaeda, tổ chức khủng bố "tiền bối", cũng phải e dè.

Thời điểm đó, thông tin hàng tuần đều cho thấy IS đang mạnh lên từng ngày, và có không ít hình ảnh những nữ sinh, bác sĩ, thậm chí người già và thiếu niên tuyên bố tham gia tổ chức IS, từ bỏ cuộc sống thường ngày tại các nước châu Âu.

Nhờ vào hàng loạt những vụ tấn công bằng súng hay đánh bom liều chết, IS liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không ít báo chí quốc tế còn tận dụng tin tức xoay quanh IS để thu hút độc giả.

Giải mã sức mạnh thật sự của IS, khi đã mất thì chỉ còn đường diệt vong - Ảnh 2.

Hình ảnh cắt từ đoạn clip xử tử của IS gây chấn động thế giới.

Năm 2015, tờ Daily Mail của Anh đưa tin về việc IS "sử dụng bom chứa bọ cạp sống để gây hoảng loạn."

Cùng khoảng thời gian, đài CNN của Mỹ cũng thuật lại tin nhóm khủng bố IS khuyến khích binh sĩ kiếm vợ bằng dịch vụ hẹn hò qua mạng, hay dụ dỗ phụ nữ vào băng đảng bằng mèo con và Nutella (một loại socola ngọt của Ý).

IS trên đà diệt vong

Hiện tại, IS đang sa lầy trong thất bại trước những đợt phản công, tiến công của quân đội các nước, đặc biệt Syria và Mỹ. Trước khi thất thủ tại Mosul, IS cũng đã mất hơn 60% lãnh thổ tại Iraq và 45% lãnh thổ ở Syria.

Theo nghiên cứu đầu năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về các Tổ chức cực đoan (ICSC), lượng tiền thu được hàng năm của IS đã giảm đi hơn một nửa: từ mức đỉnh 1.9 tỉ USD năm 2014 xuống chỉ còn 870 triệu USD vào năm 2016.

Lượng thành viên mới tham gia IS cũng giảm mạnh, từ hơn 2.000 người vượt biên Thổ Nhĩ Kỳ – Syria hàng tháng hồi cuối năm 2014 xuống còn dưới 50 người vào cuối năm 2016. Chính phủ Mỹ ước tính có ít nhất 75% quân IS đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của Mỹ.

Các báo cáo về cái chết của thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng việc thủ lĩnh vắng bóng trên các kênh thông tin liên tục trong hơn 8 tháng không hề có lợi cho tổ chức này, và cũng phần nào cho thấy một IS đang "xuống dốc không phanh".

Lãnh thổ là sức mạnh

Lãnh thổ là yếu tố sống còn của IS. Khi mất đi một trong những khu vực quan trọng như Mosul, IS mất đi phần lớn sức mạnh của nó.

Nguyên do rất dễ hiểu: IS xây dựng tên tuổi dựa trên tuyên bố đã xây dựng được một nhà nước Hồi giáo chân chính, dựa trên luật Sharia (luật hành vi và tôn giáo của người Hồi giáo), trên một lãnh thổ xác định.

Khi không còn quyền kiểm soát và điều hành dân cư trong phạm vi lãnh thổ ấy, IS không còn vị thế cả về mặt chính trị, tinh thần lẫn uy tín đối với các tín đồ nữa.

Giải mã sức mạnh thật sự của IS, khi đã mất thì chỉ còn đường diệt vong - Ảnh 3.

Không quân Nga dội bom phá hủy xe chở dầu IS. Ảnh: Business Insider

Từ quan điểm của nhóm khủng bố, IS có quyền làm chủ những vùng lãnh thổ này bởi chúng là những kẻ được thần linh chọn để thành lập và kiểm soát nhà nước nhân danh Thánh Allah. Đây không phải là một hành động bộc phát, mà để nhằm hoàn thành lời tiên tri trong kinh Qu’ran.

Thông điệp này liên tục được các lãnh đạo IS nhắc đến, đặc biệt bởi thủ lĩnh cấp cao Abu Muhammad ad-Adnani. Hồi tháng 6/2014, thông điệp về sự hồi sinh của nhà nước Hồi giáo được ad-Adnani truyền đi đã đạt được hiệu quả tuyển quân đáng kinh ngạc.

Đến tháng 5/2016, trong thông điệp cuối cùng trước khi bị tiêu diệt ít lâu sau, ad-Adnani vẫn khẳng định rằng những khó khăn của IS chỉ có tính tạm thời, và nhất định IS sẽ chiến thắng theo lời tiên tri. Kể cả nếu IS mất toàn bộ lãnh thổ, thì nhà nước Hồi giáo vẫn không thể nào bị tiêu diệt, bởi IS "vẫn tồn tại chừng nào kinh Qu’ran vẫn còn nằm trong tim người Hồi giáo."

Giải mã sức mạnh thật sự của IS, khi đã mất thì chỉ còn đường diệt vong - Ảnh 4.

Đội quân trẻ em của IS gồm những thiếu niên dưới 18 tuổi. Ảnh: Vocativ

Đối với những tín đồ thực sự trong hàng ngũ IS, những thông điệp trên có thể phần nào xoa dịu hoài nghi với tình hình thực tại của một IS đang sụp đổ, nhưng sẽ khó có thể thuyết phục được ai khác.

Nhận định về tuyên bố IS sẽ không bao giờ bị tiêu diệt, các chuyên gia cho rằng một khi không có lãnh thổ, không có thủ phủ và một lượng tiền nhất định đổ vào, thì IS dù có tồn tại, cũng chỉ là một bóng ma, không có khả năng đe dọa đến an ninh thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại