Giải mã sự lụn bại của đế chế xâm chiếm 2 châu lục nhưng 3 lần thua cay đắng tại VN

Trần Quỳnh |

Ngay cả khi sở hữu sức mạnh quân sự đáng kinh ngạc, đế chế Mông Cổ cũng vẫn bị sụp đổ chỉ vì đi vào vào một "lối mòn" lịch sử.

Vào thế kỷ thứ XIII, người Mông Cổ từng làm cả thế giới phải khiếp sợ trước sức mạnh quân sự của họ, dù có tới 3 lần từng thất bại trên lãnh thổ Đại Việt. Thế nhưng, đế quốc hùng mạnh và thiện chiến ấy lại gặp phải không ít trở ngại to lớn trong việc cai trị các vùng đất chiếm được, do sự tụt hậu về văn hóa và thiếu nhân văn về chính trị.

Khi còn thống trị Trung Hoa, vương triều nhà Nguyên do người Mông Cổ sáng lập mặc dù không ngừng tìm cách mở rộng lãnh thổ, nhưng nền tảng chính trị của họ lại thiếu những lý tưởng đúng đắn. Mục đích của việc mở rộng bờ cõi chỉ nhằm thỏa mãn lòng chinh phục và cướp đoạt của cải.

Đây cũng là lý do vì sao vào thời đại trị vì của nhà Nguyên, nạn tham ô đã trở thành phong trào, nhiều giá trị đạo đức bị coi nhẹ, dân chúng lầm than, tăng lữ mù quáng, mê tín... để rồi sau đó, triều đại tưởng như vô cùng vững chắc ấy bất ngờ bị sụp đổ trong nháy mắt.

Một trong số những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự lụn bại nhanh chóng của vương triều này bắt nguồn từ chính chế độ thuế khóa nặng nề do giai cấp thống trị đặt ra.

Từ chế độ thuế "mỗi nơi một khác"...

Giải mã sự lụn bại của đế chế xâm chiếm 2 châu lục nhưng 3 lần thua cay đắng tại VN - Ảnh 1.

Mặc dù nắm trong tay đội quân thiện chiến, nhưng nhà Nguyên lại bị coi là triều đại làm "gián đoạn văn minh" trong lịch sử Trung Hoa. (Hình minh họa).

Chế độ thuế khóa thời nhà Nguyên mặc dù thừa kế của các triều đại như trước, nhưng vẫn mang không ít điểm "dị biệt" làm cản trở sự phát triển kinh tế đất nước và cũng trở thành nguyên nhân trọng yếu dẫn đến sự sụp đổ của vương triều ấy.

Một trong những điểm khác biệt nổi bật nhất chính là tình trạng "Nam Bắc dị chế".

Theo đó, các loại thuế ở mỗi miền khác nhau sẽ có định mức thu hoàn toàn không giống nhau. Thậm chí ngay cả khi thu thuế tại cùng một địa phương, thì mức thuế cũng chẳng mấy khi có được sự đồng nhất.

Nguyên nhân của sự khác biệt này bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trong đó có thể kể tới một vài yếu tố chủ yếu bao gồm:

Thứ nhất, thời gian người Mông Cổ chinh phục mỗi vùng đất là bất đồng. Do vậy chế độ thuế ở các nơi cũng vì thế mà "mỗi chỗ một khác".

Thứ hai, diện tích lãnh thổ của vương triều nhà Nguyên tương đối rộng lớn. Thực trạng kinh tế của các nơi lại không đồng đều, do vậy khó hình thành chế độ thu thuế thống nhất.

Thứ ba, thu các mức thuế khác biệt là cách để người Mông Cổ biểu hiện thái độ với các tộc người khác nhau. Và tất nhiên họ thường dành cho các thành viên thuộc bộ tộc của mình nhiều ưu đãi về thuế khóa cũng như các đặc quyền đặc lợi khác. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là một công cụ phục vụ mục đích "chia để trị" của chính quyền phong kiến.

Đến cách thu thuế theo kiểu "nhận thầu"

Giải mã sự lụn bại của đế chế xâm chiếm 2 châu lục nhưng 3 lần thua cay đắng tại VN - Ảnh 2.

Lãnh thổ càng mở rộng thì chính trị và văn hóa của nhà Nguyên càng gặp phải nhiều rào cản. (Hình minh họa).

Không chỉ đặt ra những mức thuế không đồng nhất trên các vùng của cả nước, nhà Nguyên còn là một trong những triều đại tiên phong trong việc áp dụng chế độ "bao thuế". Đặc điểm của chế độ này tương đối giống với những hình thức nhận thầu ở thời hiện đại.

Theo đó, triều đình sẽ tính toán tổng số tiền thuế phải thu vào trong một năm rồi giao gói thuế này cho các đại phú thương "nhận thầu". Những doanh nhân giàu có ấy sẽ dùng quyền thu thuế của quan phủ và để đi thu tiền dân chúng rồi nộp lại cho triều đình đủ số tiền thuế theo định mức được giao.

Tuy nhiên, trên thực tế thì hình thức "bao thuế" này lại tạo điều kiện cho các phú thương cơ hội làm giàu không chính đáng, đồng thời giúp họ bắt tay cùng quan phủ để tham ô, lộng hành. 

Do vậy, kiểu thu thuế theo dạng "nhận thầu" ấy chẳng những làm giảm bớt tài chính thu vào của quốc khố mà còn tăng thêm gánh nặng cho muôn dân trăm họ. 

Thuế tăng theo cấp số nhân

Giải mã sự lụn bại của đế chế xâm chiếm 2 châu lục nhưng 3 lần thua cay đắng tại VN - Ảnh 3.

Sưu cao thuế nặng và sự phản đối của dân chúng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của vương triều "khét tiếng" này. (Hình minh họa).

Một đặc điểm nổi bật khác về chế độ thuế khóa dưới thời nhà Nguyên là sự tăng lên theo cấp số nhân của các loại thuế thương và thuế muối. 

Nhờ sự phát triển của ngành buôn bán và ngành muối, nên tiền thuế của những hình thức kinh doanh này đã trở thành nguồn thu tài chính chủ yếu của vương triều.

Tuy nhiên, không thể không thừa nhận rằng mức thuế dưới thời nhà Nguyên vô cùng nặng nề. Chính sưu cao thuế nặng đã trở thành nguyên nhân mấu chốt khiến cho tình trạng tham ô, tham nhũng càng trở nên lộng hành.

Do chính sách kỳ thị dân tộc, người Mông Cổ khi thống trị đất Trung Hoa đã tìm đủ mọi cách để không ngừng bóc lột tài chính của các tộc người khác.

Sử cũ ghi lại, tính đến tới thời Văn Tông, thuế vẫn không ngừng tăng với tốc độ chóng mắt. Vào lúc bấy giờ, người Hán phải đóng thuế muối đã cao gấp 20 lần, thuế thương cao hơn 10 lần, còn thuế trà thậm chí đã cao tới 240 lần.

Chính chế độ sưu cao thuế nặng, lại thêm nạn tham ô, bóc lột hoành hành đã đẩy nhân dân vào chỗ "túng quá làm liều". Năm 1344, Hoàng Hà gặp nạn hồng thủy, các thôn trang hàng trăm cây số ven sông đều bị nhấn chìm trong biển nước.

Mấy trăm ngàn nông dân mất ruộng vì quá túng quẫn nên đã nổi dậy vũ trang. Những cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn liên tiếp nổi lên như vũ bão quật khởi đã khiến vương triều "khét tiếng" một thời nay chỉ còn lại tàn tích trong lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại