Giải mã màn bỡn cợt nhau làm thế giới "điên đầu" của Mỹ-Triều bằng cấm vận và ngoại giao

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Triều Tiên có lẽ đang chủ ý tiếp đà "ngoại giao Thế vận hội", tiếp tục tận dụng các tác động tích cực nhằm xây dựng hình ảnh thiện chí trong đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ.

Sự đối nghịch trong quan hệ Triều-Hàn và Triều-Mỹ

Mối quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc hiện tại đều rất đặc biệt, nhưng đặc biệt theo hai phương diện rất khác nhau. Trong khi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, hoà dịu được thúc đẩy và biểu hiện thân thiện ngày càng rõ, thì giữa Triều Tiên và Mỹ căng thẳng vẫn duy trì và băng giá chưa thấy bớt.

Nếu nhìn vào lịch sử các mối quan hệ này, và để ý đến một thực tế là hai cặp quan hệ ấy liên quan mật thiết với nhau, thì sẽ thấy nghịch cảnh nói trên không phải ngẫu nhiên.

Nó là kết quả của việc thực hiện những điều chỉnh chính sách mới của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, cũng như của cuộc chơi mèo chuột vờn nhau mới giữa Mỹ và Triều Tiên.

Triều Tiên đã tận dụng dịp Thế vận hội mùa đông năm nay tổ chức ở Hàn Quốc để tạo ra không chỉ sự khác biệt mà còn cả sự đối nghịch trong quan hệ với Hàn Quốc và với Mỹ, để phân hoá Hàn Quốc với Mỹ, và để gây khó dễ cho Mỹ. Triều Tiên đã khiến cho cả thế giới chứng kiến sự đối nghịch đó và hoài nghi về những biện luận và hành động của Mỹ đối với Triều Tiên.

Giải mã màn bỡn cợt nhau làm thế giới điên đầu của Mỹ-Triều bằng cấm vận và ngoại giao - Ảnh 1.

Tại lễ bế mạc Thế vận hội, trong khi đại diện của Mỹ là con gái Tổng thống Trump đại diện "sức mạnh mềm", thì Triều Tiên lại cử Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên sang Hàn Quốc. Ảnh: firstpost.

Hàn Quốc đi vào hoà dịu với Triều Tiên với kỳ vọng thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ hoặc ít nhất kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân, cũng như khích lệ, thôi thúc và đóng vai trò trung gian để Triều Tiên và Mỹ cũng tiến tới tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau. Đây cũng là cách mà tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mong đợi sẽ giúp nước này không bị vạ lây bởi căng thẳng và đối địch Mỹ-Triều Tiên.

Nhu-cương tranh đấu

Trong dịp này, chuyện giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn tiến suôn sẻ và thuận lợi bao nhiêu, thì cuộc "dền dứ" giữa Triều Tiên và Mỹ lại rắc rối và mâu thuẫn bấy nhiêu trên mọi khía cạnh biểu lộ ra bên ngoài.

Thực chất, đấy là cuộc đấu trí về chính trị và ngoại giao giữa hai nước này nhằm hướng tới tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau, trong đó bên nào cũng bảo tồn được thể diện và bên này không bị nhìn nhận là yếu thế hơn so với bên kia.

Khách quan mà nói thì Triều Tiên đã chủ động đi những bước có tính đột phá trong khi động thái của Mỹ chỉ khác về mức độ chứ vẫn nguyên định hướng cũ:

Triều Tiên đi vào hoà dịu với Hàn Quốc, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục làm căng.

Triều Tiên chủ động đề nghị gặp kín với Mỹ trong dịp Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, nhưng rồi lại chủ động huỷ cuộc gặp đã được dàn xếp.

Triều Tiên cử phái bộ chính thức cấp cao đến Hàn Quốc và sử dụng "sức mạnh mềm" trong dịp khai mạc Thế vận hội, trong khi Mỹ cử phó tổng thống Mike Pence với quan điểm rất cứng rắn về Triều Tiên sang Hàn Quốc.

Giải mã màn bỡn cợt nhau làm thế giới điên đầu của Mỹ-Triều bằng cấm vận và ngoại giao - Ảnh 2.

Trong khi Triều Tiên sử dụng "sức mạnh mềm" tại lễ khai mạc Thế vận hội, thì Mỹ lại mất điểm khi cử Phó Tổng thống Mike Pence với quan điểm cứng rắn đến Hàn Quốc. Ảnh: NYT.

Nhưng ở lễ bế mạc Thế vận hội thì ngược lại. Triều Tiên mời ông Moon Jae-in sang Bình Nhưỡng tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, trong khi ngoài mặt công khai tỏ ra không quan tâm nhiều đến phản ứng của Mỹ.

Trong khi ông Trump tuyên cáo trừng phạt Triều Tiên quyết liệt chưa từng thấy, thậm chí còn dọa chuyển sang "giai đoạn 2", thì Triều Tiên lại ngỏ ý sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Một bên lấy nhu chế cương. Bên kia lại lấy cương chế nhu. Điểm đáng chú ý mới ở cuộc chơi mèo chuột vờn nhau này chính là ở đấy.

Xem ra, Triều Tiên chủ ý tiếp đà "ngoại giao Thế vận hội", tiếp tục khai thác và tận dụng tác động tích cực và được dư luận thế giới ủng hộ của viêc hai nước trên bán đảo Triều Tiên xích lại gần nhau, gây dựng hình ảnh rất kiên định thiện chí trong đối thoại với cả Hàn Quốc và Mỹ để giải quyết hoà bình toàn bộ vấn đề Triều Tiên.

Mục tiêu của Triều Tiên là khiến cho Hàn Quốc càng thêm khó cài số lùi, và Mỹ dần phải ngả mạnh theo hướng chấp nhận tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Triều Tiên mà không đi cùng bất cứ điều kiện tiên quyết nào, hoặc chỉ với những yêu cầu mà Triều Tiên hiện đã sẵn sàng hay có khả năng đáp ứng được.

Đấu trí để tránh đấu sức

Đương nhiên không có chuyện Mỹ bập ngay vào ngỏ ý tiếp xúc và đối thoại trực tiếp của Triều Tiên như Hàn Quốc đã hành xử. Nhưng tất cả những biểu hiện vừa qua ở cả hai phía Triều Tiên và Mỹ đều cho thấy họ đang tìm cách gặp nhau cả bí mật lẫn công khai, và cuộc gặp có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian tới.

Chẳng phải như vậy sao, khi Triều Tiên đã bị Mỹ gây khó dễ tối đa và đe doạ hết cỡ mà vẫn bỡn cợt ngoại giao với Mỹ. Nếu không phải như thế, thì làm gì có chuyện phía Mỹ gia tăng áp lực hết mức có thể, nhưng vẫn để ngỏ khả năng chấp nhận lời mời chào của Triều Tiên.

Giải mã màn bỡn cợt nhau làm thế giới điên đầu của Mỹ-Triều bằng cấm vận và ngoại giao - Ảnh 3.

Sự thật ở đây chỉ có thể là phía Mỹ vẫn bế tắc trong đối sách đối với Triều Tiên, trong khi Triều Tiên bắt đầu tìm cách xoay chuyển tình thế khó khăn trên nhiều khía cạnh của mình.

Những biện pháp trừng phạt Triều Tiên lúc mới được ông Trump tuyên cáo nghe thì ghê gớm, nhưng thực chất chỉ nhằm để chữa thẹn cho Mỹ sau khi Triều Tiên huỷ bỏ cuộc gặp kín đã được thu xếp ở Hàn Quốc.

Không có sự ủng hộ, hợp tác và tham gia của Trung Quốc và Nga, gói trừng phạt mới này của Mỹ sẽ không đạt được hiệu ứng như Mỹ mong đợi và tương xứng với cái danh của nó. Và có thể thấy là cả hai phía đều chủ ý tránh xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với nhau.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại