Mấy ngày gần đây, tỉ giá USD trên thị trường bất ngờ tăng cao . Đến hôm qua (8-5), giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục dậy sóng , vượt ngưỡng 23.450 VND/USD .
Đây được xem là đợt tăng mạnh nhất của tỉ giá kể từ đầu năm đến nay.
Một buổi, chín lần điều chỉnh giá USD
Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỉ giá trung tâm ở mức 23.046 VND/USD, tiếp tục tăng thêm 6 đồng so với trước đó một ngày và đây là phiên điều chỉnh tăng thứ ba liên tiếp.
Tương tự, bảng giá niêm yết USD tại các ngân hàng thương mại cũng liên tục nhảy múa. Đơn cử tại Sacombank, chỉ trong phiên sáng hôm qua đã thay đổi mức giá tới sáu lần, trong đó có thời điểm giá bán ra lên tới 23.450 VND/USD.
Tương tự, SCB cũng thay đổi biểu giá tới chín lần, trong đó mức giá cao nhất ở chiều bán ra nhảy lên mức 23.440 VND/USD.
Như vậy, tính đến sáng 8-5, giá USD ở chiều bán ra tại Ngân hàng SCB đã tăng tới 70 đồng/USD so với giá chốt phiên trước đó một ngày. Còn với Sacombank, tỉ giá USD tăng tới 80 đồng/USD.
Nhưng không chỉ hai ngân hàng trên mà một loạt ngân hàng cũng tăng mạnh giá USD trong hôm qua.
Theo đó, Vietcombank tiếp tục nâng giá bán ra thêm 25 đồng, lên mức 23.420 VND/USD. VietinBank niêm yết giá mua bán USD ở ngưỡng 23.295-23.412 đồng, tăng 10 đồng. Với các ngân hàng khác như ACB, Techcombank, Eximbank… cũng tăng giá bán USD 30-40 đồng.
Tại thị trường tự do, giá USD cũng liên tục leo thang. Hiện giá đôla trên thị trường này dao động ở mức 23.290-23.310 VND/USD (mua bán), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tuy vậy, hiện giá USD trên thị trường tự do vẫn thấp hơn so với giá bán USD tại các ngân hàng khoảng 30-40 đồng/USD.
Tuy giá USD biến động nhưng các ngân hàng khẳng định vẫn đáp ứng đủ ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Những ngày gần đây, tỉ giá USD biến động khá mạnh. Ảnh: TL
Nhiều lý do khiến USD tăng cao
“Giải mã” về hiện tượng tỉ giá tăng bất thường trong mấy ngày gần đây, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) Nguyễn Đức Hiếu cho rằng diễn biến tỉ giá gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Cụ thể, thị trường đang bị ảnh hưởng từ những động thái mới trên thị trường quốc tế mà điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu căng thẳng trở lại.
“Không chỉ tiền đồng VN chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mà đồng tiền của nhiều quốc gia khác cũng bị mất giá ít nhiều so với đồng USD” - ông Hiếu nói.
Một số ngân hàng khác thì cho hay nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu tăng lên đã đẩy giá USD tăng theo. Bên cạnh đó còn do chính sách thu hẹp đối tượng được vay USD theo Thông tư 42/2018 về cho vay bằng ngoại tệ của NHNN.
Mặt khác, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, do vậy bất kỳ diễn biến nào của nền kinh tế thế giới cũng tác động đến Việt Nam, bao gồm cả vấn đề tỉ giá.
Trong thời gian gần đây, nhiều đồng tiền khác biến động. Khi thị trường bất ổn, nhiều người có xu hướng tìm đến các kênh trú ẩn và đồng đôla Mỹ vẫn là kênh trú ẩn mà nhiều người cảm thấy an tâm.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính phân tích, việc tăng giá USD trong những ngày qua chủ yếu do nhu cầu “khát” ngoại tệ của một số ngân hàng nhằm mục đích thanh toán cho nguồn hàng đi vay trong ngắn hạn.
Bởi không phải lúc nào khả năng thanh khoản về ngoại tệ của các ngân hàng cũng đều đặn, dư thừa mà có khi lên khi xuống. Khi cân đối không đúng, có những thời điểm ngân hàng cần gấp ngoại tệ, buộc phải đẩy giá mua bán USD lên cao để có đủ nguồn USD thanh toán cho đối tác.
“Điều này thể hiện rõ trong mấy ngày qua, dù giá USD tăng liên tiếp nhưng hầu như chỉ diễn ra tại các ngân hàng thương mại. Còn trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh dù có tăng nhưng vẫn luôn thấp hơn so với ngân hàng” - vị chuyên gia này dẫn chứng.
Sẽ can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết
Tại diễn đàn về toàn cảnh ngân hàng 2019 tổ chức ngày 8-5, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá thách thức đối với NHNN trong năm nay là rất lớn và không thể né tránh.
Áp lực tỉ giá đang có vẻ tăng lên từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết, lạm phát và biến động địa chính trị trên thế giới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần nhìn những điểm tích cực như dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng ấn tượng.
“Tôi tin rằng tỉ giá năm nay chỉ biến động khoảng 2%. Năm ngoái mọi người dự báo tỉ giá biến động tăng 3%-5% nhưng tôi nói chỉ 2% và tôi đã đúng” - ông Thành dẫn chứng.
Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá trong năm 2018, hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỉ giá. Ngược lại, tỉ giá trong nước diễn biến khá ổn định, chỉ tăng khoảng 2,2%-2,3%.
Thị trường ngoại tệ ổn định giúp niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối...
Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định trong năm 2019 đơn vị này sẽ điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường; kết hợp đồng bộ các công cụ, biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Điều chỉnh khi có biến động bất ngờ
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tỉ giá tiếp tục tăng tương đối mạnh trong thời gian gần đây một phần do đồng USD mạnh hơn so với hầu hết các đồng ngoại tệ khác trên thế giới. USD Index có thời điểm tăng 0,85% lên 98,2 điểm, trước khi điều chỉnh về lại ngưỡng 97 điểm.
Bên cạnh đó, tính tới ngày 18-4, NHNN đã mua ròng 8,35 tỉ USD để đảm bảo dự trữ ngoại hối. “Việc hút về lượng ngoại tệ lớn cũng phần nào gây áp lực với tỉ giá USD/VND” - theo BVSC đánh giá.
Tuy nhiên, BVSC cũng dự báo tỉ giá trong năm 2019 sẽ vẫn được giữ ổn định với mức mất giá dưới 2% khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao. Đặc biệt, cơ quan điều hành có khả năng điều chỉnh được tỉ giá khi có những biến động bất ngờ.