Nếu như đỉnh Everest cao nhất Trái Đất được giới leo núi xem là "nấm mồ lộ thiên lớn nhất thế giới" thì Nam Cực chính là nấm mồ lạnh giá, khắc nghiệt nhất trên hành tinh.
Điểm chung của chúng là thế giới lạnh giá, khắc nghiệt đến kiệt cùng; chúng khiến mọi giới hạn chịu đựng của con người bị phá vỡ. Nguy hiểm là thế, có thể khiến bất cứ nhà thám hiểm nào bỏ mạng là thế nhưng Everest hay Nam Cực đều là những đỉnh quang vinh mà không hiếm người dấn thân để chinh phục.
Cái giá phải trả là mạng sống!
Dịch theo tựa bài viết của Martha Henriques - nhà báo BBC (Anh).
NAM CỰC - vùng đất xa nhất ở phía nam của Trái Đất là lục địa lạnh nhất, khô nhất, nhiều gió nhất và cao nhất trong tất cả các lục địa trên hành tinh. Bằng nhiêu đó tính từ cũng đủ hiểu hoang mạc lớn nhất thế giới này có thể khiến nhiều người "một đi không trở lại".
Ngay cả khi công nghệ tiên tiến nhất hỗ trợ chúng ta, ngay cả khi chúng ta có đầy đủ kiến thức về sự nguy hiểm của nó, Nam Cực vẫn có thể kết thúc sinh mệnh của bất kỳ ai khi liều lĩnh dấn thân vào đó - Nơi nhiệt độ có thể giảm sâu xuống âm 90 độ C, gió "sát thủ" quất mạnh đến 322 km/giờ (90 mét/giây).
Thời tiết khắc nghiệt không phải là kẻ thù duy nhất đối với sức chịu đựng hạn hẹp của cơ thể người.
Rất nhiều nhà khoa học và nhà thám hiểm trên thế giới đã bỏ mạng tại đây. Điều đáng nói là thi thể của họ bị chôn vùi dưới những tầng băng lạnh, một số may mắn thì được phát hiện sau nhiều thập kỷ hoặc một thế kỷ sau, số còn lại vĩnh viễn nằm lại trong các tảng băng sâu hàng trăm mét.
Câu chuyện đằng sau những cái chết này chứa cả những bí ẩn chưa có lời giải cho đến những vụ tai nạn kỳ quái, khiến người nghe lạnh sống lưng.
Ẩn dưới những lớp băng tuyết ở vùng đất ảm đạm, gần như nguyên sơ ở rìa thế giới này, có những thi thể bị đóng băng, vĩnh viễn không được mang về chôn cất tại quê nhà - và mỗi một thi thể lại "kể" một câu chuyện về mối quan hệ của loài người với lục địa khắc nghiệt này.
Hãy cùng Martha Henriques - nhà báo của BBC Future khám phá bí mật này.
Tại đảo Livingston, thuộc quần đảo Nam Shetlands ngoài khơi Bán đảo Nam Cực, người ta tìm thấy một hộp sọ và xương đùi của người bị chôn vùi dưới băng suốt 175 năm. Chúng là hài cốt người lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Nam Cực.
Phần xương còn xót lại này được phát hiện trên bãi biển vào những năm 1980. Các nhà nghiên cứu Chile thấy rằng chúng thuộc về một người phụ nữ đã chết khi cô khoảng 21 tuổi. Cô là một người bản xứ từ miền nam Chile, cách vị trí phát hiện xương 1.000 km. Phân tích xương cho thấy cô gái trẻ chết trong khoảng thời gian từ năm 1819 đến năm 1825. Điều này cho thấy, đây là một trong số những người đầu tiên đến Nam Cực.
Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để người này đến Nam Cực? Bởi những chiếc ca nô truyền thống của người bản địa Chile không thể giúp cô thực hiện chuyến hành trình dài, đi qua vùng biển vô cùng khắc nghiệt để chạm đến Nam Cực được.
Ảnh minh họa: Internet
Giải thích ban đầu của các nhà nghiên cứu Chile là cô là một hướng dẫn viên bản địa cho thợ săn hải cẩu từ bán cầu bắc đến các đảo ở Nam Cực từng được "Cha đẻ của ngành địa lý nước Anh" William Smith (1769 – 1839) phát hiện vào năm 1819. Chuyên gia khảo cổ Melisa Salerno, thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Argentina (CONICET) cho biết, thợ săn hải cẩu đã có mối quan hệ chặt chẽ với người dân bản địa ở miền nam Chile. Họ thường xuyên trao đổi da hải cẩu cho nhau.
Vì không có nhật ký hải trình còn sót lại trên những con tàu đầu tiên đến Nam Cực khiến cho việc giải thích câu chuyện về người phụ nữ trẻ ở Nam Cực trở nên khó khăn. Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là trường hợp "độc nhất vô nhị" trong những người chạm chân đến Nam Cực những năm đầu thế kỷ 19. Bằng một cách kỳ lạ nào đó, cô đã ở đó. Phần xương còn sót lại của cô đánh dấu sự khởi đầu hoạt động của con người ở Nam Cực và mất mạng là điều khó tránh khỏi khi cố gắng sinh tồn ở lục địa khắc nghiệt này.
Đội thám hiểm 5 người Anh do sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh Robert Falcon Scott (1868 – 1912) dẫn đầu đã đến Nam Cực lần thứ hai vào ngày 17/1/1912, chỉ ba tuần sau khi đội thám hiểm người Na Uy do Roald Amundsen dẫn đầu rời đi.
Tinh thần của đoàn thám hiểm Anh như bị nghiền nát trước thành công không thể chối cãi của Roald Amundsen. Hơn hết, họ không hề hay biết đó là chuyến đi đoản mệnh, kết thúc tất cả mọi nỗ lực khám phá giới hạn chịu đựng của sức người tại lục địa bí ẩn nhất hành tinh này. Trên hành trình trở về, họ chết vì đói và rét cùng cực.
"Đi hoặc chết - đó là quyết tâm không gì có thể lay chuyển của đoàn thám hiểm 5 người do Robert Falcon Scott dẫn đầu" - Leonard Darwin (con trai của Charles Darwin), Chủ tịch của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh, phát biểu sau tấn thảm kịch năm 1912.
"Trưởng đoàn Scott đã chứng minh một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, sức trẻ của nước Anh không không bao giờ chết, lòng tự hào dân tộc và khát vọng chinh phục thử thách tự nhiên chắc chắn sẽ tăng lên bội phần sau những cuộc phiêu lưu như thế này. Dù trước khi lên đường, nhiều người hoài nghi về sự thành công của chuyến đi, nhưng nào ai có đủ can đảm để dấn thân như Scott. Dù hành trình trở về không được nguyên vẹn nhưng việc họ dám đi, dám làm đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thám hiểm Anh về sau..." - Leonard Darwin nói.
Robert Falcon Scott viết những trang nhật ký cuối đời. Credit: Herbert Ponting/Wikipedia
Thi thể của Oates và Evans không bao giờ được tìm thấy, nhưng thi thể của trưởng đoàn Scott, Edward Wilson và Henry Bowers đã được một nhóm tìm kiếm phát hiện vài tháng sau thảm kịch. Ngày 29/3/1912 là ngày cuối cùng của đoàn thám hiểm 5 người - nhật kỳ hành trình của Scott đã ghi lại như thế.
Trong những trang viết cuối cùng, cả nhóm đã hiểu tình trạng của mình như thế nào. Thức ăn dần cạn kiệt. Bão tuyết dữ dội giam giữ họ trong túp lều rách nát. Sức khỏe ngày càng yếu đi...
Nhưng cả đoàn bằng lòng với những giờ phút cuối đời này bởi hành trang cho chuyến đi này bao gồm cả những nguy hiểm, rủi ro xảy đến tính mạng của 5 con người. Dù không muốn chết nhưng họ sẵn sàng đón nhận cái chết!
Một lần nữa, bão tuyết không mong muốn đã cướp đi sinh mạng của 3 nhà thám hiểm người Anh. Trận này chưa qua, trận khác đã tới, vĩnh viễn chôn vùi họ dướp lớp băng lạnh của Nam Cực.
Khi đoàn cập đảo Petermann cũng là lúc cực quang phát sáng mạnh bất thường, đủ mạnh để làm nhiễu loạn thông tin liên lạc. Sau khi dựng trại để nghỉ ngơi qua đêm, một trận bão tuyết kéo đến khiến băng tuyết lấp đầy đường biển. May thay, đội của đủ thức ăn cho 3 người trong một tháng.
Chuyện sẽ dễ dàng đối phó hơn nếu như Ambrose Morgan, Kevin Ockleton và John Coll không gặp phải trận bão tuyết thứ hai. Vì đường truyền với trạm chỉ huy bị gián đoạn liên tục cộng thêm việc bị mắc kẹt lâu ngày trong băng tuyết đã khiến tinh thần của cả đoàn suy sụp.
Ảnh minh họa: Internet
Tia hy vọng nhỏ lóe lên khi vào thứ Sáu ngày 13/8/1982, họ được căn cứ phát hiện qua kính viễn vọng. Thế nhưng, băng biển đã đông cứng lại, họ không thể lên tàu để trở về. Ngày 15/8, khi cố gắng lên tàu, đoàn bị bão tuyết cuốn đi, vĩnh viễn chôn vùi những hơi ấm nhỏ nhoi còn sót lại giữa chốn hoang lạnh mênh mông.
Tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm đoàn thám hiểm 3 người về sau đều không thành công. Đã gần 4 thập kỷ qua đi, thi thể của họ mãi mãi nằm tại những tầng băng tuyết ở Nam Cực.
Đối với những người phải chịu nỗi đau mất đi người thân, bạn bè, đồng nghiệp, họ còn có cơ hội nhìn mặt lần cuối, nói lời tạm biệt và chôn cất người đã khuất. Nhưng đối với những nhà thám hiểm Nam Cực, cơ hội họ trở về rất mong manh.
Thi thể nhiều nhà thám hiểm vĩnh viễn không được tìm thấy, một số được chôn tại chính vùng đất này. Credit: Getty Images
Họ nằm xuống mà không có ngày mong thi thể được mang về quê nhà chôn cất. Đoạn kết của họ quá đỗi khắc nghiệt. Hơn ai hết, họ biết thế nào hy vọng nhỏ nhất cho sự sống và hơi ấm - Họ cũng thấu hiểu hơn ai hết cái giá phải trả khi đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên.
Chẳng ai có thể đổ lỗi cho sự dấn thân liều lĩnh của họ trong thế giới tự nhiên, bởi, vượt lên tất cả, chỉ họ mới dám làm điều mà người thường thường chậc lưỡi bỏ qua. Với họ: Hoặc là chết như người thường - Hoặc phải ghi danh gì với núi sông. Và họ chọn cho mình con đường thứ hai và mãn nguyện với lựa chọn đó dù cho kết quả có như thế nào.
Đối với các nhà khoa học, cái chết của những nhà thám hiểm không hề vô ích. Ngày nay, người ta đã biết cách khắc phục nhược điểm để có thể sinh sống an toàn tại lục địa cô lập, khắc nghiệt này dù những sự cố khủng khiếp vẫn xảy ra nhưng nhiều bài học đã được rút ra từ trước đó.
Nước Anh không bao giờ quên những nỗ lực và sự hy sinh của những nhà thám hiểm Nam Cực. Bên ngoài Viện nghiên cứu Scott Polar ở Cambridge, Vương quốc Anh, có hai cây cột gỗ sồi cao chụm nhẹ đầu vào nhau giống như đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người Anh đã mất khi thám hiểm Nam Cực.
Hàng thế kỷ qua đi, người ta chưa từng quên sự dấn thân và hy sinh của những nhà thám hiểm Nam Cực quả cảm này...
Bài viết sử dụng nguồn: BBC
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.