Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam

Nguyễn Thái Quỳnh Trang |

Việt Nam đứng thứ 4 về nhập khẩu nội tạng động vật trên thế giới, trong khi người Mỹ không thích ăn nội tạng động vật nhưng lại có nguồn cung lớn.

Tại sao người phương Tây không thích ăn nội tạng?

Kể từ thuở xa xưa, người phương Tây đã sử dụng thịt như một thực phẩm chính trong bữa ăn, nhưng họ lại cho rằng việc ăn nội tạng động vật là rất kỳ quặc. Thực tế, nội tạng động vật là nhóm thực phẩm vô cùng khó bán tại Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Một vài nghiên cứu cho thấy, đối với người Mỹ, nội tạng động vật chỉ là phế phẩm và họ không biết cách để chế biến chúng. Vì thế, họ hầu như không ăn nội tạng, đúng hơn là rất nhiều người Mỹ thậm chí chưa bao giờ ăn nội tạng động vật.

Những định kiến đối với nhóm thực phẩm này còn xuất phát từ suy nghĩ: nội tạng động vật là thức ăn của người nghèo – các loại nội tạng động vật là để cho người dân các nước nghèo ăn.

Sự kỳ thị này bắt nguồn khi món Chitlins – làm từ ruột lợn – trở thành món chính trong chế độ ăn của người Mỹ gốc Phi thời kỳ thuộc địa, trong khi người Mỹ da trắng thì ăn thịt lợn.

Theo Forbes, thực phẩm mà người Mỹ ghét nhất chính là gan các loại động vật như bò, heo (ngoại trừ gan ngỗng). Mặc dù có một vài người rất thích ăn gan - như các thành viên của Câu lạc bộ Gan và Hành tây Pittsburgh - hầu hết người Mỹ coi gan là một trong những loại thực phẩm kinh dị nhất mà họ được ăn khi còn nhỏ.

Với kết cấu hơi bột, mùi khá nồng – đặc biệt là khi chín kỹ - người Mỹ không thích nó. Nhất là khi đó còn là một bộ phận đóng vài trò thải độc trong cơ thể động vật, và lại còn có hàm lượng cholesterol rất cao nữa.

 Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam  - Ảnh 1.

Trên thực tế, những người được cho là có chế độ ăn uống lành mạnh nhất thế giới cũng vẫn ăn nội tạng động vật, vì chúng chưa hàm lượng protein và vitamin cao.

Theo nghiên cứu của tiến sỹ Tiến sĩ Weston A. Price về lịch sử văn minh lương thực thực phẩm, trong các nền văn minh săn bắn cổ đại, các bộ phận như tim và não được ăn trước tiên, nó được cho là nguồn sức mạnh và trí thông minh của con vật, sẽ bổ sung sức mạnh và trí lực cho con người.

Ngay cả sau khi xuất hiện phương thức canh tác hiện đại hơn, nội tạng vẫn được coi là món ngon đặc biệt, vì nguồn nội tạng ít dồi dào hơn thịt, nó được coi là thuốc quý và đặc biệt dành cho những người giàu có.

Mãi cho đến khoảng cuối thế kỷ 18, khi nông nghiệp được hỗ trợ bởi công nghiệp, dẫn đến sự phát triển của chăn nuôi, số lượng lò mổ ngày càng tăng, lượng thịt tăng lên đáng kể và giá ngày càng rẻ. Nội tạng động vật đòi hỏi sự tinh tế để có thể xử lý nguyên vẹn trong quá trình mổ và rất khó để lưu trữ.

Chúng trở nên quá tốn kém về mặt thời gian và chi phí cho các công ty sản xuất nông nghiệp theo kiểu công nghiệp. Do đó, nội tạng bị loại bỏ hoặc nghiền để sử dụng trong thức ăn cho vật nuôi.

Việt Nam vào Top 4 nhập khẩu nội tạng động vật

Ở các quốc gia phương Tây giàu có, họ có đủ thịt để cung cấp cho toàn bộ người dân. Nếu người dân không muốn ăn nội tạng động vật thì cũng chẳng ai ép họ được. Vì vậy, Mỹ và các quốc gia châu Âu nói chung muốn xuất khẩu nội tạng động vật ra nước ngoài như một giải pháp để tăng nguồn lợi từ chăn nuôi.

Theo báo cáo của MLA (Meat and Livestock of Australia), trong tương lai, xuất khẩu nội tạng dự kiến ​​sẽ tăng tại Úc, vì hầu hết các sản phẩm nội tạng được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế bao gồm các quốc gia Indonesia, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo Reuters, Mỹ xuất khẩu nội tạng lợn sang các quốc gia châu Á vì người châu Á thích những nguyên liệu có mùi nồng. Nội tạng lợn và móng giò lợn rất khó để xuất khẩu sang các quốc gia phương Tây trong khi các quốc gia châu Á lại vô cùng ưa thích chúng.

Mỹ xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nội tạng động vật ra nước ngoài, vì cầu của thị trường nội địa đối với nội tạng là quá thấp. Mỹ đã xuất khẩu ở mức khá ổn định từ 250 đến 300 nghìn tấn nội tạng trong vòng 14 năm qua.

Theo AHDB (The Agriculture and Horticulture Development Board), xuất khẩu nội tạng đông lạnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng xuất khẩu ở Anh. Họ chủ yếu xuất khẩu nội tạng cừu sang Hongkong, Hà Lan và Ireland.

Theo báo cáo của FAOSTAT, trong 10 năm từ 2004 đến 2013, xuất nhập khẩu thực phẩm nội tạng trên thế giới có xu hướng tăng lên đáng kể.

Biểu đồ các nền kinh tế xuất khẩu nội tạng động vật (Theo OEC) Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam  - Ảnh 2.

Biểu đồ các nền kinh tế xuất khẩu nội tạng động vật (Theo OEC)

 Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam  - Ảnh 3.

Biểu đồ các nền kinh tế nhập khẩu nội tạng động vật (Theo OEC)

 Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam  - Ảnh 4.

Có thể thấy Mỹ, Đức, Úc là những quốc gia phương Tây đi đầu trong việc xuất khẩu nội tạng động vật, và nguồn nội tạng này được xuất chủ yếu sang châu Á.

Các nhà nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc (2,4 tỷ USD), chiếm 29% - gần 1/3 lượng nhập khẩu nội tạng toàn thế giới, Hồng Kông (1,39 tỷ USD), Nhật Bản (823 triệu USD), Việt Nam (396 triệu USD) và Mexico (363 triệu USD). Việt Nam đứng thứ 4 với 4,9% toàn thế giới, gần gấp đôi Hàn Quốc.

Vì sao Mỹ nhắm tới Việt Nam cho xuất khẩu nội tạng?

Ở các quốc gia châu Á, nội tạng động vật được xem như là thực phẩm thông thường. Không chỉ nội tạng mà còn cả các bộ phận khác như thủ lợn, tai lợn, móng giò, chân gà, lưỡi vịt… cũng được xem là món khoái khẩu.

Ngoài việc sử dụng trực tiếp bằng việc hấp, xào, chiên nướng, những nguyên liệu này còn được xử lý theo nhiều cách khác nhau để tạo ra các thực phẩm chế biến hấp dẫn như nem tai, dồi lợn, pate,...

Việc xuất khẩu những sản phẩm này từ phương Tây sang châu Á là có lợi cho cả hai bên, tận dụng được nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng ưa thích của người Á Đông trong khi tại các nước châu Âu và châu Mỹ, đó lại chỉ là loại thực phẩm dùng cho động vật.

Về mặt kinh tế, điều này sẽ làm gia tăng giá trị của vật nuôi, và nhu cầu đối với nội tạng động vật tăng lên cũng đồng nghĩa với việc sản lượng chăn nuôi nói chung cần tăng theo để đáp ứng cầu, qua đó thúc đẩy sản xuất.

 Giải mã chuyện 60.000 nông trại Mỹ muốn xuất khẩu nội tạng lợn sang Việt Nam  - Ảnh 5.

Hơn nữa, việc nhập khẩu nội tạng động vật với giá tương đối rẻ từ các quốc gia châu Âu và Mỹ sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng và an toàn hơn thay vì sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là nội tạng động vật không đạt chất lượng được tuồn sang Việt Nam từ Trung Quốc qua biên giới.

Mặt khác, tiềm năng thị trường xuất khẩu nội tạng sang Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc người tiêu dùng có sẵn sàng sử dụng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu thay vì đồ tươi sống ngoài chợ hay không.

Tuy nhiên, bằng chứng từ Hồng Kông và Singapore cho thấy sản phẩm đông lạnh sẽ thay thế sản phẩm tươi nếu giảm giá 25%. Chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn 75% so với hệ thống sản xuất của Mỹ, nên Việt Nam vẫn hoàn toàn là một thị trường tiềm năng cho Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu khác.

Chiến tranh thương mại Trung Mỹ đã khiến Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế rất cao vào các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, khiến Mỹ buộc phải đi tìm những thị trường mới tiềm năng hơn.

Mới đây nhất, Hiệp hội chăn nuôi heo Hoa Kỳ, đại diện bởi Phó chủ tịch Ủy ban tiếp thị của hội – ông Craig Morris – đã ghé thăm Việt Nam trong chuyến đi khảo sát thị trường châu Á.

Hiệp hội bày tỏ nguyện vọng muốn được hợp tác lâu dài với Việt Nam để có cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nội tạng động vật. Hiện nay, giá trị xuất khẩu nội tạng đỏ, bao gồm tim, gan và cật từ Mỹ sang Việt Nam ước tính khoảng 1 triệu USD, tuy nhiên Mỹ chưa được cấp phép để xuất khẩu nội tạng trắng như lòng heo và dạ dày heo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại