Cuộc tấn công với quy mô chưa từng có
Việc Hamas cùng lúc ồ ạt tiến hành các cuộc tập kích từ trên không và trên bộ vào Israel đã khiến chính phủ nước này vật lộn với câu hỏi vì sao lực lượng này có thể tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn như vậy khi mà người Palestine ở Dải Gaza luôn bị kiểm soát chặt chẽ.
Một con phố ở Dải Gaza tan hoang sau khi bị Israel tấn công trả đũa ngày 7/10. (Ảnh: Getty)
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục đến hàng trăm tay súng Hamas đã vượt qua hàng rào biên giới để tiến vào miền Nam Israel. Các thành viên Hamas sử dụng tên lửa, dù lượn, môtô, xe bán tải và thuyền, trong một cuộc tấn công phối hợp cho thấy mức độ tinh vi không ngờ. Ngoài ra, lực lượng này phóng hàng nghìn tên lửa nhằm vào các địa điểm dân sự và quân sự trên lãnh thổ Israel.
Mặc dù Israel không xa lạ với các vụ tấn công bằng rocket được tiến hành từ Dải Gaza, nhưng vụ tấn công quy mô lớn hôm 7/10 là điều mà hầu hết người dân nước này chưa từng trải qua. Quân đội Israel thừa nhận đã mất cảnh giác bất chấp việc nước này đã vươn lên trở thành một trong những cường quốc công nghệ suốt nhiều thập kỷ qua, có lực lượng vũ trang lớn mạnh và sở hữu mạng lưới tình báo dày đặc ở cả dải Gaza lẫn Bờ Tây.
“Toàn bộ các hệ thống phòng thủ của Israel đã không cung cấp được khả bảo vệ cần thiết”, ông Jonathan Conricus, cựu phát ngôn viên lực lượng phòng vệ Israel nhấn mạnh.
Lực lượng phòng vệ Israel đã nhiều lần né tránh câu hỏi liệu vụ tấn công ngày 7/10 có phải là một thất bại trong việc thu thập thông tin tình báo hay không. Người phát ngôn của quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht cho biết, Israel đang tập trung vào cuộc chiến hiện tại và nỗ lực bảo vệ dân thường. Còn cựu Thủ tướng Naftali Bennett cho rằng: “Trong lịch sử quân sự luôn có những bất ngờ lớn, chẳng hạn như trận chiến Trân Châu Cảng, chiến dịch Barbarossa, Yom Kippur. Đôi khi các lực lượng tình báo không thể vươn quá xa”.
Vậy, làm cách nào mà một nhóm vũ trang tại một trong những khu vực nghèo nhất thế giới lại có thể tiến hành cuộc tấn công nghiêm trọng như vậy? Giới phân tích đã đưa ra nhiều suy đoán khác nhau về vấn đề này.
Chiến thuật của Hamas
Trong những năm gần đây, cộng đồng tình báo Israel chủ yếu tập trung vào Iran và khu vực biên giới giữa nước này với Syria, Lebanon.
Về cơ bản, Israel tận dụng năng lực tình báo để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran, tiếp đến là ngăn chặn Tehran vận chuyển thiết bị quân sự tiên tiến cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon qua Syria. Israel đã cảnh giác cao độ khi Iran và Hezbollah cùng xây dựng một sân bay ở Nam Lebanon tiếp đến là việc Hezbollah xây dựng lều trại ở thành phố Ghajar.
Người Palestine đứng trên một chiếc xe tăng Israel bị phá hủy ngày 7/10. Ảnh: Getty Images
Trong bối cảnh đó, Hamas có thể đã lợi dụng việc tình báo Israel chuyển hướng sự chú ý, để chuẩn bị cho các hoạt động tấn công tiềm tàng. Đến thời điểm hiện tại, cả Israel và nhiều cơ quan tình báo phương Tây đều không biết chính xác những gì diễn ra bên trong lều trại của Hezbollah – một trong số các lực lượng ủng hộ phong trào Hamas. Điều này khiến nhiều người suy đoán đây có thể là “hoạt động cờ giả” nhằm đánh lạc hướng Israel.
Cách đây 3 tuần, vào ngày 12/9, Lực lượng tác chiến chung của Dải Gaza, bao gồm nhiều dân quân Palestine do Lữ đoàn Al-Qassam (cánh quân sự của phong trào Hamas) dẫn đầu, đã tiến hành một cuộc tập trận phóng tên lửa hàng loạt, tấn công bằng máy bay không người lái và kỹ thuật tác chiến trong đô thị. Tất cả những chiến thuật này đã được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 7/10, tuy nhiên, cộng đồng tình báo Israel đã không lường trước được.
Ngoài việc bị phân tán sự chú ý, Israel dường như đã bị bất ngờ. Ngoại trừ cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, trong hầu hết các cuộc xung đột, Israel thường gây bất ngờ cho đối phương bằng hàng loạt cuộc tấn không đường không để tạo ra “sự tê liệt về mặt chiến lược”. Nhưng trong cuộc xung đột này, Hamas đã sử dụng yếu tố bất ngờ để chống lại Israel.
Theo nhà phân tích Arman Mahmoudian của National Interest, Hamas đã sử dụng chiến thuật Blitzkrieg (còn gọi là chiến tranh chớp nhoáng), tập trung lực lượng tấn công một số địa điểm cụ thể, sau đó tiến quân nhanh chóng và tiếp đến là đánh vào phía sau tuyến phòng thủ của Israel. Bên cạnh đó, lực lượng này dường như cố ý tạo ra sự hỗn loạn và đánh lạc hướng quân đội Israel thông qua các cuộc tấn công bằng tàu biển và dù lượn.
Hamas đã sử dụng nhiều loại vũ khí mới và triển khai hỏa lực với mức độ chưa từng có. Bằng cách phóng một loạt tên lửa, đạn pháo và máy bay cảm tử về phía Israel, Hamas muốn gây quá tải cho năng lực ứng phó của hệ thống Vòm Sắt. Hamas đã sử dụng máy bay không người lái cảm tử để nhắm vào quân đội và các trạm quan sát của Israel. Chiến thuật này dường như được áp dụng dựa trên bài học kinh nghiệm ở chiến trường Ukraine.
Chiến dịch trả đũa của Israel
Kể từ khi Israel rút khỏi dải Gaza vào năm 2005, nước này đã chi hàng tỷ USD bảo vệ biên giới khỏi các cuộc tấn công. Để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa từ dải Gaza, Israel đã triển khai tổ hợp Vòm Sắt – một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa đáng gờm được phát triển với sự hỗ trợ từ Mỹ.
Ngoài ra, Israel cũng chi hàng trăm triệu USD để thiết lập hệ thống biên giới thông minh với nhiều cảm biến và tường ngầm. Reuters cho biết, hệ thống đã được hoàn thành vào cuối năm 2021.
Sau vụ tấn công của Hamas, giới chức Israel đang xem xét điều gì đã khiến các hệ thống này hoạt động không hiệu quả. Israel cho biết, Hamas đã bắn 2.200 quả rocket song không nêu rõ bao nhiêu quả trong số này đã bị đánh chặn.
Chỉ vài giờ sau khi các tay súng Palestine tiến hành vụ tấn công bất ngờ, Israel đã phát động chiến dịch “Gươm sắt” để trả đũa Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ “bắn trả với cường độ mà đối phương chưa từng biết đến”, trong khi quan chức hàng đầu phụ trách hoạt động của Israel tại lãnh thổ Palesntine – Tướng Ghassan Alian, nói rằng Hamas đã “mở cánh cửa địa ngục”.
Theo các nhà phân tích, chiến dịch trả đũa có thể kéo dài và những thách thức mà Israel phải đối mặt là rất lớn. Ngoài việc khôi phục khả năng răn đe quân sự, chính quyền Thủ tướng Netanyahu có thể sẽ phải giải quyết những vấn đề phức tạp khác, trong đó có số phận của hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ, rủi ro đối với lực lượng Israel nếu một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn diễn ra và những mối đe dọa leo thang trên các mặt trận khác, gồm Lebanon, Bờ Tây.
Cuộc tấn công của Hamas có thể gây ra vòng xoáy bạo lực đẫm máu nhất trong nhiều thế kỷ, kể từ cuộc xung đột giữa Israel và Palestine trong những năm 1980. Về ngắn hạn và trung hạn, cuộc tấn công có thể tác động nghiêm trọng với nền kinh tế và chính trị của Israel. Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động lâu dài, nhưng có một điều rõ ràng là, triển vọng khôi phục lòng tinh giữa người dân Israel và người dân Palestine đã bị giáng một đòn nặng nề.