Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ

Vy Lam |

Gần đây trên internet xuất hiện hình ảnh của một chiếc tàu ngầm màu vàng nhạt được kéo đi ngoài khơi đảo San Clemente, gần San Diego, California, khiến nhiều người vô cùng tò mò.

Tàu ngầm mục tiêu

Theo tìm hiểu của trang mạng The Drive, đây thực chất là một chiếc “tàu ngầm mục tiêu” thử nghiệm của Hải quân Mỹ. Nó được thiết kế với kích cỡ và hình dáng tương tự như tàu ngầm lớp Sang-O của Triều Tiên.

Trong bài đăng trên website cá nhân hôm 6/2, H.I.Sutton, chuyên gia về các phương tiện quân sự hoạt động dưới nước, ban đầu cho rằng đó có lẽ là một chiếc tàu ngầm Sang-O thật mà Mỹ thu giữ được để khai thác kỹ thuật, và sau đó tiến hành thử nghiệm phá hủy.

Tuy nhiên lúc sau ông đã sửa lại thông tin, và cho biết đây thực chất là một thiết bị thử nghiệm được biết đến với tên gọi Weapon Set-To-hit Threat Target (WSTTT).

Hải quân Mỹ bắt đầu công tác phát triển WSTTT tại San Diego trong năm tài khóa 2012 và đã hoàn thiện chiếc tàu ngầm giả để chuyển giao cho Lực lượng Đánh giá và Thử nghiệm Hoạt động (OPTEVFOR) trong giai đoạn 2003-2004.

Ông Sutton cho biết, toàn bộ chương trình tiêu tốn khoảng 11 triệu USD và đã cho ra đời một chiếc tàu ngầm diesel-điện bằng thép với kích cỡ như mẫu thật.

Động lực để Mỹ chế tạo chiếc tàu ngầm mục tiêu này là nhằm hỗ trợ chương trình phát triển ngư lôi hạng nhẹ Mk 54, cũng như cải tiến ngư lôi hạng nặng Mk 48.

Năm 2004, Hải quân Mỹ đã công bố một số bức ảnh cho thấy tàu kéo đang kéo chiếc tàu ngầm WSTTT vào vị trí để tiến hành thử nghiệm tại khu vực biển Thái Bình Dương, gần đảo San Clemente.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 1.

Tàu ngầm WSTTT trước cuộc thử nghiệm năm 2004.

Phương tiện này cho phép các ngư lôi chống ngầm không mang đầu đạn thực hành tấn công, mà không gây ra các vụ nổ” - Dòng chú thích bên dưới một trong những bức ảnh được công bố tháng 10/2004 trên tạp chí All Hands của Hải quân Mỹ cho hay.

Song, Hải quân Mỹ không cho biết cụ thể mức độ thiệt hại trên chiếc WSTTT sau khi bị trúng các ngư lôi này.

Cũng không rõ tại sao Hải quân Mỹ lại quyết định thiết kế chiếc WSTTT theo tàu ngầm Sang-O của Triều Tiên.

Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn tồi, bởi Sang-O là lớp tàu ngầm có số lượng đông đảo nhất trong biên chế Triều Tiên, và nó có khả năng triển khai các lực lượng đặc nhiệm, cũng như tiến hành các hoạt động bí mật.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 2.

Chiếc tàu ngầm lớp Sang-O bị Hàn Quốc thu giữ năm 1996.

Năm 1996, Hàn Quốc từng thu giữ được một chiếc tàu ngầm lớp Sang-O sau khi nó bị mắc cạn gần thị trấn ven bển Gangneung. Hiện con tàu được trưng bày tại Công viên Tongil, gần Gangneung.

Lực lượng tàu ngầm Triều Tiên đến nay vẫn tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với Hàn Quốc, cũng như đồng minh của họ là Mỹ. Tàu ngầm Triều Tiên được cho là đã đánh chìm tàu hộ tống Cheonan (lớp Pohang) của Hàn Quốc năm 2010, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.

Việc thiết kế WSTTT dựa trên mối đe dọa hiện hữu đã cho phép Hải quân Mỹ kiểm nghiệm hiệu quả của ngư lôi Mk 54 và phiên bản cải tiến của Mk 48 trong các chiến dịch tác chiến thực, cũng như mang lại cho họ cơ hội đánh giá mức độ hiệu quả của chúng khi được sử dụng để chống lại một mục tiêu có kích cỡ bằng tàu ngầm lớp Sang-O.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 3.

Tàu ngầm WSTTT tại San Diego năm 2005.

Tuy nhiên, đáng tiếc là quá trình thử nghiệm của Hải quân Mỹ với chiếc WSTTT lại kết thúc chóng vánh. Năm 2006, con tàu đã bị đánh chìm tại Trường bắn ngoài khơi Nam California, gần San Clemente do trục trặc phát sinh khi thử nghiệm ngư lôi Mk 54.

Năm sau đó, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch cứu hộ chiếc WSTTT nhưng rồi lại hủy bỏ do các hạn chế về ngân sách.

Tới tháng 1/2009, đội cứu hộ hải quân trên tàu USNS Navajo đã sử dụng thiết bị lặn sâu không người lái để kiểm tra xác con tàu và đánh giá mức độ hư hại, đề phòng trường hợp Hải quân Mỹ muốn trục vớt lên. Song, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hải quân Mỹ muốn làm điều đó.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 4.

HÌnh ảnh xác chiếc tàu ngầm WSTTT do thiết bị không người lái ghi lại được vào năm 2009.

Năm 2011, Hải quân Mỹ tiếp nhận một chiếc tàu ngầm mục tiêu hoàn toàn mới, gọi là Mobile Anti-Submarine Training Target (MASTT), từ công ty MSub của Anh (hiện là một bộ phận của tập đoàn Submergence có trụ sở tại Mỹ).

Với chiều dài gần 23m và nặng 65 tấn, tàu ngầm năng lượng điện MASTT hiện là phương tiện không người lái dưới nước có kích cỡ lớn nhất và vượt trội WSTTT ở hầu hết các đặc tính kỹ thuật. Đáng chú ý nhất là nó có thể tự hoạt động bằng nguồn năng lượng trên tàu.

Kíp điều khiển có thể di chuyển và thay đổi độ sâu lặn của nó từ xa, khiến MASTT trở nên linh hoạt hơn. Chiếc tàu ngầm mục tiêu này có tầm hoạt động tối đa dưới nước hơn 104km và có tốc độ hành trình khi lặn vào khoảng 5,6 km/h.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 5.

Tàu ngầm mục tiêu MASTT.

Sau khi tiếp nhận MASTT, Hải quân Mỹ đã đưa nó tới Bộ phận Nghiên cứu Thủy âm tại Bayview, Idaho trong vòng 11 tháng để thử nghiệm và đánh giá. Cơ sở bí mật này đóng vai trò quan trọng đối với chương trình phát triển các mẫu tàu nổi và tàu ngầm mới của Hải quân Mỹ.

Trong năm 2012, chiếc MASTT được đưa tới Trung tâm Tác chiến Dưới lòng biển ở San Diego để thử nghiệm thêm.

MASTT hoàn thành đợt đánh giá cuối cùng vào năm 2015. Nó đã lặn 7 tiếng dưới nước trong đợt đánh giá kéo dài 12 ngày, đây là khoảng thời gian lặn lâu nhất mà con tàu từng thực hiện. Ngoài ra, nó còn thực hiện chuyến hành trình dài nhất khi nổi trên mặt nước, với quãng đường khoảng 24km.

Trong quá trình đánh giá, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và một máy bay tuần thám P-3C Orion được triển khai để thực hành khả năng theo dõi chiếc MASTT, như thể nó là chiếc tàu ngầm mang mối đe dọa thực.

Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng đã thực hành bắn vũ khí vào chiếc tàu ngầm không có người lái này.

Giải mã chiếc tàu ngầm màu vàng bí ẩn của Hải quân Mỹ - Ảnh 6.

Chiếc MASTT trong quá trình thử nghiệm tại Bayview, Idaho.

Nỗi lo sợ gia tăng của Hải quân Mỹ

Kể từ sau chiếc MASTT, Hải quân Mỹ có vẻ vẫn chưa mua thêm chiếc tàu ngầm mục tiêu nào khác, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai gần bởi họ đang ngày càng lo ngại về các chương trình phát triển tàu ngầm của Nga, Trung Quốc.

Cả hai quốc gia trên đều đang phát triển các loại tàu ngầm diesel-điện khó bị phát hiện, trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) tiên tiến, cũng như các mẫu tàu ngầm hạt nhân hiện đại. Nhiều mẫu tàu trong số này được xuất khẩu, làm mở rộng phạm vi mối đe dọa tàu ngầm đối với Mỹ trong tương lai.

Tháng 11/2018, Phó Đô đốc Charles Richards - chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ cho biết ông đang có ý định thành lập một hạm đội tàu ngầm mô phỏng lực lượng đối địch để giúp huấn luyện các kíp thủy thủ tàu ngầm tấn công của Mỹ.

Do Hải quân Mỹ hiện không vận hành tàu ngầm diesel-điện nữa nên họ có thể sẽ mua các mẫu tàu có/không có người lái mới để hỗ trợ chương trình huấn luyện này.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ cũng có thể thuê từ các công ty như MSubs và Submergence Group để dùng cho các cuộc tập trận, tương tự như việc thuê máy bay của các nhà thầu để thực hành huấn luyện tác chiến trên không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại