Giải mã bí ẩn lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc

Vy Lam |

PLARF đang nuôi tham vọng trở thành lực lượng tên lửa hàng đầu thế giới, nhưng nếu không vượt qua được các thách thức hiện nay, giấc mộng ấy có thể bị phá vỡ.

Cuối năm 2015, Trung Quốc chính thức đổi tên Lực lượng Pháo binh số 2 thành Quân chủng Tên lửa (PLARF) – một phần trong nỗ lực nâng cao hiệu quả tác chiến, chỉ huy-kiểm soát và tiến hành các hoạt động chung của Quân đội Trung Quốc (PLA).

Việc thành lập PLARF là một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các loại tên lửa hạt nhân và thông thường đối với năng lực răn đe, cũng như chiến đấu của PLA. Nó cũng báo hiệu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào chương trình hiện đại hóa lực lượng tên lửa ở cả hai cấp độ chiến thuật và chiến lược trong những năm tới.

Kể từ khi được thành lập, PLARF đã có những bước tiến đáng chú ý trong việc nâng cấp năng lực tên lửa, tái tổ chức các hệ thống chỉ huy-kiểm soát, xây dựng chương trình huấn luyện tác chiến thực tiễn cho binh lính, phát triển-chọn lọc tài năng. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với các thách thức cơ bản ở tất cả những mặt này.

Những thách thức ấy là có thực, và có thể phá vỡ tham vọng của PLARF là trở thành một lực lượng tên lửa hàng đầu thế giới nếu họ không tìm ra cách giải quyết hiệu quả.

Động cơ thúc đẩy

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, có 3 động cơ thúc đẩy Trung Quốc thành lập PLARF, một động cơ quan trọng trong số đó là xóa bỏ thói quan liêu.

Trong nhiều thập kỷ, Quân đoàn pháo binh số 2 đã hoạt động với vai trò tương tự như 3 binh chủng truyền thống của PLA (gồm lục quân, hải quân và không quân) về cơ cấu tổ chức, thiết bị và quản lý các lực lượng dưới quyền.

Việc thành lập PLARF và đưa nó trở thành lực lượng độc lập có thể được xem là một động thái nhằm chính thức hóa các thỏa thuận và những trách nhiệm, ràng buộc không chính thức trước đây.

Một động cơ khác là nhằm công nhận tầm quan trọng ngày càng gia tăng của lực lượng tên lửa trong chiến lược quân sự và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Ở cấp độ vũ khí thông thường, năng lực tên lửa gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc sẽ mang lại cho PLA nhiều lựa chọn hơn để lên kế hoạch đối phó với các tình huống có thể xảy ra trong khu vực, như vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Hoa Đông và bán đào Triều Tiên.

Ở cấp độ chiến lược, lực lượng hạt nhân đang được hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc về căn bản đã giúp khả năng răn đe của họ trở nên đáng tin cậy hơn. Nhìn theo hướng này thì việc thành lập PLARF vừa giúp khẳng định bước tiến của Bắc Kinh trong năng lực tên lửa, vừa là dấu hiệu cho thấy tầm quan trong ngày càng lớn của nó trong tương lai.

Giải mã bí ẩn lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc chính thức thành lập lực lượng tên lửa cuối năm 2015.

Động cơ cuối cùng có lẽ là nhu cầu cần chính thức hóa các phạm vi trách nhiệm của Quân đoàn pháo binh số 2, phù hợp với kế hoạch tái thiết toàn diện cấu trúc chỉ huy của PLA được khởi xướng cuối năm 2015.

Việc này đặc biệt quan trọng khi xét tới vai trò ngày càng tăng của lực lượng tên lửa đối với vị thế toàn diện của PLA. PLARF là một thành phần quan trọng trong sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Tại buổi lễ thành lập PLARF ngày 31/12/2015, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mô tả đây là "thành phần xương sống trong lực lượng răn đe chiến lược, một lực lượng hỗ trợ chiến lược cho vị thế siêu cường của Trung Quốc, và là một nền tảng quan trọng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc".

Yêu cầu chiến lược đối với lực lượng mới là phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể "răn đe toàn diện và tiến hành các chiến dịch quân sự bằng vũ khí thông thường, cũng như hạt nhân".

Để đạt được mục tiêu này, ông Tập yêu cầu PLARF "tăng cường năng lực tấn công trả đũa và răn đe hạt nhân đáng tin cậy", "năng lực tấn công chính xác tầm trung và tầm xa", cũng như khả năng đóng góp vào công cuộc duy trì "sự cân bằng chiến lược" giữa Trung Quốc với các đối thủ chiến lược.

Trên nhiều phương diện, PLARF – với tư cách là lực lượng kế thừa Quân đoàn Pháo binh số 2 – cho thấy một sự tiếp nối nhưng cũng đồng thời thể hiện sự thay đổi.

Sự tiếp nối rõ ràng nhất nằm ở các nhiệm vụ nòng cốt (răn đe hạt nhân, tấn công trả đũa hạt nhân và tấn công chính xác), các yêu cầu đối với khả năng tác chiến (cả lực lượng tên lửa thông thường và hạt nhân), cũng như tham vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, việc trở thành lực lượng độc lập đã mở rộng vai trò của PLARF hơn so với trước đây. Những tiến bộ về công nghệ và tái thiết cơ cấu tổ chức đã biến những tham vọng khiêm tốn của Pháo binh số 2 trở thành các yêu cầu then chốt đối với PLARF.

PLARF được kỳ vọng sẽ sẵn sàng, và nếu cần thiết, sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự và răn đe (độc lập hoặc kết hợp với các lực lượng khác).

Hiện đại hóa hạt nhân

Việc thành lập PLARF đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tham vọng hiện đại hóa hạt nhân mà Trung Quốc đã đạt được bước tiến đáng kể từ đầu những năm 2000.

Trung Quốc đang tiếp tục phát triển lực lượng hạt nhân về cả chất và lượng. Tuy nhiên, bất chấp số lượng đầu đạn hạt nhân ước tính đã tăng gần gấp đôi, từ 145 năm 2006 lên 270 đầu đạn năm 2017, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn kém xa Mỹ (với 6.800 đầu đạn).

Trong khi quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng đều đặn thì quá trình hiện đại hóa phương tiện mang vũ khí hạt nhân lại diễn ra nhanh chóng, ngày càng đa dạng, cơ động và vững chắc.

Để tăng mức độ tin cậy trong khả năng răn đe hạt nhân trên bộ, PLARF đã triển khai các hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn để gia tăng khả năng cơ động và sống sót của lực lượng hạt nhân.

Đáng chú ý nhất thời gian gần đây là sự bổ sung các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-31AG và ICBM thế hệ mới DF-41.

Giải mã bí ẩn lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26.

Tên lửa nhiên liệu rắn DF-26 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ thông thường và hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên bộ/biển, trong đó có các tàu chiến cỡ lớn.

Các đợt triển khai này đã làm nổi bật khả năng tấn công chính xác thông thường, và khả năng răn đe ngày càng tăng của PLARF trong khu vực.

ICBM DF-31AG và DF-41 đều là những tên lửa có khả năng cơ động và sống sót cao, có thể mang nhiều đầu đạn, trong đó có đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV).

Ngoài các tên lửa hạt nhân trên bộ, PLA còn đang nghiên cứu phát triển khả năng răn đe hạt nhân trên biển và trên không để xây dựng bộ ba hạt nhân – bao gồm các hệ thống tên lửa hạt nhân trên bộ, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược.

Huấn luyện tác chiến thực tiễn

Huấn luyện tác chiến thực tiễn được xem là một yếu tố quan trọng trong việc đưa PLARF trở thành lực lượng tên lửa hàng đầu thế giới.

Trong những năm gần đây, PLARF đã đẩy mạnh huấn luyện chiến đấu thực tiễn. Một nguồn tin nhấn mạnh rằng, "huấn luyện chiến đấu thực tiễn", cũng như "các cuộc tập trận và kiểm tra hoạt động" đã trở nên phổ cập trong PLARF.

Những biểu hiện gần đây cho thấy lãnh đạo của PLARF, cũng giống như nhiều quân binh chủng khác của PLA, đang đẩy mạnh văn hóa huấn luyện với nhiều yếu tố thực tiễn, sát với môi trường chiến đấu hơn.

PLARF đã tổ chức các đội ngũ kiểm tra và giám sát huấn luyện chiến đấu để đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận đối kháng với lực lượng đối lập giả định để nâng cao kết quả huấn luyện.

Giải mã bí ẩn lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - Ảnh 4.

Tên lửa Trung Quốc đồng loạt khai hỏa trong một cuộc tập trận.

Các đợt tập trận và huấn luyện của PLARF tập trung vào các chiến dịch kết hợp và các chiến dịch được tổ chức ở nơi địa hình phức tạp, thời tiết không thuận lợi và môi trường từ tính.

Tầm quan trọng của việc huấn luyện thực tiễn trở nên đặc biệt rõ rệt trong bối cảnh PLARF đang hiện đại hóa nhanh chóng các loại thiết bị và khí tài.

Nói chung, kể từ khi được thành lập vào cuối năm 2015, PLARF đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong lĩnh vực nâng cấp năng lực tên lửa thông thường và hạt nhân, tái tổ chức các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, xây dựng-phát triển chương trình huấn luyện thực tiễn, tìm kiếm-chọn lọc nhân tài để tiến hành các chiến dịch một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, PLARF vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tất cả các khía cạnh này. Chúng cần phải được giải quyết ổn thỏa nếu PLARF vẫn tham vọng trở thành lực lượng tên lửa hàng đầu thế giới và hoàn thành nhiệm vụ răn đe, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại