Giá vàng tiếp tục đà lao dốc trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng
Trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu thì giá vàng vẫn tiếp tục giảm mạnh sau lần tăng "điên loạn" hồi cuối tháng 2. Hôm nay (ngày 12/3), giá vàng quốc tế ở mức 1.643 USD/ounce theo Kitco vào đầu giờ sáng, giảm 12 USD/ounce trong vòng 24 giờ qua.
Dù trước đó, phiên giao dịch 11/3, kim loại quý này đã tăng giá nhẹ trong bối cảnh nhiều quốc gia tuyên bố điều chỉnh chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng.
Theo Kitco, WHO đã tuyên bố coronavirus là đại dịch, không gây ngạc nhiên cho thị trường, mà chỉ như một lời nhắc nhở nghiêm túc về một dịch bệnh có nguy cơ làm suy yếu đáng kể nền kinh tế toàn cầu. Vàng vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu.
Trong bối cảnh chung, thị trường trong nước cũng chứng kiến sự "nhảy múa" của giá vàng. Sau khi tăng lên ngưỡng 48 triệu đồng/lượng hồi đầu sáng ngày 9/3, chỉ vài tiếng sau, vàng đã giảm giá quanh mức 47,5 triệu đồng/lượng. Đến hôm nay, kim loại quý này tiếp tục giảm dù rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong đó, giá vàng nhẫn SJC đóng vỉ bán ra ở 47,3 triệu đồng/lượng, cách biệt giá mua - bán đến 900.000 đồng/lượng.
Lúc 9h, Doji niêm yết giá vàng SJC đứng ở mức 46,6 - 47,0 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng/lượng so với cuối phiên trước.
Các cửa hàng của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng giảm 200.00 đồng/lượng so với hôm qua, hiện niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,3 - 47,3 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC là 46,88 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,12 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng trong nước hôm nay vẫn ở mức 46 - 47 triệu đồng, dù rằng dịch Covid-19 đã lan rộng toàn cầu.
"Đây có thể là mức giảm tạm thời"
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, đà giảm của giá vàng trong nước chịu tác động theo giá vàng thế giới. Ngày 9/3, giá vàng lập đỉnh là 1.700 USD/ounce, khiến giới đầu tư ồ ạt bán chốt lời, đẩy giá vàng thế giới giảm một lèo 40 USD/ounce xuống 1.675 USD/ounce. Mức giảm liên tục trong 3 ngày nay, tương ứng giá vàng trong nước cũng giảm theo.
Vị chuyên gia nhận định có thể mức giảm này là tạm thời, bởi những bất ổn toàn cầu và bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch thì tâm lý các nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đơn cử, chứng khoán Mỹ hôm nay sụt giảm 400 điểm, có thể gây tác động đến giá vàng quay đầu tăng giá. Hơn nữa, lịch sử giá vàng tháng 11/2008 đã từng lên tới 2.000 USD/ounce thì việc vọt giá thời gian tới là có thể.
Về mức chênh lệch mua vào – bán ra của vàng trong nước ở mức 900.000 đồng/lượng, ông cho rằng, điều này là có thể chấp nhận, dù rằng thông thường mức chênh chỉ khoảng 300.00 - 400.000 đồng.
"Trong thực tế, có giai đoạn bất ổn năm 2012, giá vàng chênh tới 2 triệu đồng, thành ra mức chênh 900.00 đồng là chấp nhận được để phòng rủi ro", ông Hiển phân tích.
Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, giá vàng trong nước vẫn đang quanh mức 46- 47 triệu đồng vì áp lực chốt lời sau khi lên đỉnh 49 triệu đồng cách đây không lâu.
Hiện tại, các tiệm vàng cũng đang để chênh lệch giá mua – bán khoảng 900.000 đồng để phòng rủi ro, điều này khiến nhà đầu tư có thể lỗ ngay vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng sau khi giao dịch. Vậy nên nhiều người khá thận trọng trong giao dịch, điều này khiến giá vàng không thể kéo lên cao trong vài ngày qua.
"Tuy nhiên, đà giảm giá không loại trừ khả năng chỉ là tạm thời. Dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu có thể sẽ kéo vàng đi lên", vị chuyên gia nhận định.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định dịch Covid-19 vẫn là yếu tố tác động lớn lên sự tăng trưởng kinh tế của các nước, ảnh hưởng đến nền sản xuất toàn cầu.
Sau khi các quốc gia tung gói hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất thì vàng được hưởng lợi tăng giá. Tuy nhiên, khi vàng tăng cao thì áp lực chốt lời cũng kéo theo việc giá vàng có thể giảm. Tuy nhiên về xu hướng, vàng vẫn đang trong kênh tăng giá và hướng đến mức 1.800 USD/ounce.