Ảnh minh họa. Nguồn: MPI.
Theo Báo cáo Hoạt động Trao quyền cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam năm 2022 của Amazon Global Selling, tốc độ tăng trưởng kép của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 28,4% trong giai đoạn 2020-2027.
Trong xu thế đó, Việt Nam được đánh giá đã và đang chứng kiến nhiều cơ hội tăng trưởng lớn cho xuất khẩu thông qua thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2026. Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C (kênh bán từ doanh nghiệp tới khách hàng) dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
Thực tế cho thấy Việt Nam vốn đã đạt những kết quả ấn tượng trên Amazon – nền tảng thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2022, 10 triệu sản phẩm từ các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra trên các gian hàng Amazon.
So với cùng kỳ năm trước, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80% bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%.
Những thành tựu ấn tượng khác có thể kể đến là số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon có doanh số trên 500.000 USD đã tăng 60%. Số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán trên Amazon cũng tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình.
"Với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online", ông Gijae Seong – Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định.
Amazon Global Selling chính thức được thành lập tại Việt Nam vào năm 2019, là chương trình bán hàng giúp doanh nghiệp từ mọi nơi trên thế giới phát triển kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu, tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng và hàng triệu đại lý mua hàng sỉ khắp thế giới, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Báo cáo của Amazon Global Selling đã nêu ra một số doanh nghiệp Việt Nam “hái quả ngọt” nhờ định hướng phát triển xuất khẩu online. Đầu tiên là Tập đoàn An phát Holdings với các sản phẩm tiện ích gia đình có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn, thân thiện với môi trường thuộc thương hiệu AnEco. Doanh số của AnEco 7 tháng đầu năm 2022 trên Amazon gấp 5 lần doanh số năm đầu tiên mở bán 2021, và dự kiến đến hết 2022 sẽ gấp 15-20 lần năm 2021.
SUNHOUSE – thương hiệu vốn đã quen thuộc trong căn bếp của người Việt cũng đang đẩy mạnh định hướng mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng quốc tế. Dù mới gia nhập Amazon từ đầu năm 2022, doanh số của SUNHOUSE tăng trưởng trung bình 160-200% mỗi tháng riêng tại thị trường Bắc Mỹ.
Đối với doanh nghiệp sản xuất hạt điều Lafooco, chỉ sau 2 tuần mở bán trên Amazon, 3 trong tổng số 4 loại hạt điều của công ty đã lọt top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên nền tảng này. Riêng 2 dòng sản phẩm Hạt điều rang muối biển vị caramel và Hạt điều rang muối biển vị dừa lọt top 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ.
HMG – thương hiệu thiệp thủ công 3D Made-in-Vietnam hiện mỗi ngày cũng nhận được hàng trăm đơn quốc tế từ khách hàng Amazon. Vào các dịp lễ lớn trong năm, con số thậm chí tăng lên hàng ngàn đơn.
"Kỷ nguyên 4.0 mở ra cho chúng ta một thế giới mới với nhiều cơ hội trước mắt. Vấn đề là bạn có dám đón nhận những cơ hội đó hay không", chị Phùng Minh Thủy – nhà đồng sáng lập thương hiệu HMG cho biết.