ASIAN CUP 2007 – GIẢI ĐẤU "KỲ LẠ" NHẤT CỦA BÓNG ĐÁ CHÂU Á
Kể từ khi được khai sinh năm 1956, kỳ Asian Cup vào năm 2007 được coi là giải đấu "kỳ lạ", nhưng cũng độc đáo nhất trong lịch sử bóng đá châu Á. Nguyên nhân bởi thay vì chỉ có 1 quốc gia đăng cai như trước kia, lần này LĐBĐ châu Á (AFC) quyết định sẽ có 4 nước đồng chủ nhà, gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Vào thời điểm đó, đây là ý tưởng nhằm thúc đẩy hình ảnh của Asian Cup ở khu vực vẫn được coi là "vùng trũng" của bóng đá châu lục. Đồng thời giúp người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á được trải nghiệm bầu không khí giải đấu mà các đội tuyển của họ vốn khó có cơ hội tham dự.
Rõ ràng đây là một sáng kiến đầy táo bạo của AFC và hứa hẹn mang lại nhiều điều thú vị. Tuy nhiên việc có tới 4 nước đăng cai mang tới những khó khăn do khoảng cách địa lý, khác biệt ngôn ngữ, điều kiện tập luyện, thi đấu khác nhau ở mỗi nơi. Đặc biệt, thời tiết nóng ẩm của xứ nhiệt đới gió mùa (Thái Lan, Việt Nam) và nhiệt đới cận xích đạo (Indonesia, Malaysia) được dự báo sẽ tác động nhiều đến thể lực các đội bóng từ khu vực khác.
Trái bóng với logo Asian Cup 2007. Màu sắc chủ đạo: Xanh lá - Indonesia, Vàng - Malaysia, Xanh dương - Thái Lan, Đỏ - Việt Nam.
Thật vậy, cũng vì yếu tố thời tiết mà ĐT Trung Quốc năm đó đã có một quyết định tương đối táo bạo. HLV Zhu Guanghu thẳng thắn chia sẻ với truyền thông về việc ông ưu tiên chọn nhiều cầu thủ đang chơi cho các CLB ở phía Nam (Trung Quốc). Vị HLV trưởng ĐT Trung Quốc hy vọng điều này sẽ giúp đội bóng của ông thích nghi tốt hơn với khí hậu Đông Nam Á. Tiếc rằng đội đương kim á quân của giải đã không thể vượt qua vòng bảng.
Lo lắng của ông Zhu Guanghu cũng không quá khó hiểu bởi vào tháng 7, nhiệt độ ở Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur hay Hà Nội đều ở mức trên 30 độ C vào ban ngày, với độ ẩm cao tạo cảm giác oi nóng khó chịu cả ngày lẫn đêm. Và quả thực, chính việc thể lực của nhiều đội bóng lớn bị ảnh hưởng bởi thời tiết đã giúp Asian Cup 2007 diễn ra với rất nhiều bất ngờ thú vị.
Việt Nam là đội đồng chủ nhà thành công nhất Asian Cup 2007, ở cả thành tích lẫn khâu tổ chức.
NHỮNG BẤT NGỜ TỪ CÁC ĐỘI ĐỒNG CHỦ NHÀ
Trong số 4 nước đồng chủ nhà, Malaysia là đội bóng gây thất vọng nhất khi thua cả 3 trận, chỉ ghi được 1 bàn thắng và để thủng lưới tới 12 lần. Còn lại, cả Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều tạo ra được những dấu ấn riêng của mình.
Ở bảng A, Thái Lan khởi đầu với trận hòa 1-1 với Iraq trong ngày ra quân, sau đó xuất sắc đánh bại Oman 2-0 ở lượt trận kế tiếp. Việc giành được 4 điểm trước 2 đội bóng Tây Á giúp người Thái tràn trề hy vọng đi tiếp.
Trong khi đó, ứng cử viên vô địch Australia lại "hút chết" trong trận mở màn gặp Oman, khi mãi đến phút 90+2 mới có được bàn gỡ hòa do công của Tim Cahill. Thất bại 1-3 ê chề ở lượt trận thứ hai trước Iraq khiến Australia buộc phải bước vào trận đấu "một mất một còn" với Thái Lan.
Thời điểm đó, người hâm mộ Thái Lan đã rất kỳ vọng vào việc đội nhà sẽ không thua ở lượt trận cuối để có vé vào tứ kết. Thậm chí khi bị dẫn 0-1 đến phút 80, kết quả đó vẫn đủ để Thái Lan đi tiếp. Tuy nhiên, cú đúp chỉ trong 3 phút của Mark Viduka (80’, 83’), cùng đòn kết liễu của Harry Kewell ở phút 90 đã dập tắt hy vọng trong Kiatisuk và các đồng đội.
Thái Lan đã tạo nên những bất ngờ, nhưng như thế là chưa đủ để họ đi tiếp.
Tương tự Thái Lan, Indonesia cũng chơi tưng bừng nhưng vẫn thiếu một chút bản lĩnh và may mắn để vượt qua vòng bảng.
Sau hai lượt trận, đội bóng xứ Vạn đảo có được 3 điểm (thắng Bahrain 2-1, thua Saudi Arabia 1-2). Một trận hòa ở lượt cuối sẽ giúp Indonesia tiễn Hàn Quốc về nước (lúc này mới chỉ có 1 điểm), đồng thời hy vọng Bahrain sẽ không giành được điểm nào trước Saudi Arabia.
Và trên sân Sriwijaya chiều 18/7, Saudi Arabia không gặp nhiều khó khăn để đánh bại Bahrain đến 4-0. Tuy nhiên cùng lúc đó tại sân Bung Karno, cú sút xa đẳng cấp của Kim Jung-Woo đã khiến giấc mộng của người Indonesia tan vỡ. Hàn Quốc thắng 1-0 và Indonesia bị loại.
BẤT NGỜ THÚ VỊ MANG TÊN VIỆT NAM
Năm 2007 là nhiệm kỳ thứ 3 của HLV Alfred Riedl tại Việt Nam, sau các giai đoạn 1998-2001 và 2003. Màn trình diễn không mấy ấn tượng của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2007 hồi đầu năm, cộng với việc rơi vào bảng đấu gồm những đối thủ mạnh như Nhật Bản, Qatar và UAE khiến cửa đi tiếp không được đánh giá cao với đội đồng chủ nhà.
Bản thân HLV Riedl trước đó cũng không đóng góp nhiều trong thành tích lọt vào vòng loại cuối Olympic Bắc Kinh 2008 của Olympic Việt Nam, bởi ông phải về nước chữa bệnh và trao đội lại cho trợ lý Mai Đức Chung. Có chăng, việc đội tuyển bước vào giải với nòng cốt gồm những Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong… vừa chơi thăng hoa ở đội Olympic khiến người hâm mộ hy vọng phần nào.
HLV Riedl và tiền vệ Minh Phương trong một buổi họp báo tại Asian Cup 2007.
Ngày 8/7/2007, 4 vạn chỗ ngồi của sân Mỹ Đình được phủ kín một màu đỏ. Lần đầu tiên kể từ khi thể thao nước nhà hội nhập trở lại, bóng đá Việt Nam mới giành được quyền tham dự Asian Cup. Tuy nhiên trước đối thủ UAE, lúc đó đang là đương kim vô địch cúp Vùng vịnh, một trận hòa có thể coi là thành công với Việt Nam.
Thế nhưng Công Vinh và các đồng đội đã làm được nhiều hơn thế. Sau khi kiên cường chống đỡ ở hiệp 1, ĐT Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt ở phút 63 của trận đấu. Hậu vệ trái Quang Thanh đi bóng từ giữa sân, nhả lại để Minh Phương thực hiện pha bấm bóng rồi xâm nhập thẳng vào vòng cấm địa với tốc độ cao. Ở phía trong, dù Thanh Bình không thể dứt điểm nhưng ngay khi bóng bật ra, Quang Thanh đã có mặt rất đúng lúc đúng chỗ để tung cú sút trái phá, hạ gục thủ môn đối phương.
Chưa dừng lại ở đó, 10 phút sau, Công Vinh thoát xuống khôn ngoan để đón đường chuyền từ Minh Phương, rồi thực hiện pha tâng bóng qua đầu thủ môn UAE, nâng tỉ số lên 2-0. HLV Riedl nhảy bật ra khỏi cabin huấn luyện, 4 vạn người trên sân Mỹ Đình như bùng nổ. Đêm hè đầu tháng 7 năm đó, cả đất nước ngất ngây trong men say chiến thắng.
Việt Nam 2-0 UAE | Asian Cup 2007 (Video: BLV Quang Huy)
4 ngày sau, Việt Nam bước vào trận đấu thứ hai của mình gặp đối thủ Qatar, đội bóng với đội hình gồm nhiều cầu thủ vừa giành HCV ASIAD Doha 2006, cùng một số cái tên nhập tịch đáng gờm, trong đó có tiền đạo gốc Uruguay, Sebastian Soria.
Dù vậy, sau khi đội nhà đánh bại UAE, người hâm mộ Việt Nam đặt kỳ vọng rất lớn vào việc thầy trò HLV Riedl sẽ tiếp tục hạ gục Qatar để giành vé vào tứ kết. Và quả thật suy nghĩ này đã diễn ra với khán giả đội chủ nhà trong phần lớn thời gian của trận đấu.
Nhanh chóng nhập cuộc và chơi sòng phẳng với đối phương, Việt Nam đã có được điều mình cần với bàn mở tỉ số ở phút 32 của Phan Thanh Bình. Nhận bóng từ người đồng đội Công Vinh, chân sút 21 tuổi xoay người, dẫn thêm một nhịp rồi thực hiện cú vung chân uy lực từ bên ngoài vòng cấm địa. Bóng đi căng khiến thủ môn gốc Senegal, Amed không thể bắt dính, rồi từ từ trôi qua vạch vôi. Sân Mỹ Đình lại một lần nữa vỡ òa.
Việt Nam 1-1 Qatar | Asian Cup 2007 (Video: VFF)
Trong những phút tiếp theo, Việt Nam chơi rình dập với một số cơ hội nữa được tạo ra nhưng đã không thể kết liễu được đối thủ. Người hâm mộ hồi hộp chờ từng phút trôi qua và nghĩ về chiến thắng tiếp theo của đội nhà. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Phút 79, Sebastian Soria ập vào rất nhanh sau một tình huống lộn xộn để đánh đầu cận thành, gỡ hòa 1-1 cho Qatar. Những phút tiếp theo, Việt Nam rơi vào cảnh phải gồng mình chống đỡ trước những sức ép liên tục của đối phương.
Thậm chí, ngay trên sóng truyền hình, người ta có thể nghe rất rõ những tiếng hô "Hết giờ đi, hết giờ đi" của các CĐV tại Mỹ Đình. Đến lúc này, một trận hòa có thể coi là thành công với Việt Nam và thật may, khung thành của thủ môn Dương Hồng Sơn đã được bảo vệ an toàn đến khi hồi còi kết thúc trận đấu vang lên.
Dù có được 4 điểm sau 2 lượt trận tuy nhiên cửa đi tiếp của Việt Nam vẫn tương đối hẹp. Ở lượt trận cuối, thầy trò HLV Riedl khó có cơ hội giành điểm trước đương kim vô địch Nhật Bản, trong khi Qatar (đang có 2 điểm) được dự đoán sẽ không khó đánh bại được UAE (0 điểm, đã bị loại).
Và quả thật, Việt Nam đã phải phơi áo 1-4 trước Nhật Bản. Nhưng ở sân Quân khu 7, bất ngỡ lại xảy ra. UAE trong thế không còn hi vọng đi tiếp lại khiến Qatar phải ôm hận với thắng lợi 2-1. CĐV Việt Nam tại TP.HCM kéo đến tận khách sạn của đội UAE để ăn mừng và cảm ơn; còn tại Mỹ Đình, tất cả cũng vỡ òa. Việt Nam lần đầu tiên và là đội đồng chủ nhà duy nhất lọt vào tứ kết Asian Cup năm đó.
CÚ SỐC CỦA IRAQ VÀ DẤU ẤN NGƯỜI HÙNG YOUNIS MAHMOUD
Kết thúc vòng bảng với ngôi nhất bảng A, Iraq gặp Việt Nam (nhì bảng B) tại Bangkok. Sau những gì đã diễn ra ở Mỹ Đình, Iraq hiểu rằng họ không thể xem nhẹ Việt Nam. Đòn phủ đầu nhanh chóng được tung ra bởi ngôi sao Younis Mahmoud và tỉ số được mở ngay ở phút thứ 2.
Việt Nam cố gắng phản đòn nhưng Younis Mahmoud thêm một lần nữa lên tiếng bằng cú đá phạt đẹp mắt nhân đôi cách biệt ở phút 65. Iraq thắng 2-0 và cuộc phiêu lưu của Công Vinh cùng các đồng đội kết thúc.
Việt Nam 0-2 Iraq | Asian Cup 2007 (Video: VFF)
Cũng ở tứ kết, một đội bóng Tây Á khác là Saudi Arabia không gặp mấy khó khăn để hạ gục trước Uzbekistan. Trong khi đó, 2 cặp đấu Nhật Bản – Australia, Hàn Quốc – Iran lại biến thành màn tra tấn thể lực thực sự dưới thời tiết oi nóng ở Đông Nam Á khi bất phân thắng bại trong suốt 120 phút. Nhật Bản và Hàn Quốc sau đó giành chiến thắng trên loạt đá penalty, nhưng sự giảm sút thể lực để khiến họ phải dừng chân ở bán kết.
Việc Iraq đánh bại Hàn Quốc để vào chơi trận chung kết với Saudi Arabia thực sự là một bất ngờ lớn với bóng đá châu Á. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước Iraq khi đó vẫn còn chìm trong bất ổn, với bom đạn và khủng bố, khiến giải vô địch quốc gia ở đây không thể diễn ra.
Không chỉ giúp Iraq vô địch Asian Cup, đội trưởng Younis Mahmoud còn giành luôn cú đúp danh hiệu Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Lần đầu tiên kể từ năm 1996, trận chung kết Asian Cup 2007 trở thành cuộc đấu nội bộ của người Trung Đông. Tối 29/2/2007, đội tuyển của hai quốc gia Hồi giáo gặp nhau trên sân Bung Karno, thủ đô Jakarta, Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới (hơn 200 triệu người).
Điều này cũng phần nào giúp AFC thở phào khi trận chung kết không rơi vào cảnh vắng khán giả. 60.000 CĐV đã có mặt và dễ hiểu khi đa số khán giả trung lập chọn cổ vũ cho Iraq.
Và rồi một lần nữa lại là Younis Mahmoud. Trong một trận đấu căng thẳng và đầy toan tính, tiền đạo này lại một lần nữa tỏa sáng khi bật cao đánh đầu mở tỉ số ở phút 72, sau quả phạt góc từ cánh phải của đồng đội. Và Iraq chỉ cần thế là đủ.
Lịch sử đã được viết nên. Người Iraq có chức vô địch Asian Cup đầu tiên trong lịch sử, đúng vào thời điểm khó ngờ nhất. Một kỳ Asian Cup lạ lùng, cuối cùng cũng được kết thúc với một kịch bản lạ lùng.
Chức vô địch Asian Cup 2007 là thông điệp mang nhiều ý nghĩa của Iraq tới thế giới, không chỉ riêng ở lĩnh vực bóng đá.
VIỆT NAM ĐƯỢC AFC ĐÁNH GIÁ LÀ NƯỚC ĐỒNG CHỦ NHÀ TỐT NHẤT
Ngoài việc lọt vào đến tứ kết, Việt Nam cũng được AFC đánh giá cao trong việc tổ chức giải đấu. Trong phân tích của AFC, khán giả và cách điều hành là cơ sở để đánh giá sự kiện bóng đá lớn nhất khu vực thành công hay không. Bởi vậy, Việt Nam được khen ngợi là nước tổ chức Asian Cup thành công nhất.
Tất cả các trận đấu có đội chủ nhà Việt Nam đều diễn ra trong không khí cuồng nhiệt, khán đài không còn một chỗ trống. Cũng thu hút được lượng khán giả khá đông đảo (40.000 người/trận) nhưng Indonesia vẫn bị phê bình vì để xảy ra sự cố mất điện trong trận đấu giữa Hàn Quốc và Saudi Arabia. Đáng lưu tâm, hai nước đồng chủ nhà còn lại không tạo được ngày hội bóng đá thật sự khi các sân thi đấu quá ít khán giả.