Giải cứu cá, giải cứu người và giải cứu "vô cảm"

Bùi Hải |

Lời thề "không tìm thấy đội bóng chúng tôi sẽ không trở về" của những người cứu hộ đã tạo sự xúc động và hy vọng lớn lao.

Vài ngày sau khi chú cá heo Lucky 6 tháng tuổi được cứu sống ở Đà Nẵng, thì ở Thái Lan, cả đội bóng 12 cậu bé và 1 trợ lý HLV coi như được cứu sống kỳ diệu sau 10 ngày mất liên lạc trong hang động ngập nước.

Những đội cứu hộ, thợ lặn, người nhái ở Thái Lan đã làm việc không ngừng nghỉ giữa mưa lớn và thề "không trở về khi không tìm thấy bọn trẻ".

Những nỗ lực quốc tế cũng đã được thiết lập nhanh nhất để mang 13 nạn nhân trở lại với cuộc sống (Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Lào, Myanmar đồng loạt trợ giúp).

Nhìn hàng nghìn người cứu hộ chạy đua với thời gian từng phút một, nhìn kho hậu cần hàng trăm bình oxy, lượng thức ăn được chuẩn bị đủ cho 4 tháng, sự xuất hiện tại hiện trường của những quan chức cao cấp nhất đất nước, chúng ta đều được tiếp thêm sức mạnh hy vọng.

Dù kết quả thế nào, chắc chắn người Thái cũng sẽ xích lại gần nhau hơn chút nữa. Và nỗ lực ấy, tinh thần chiến binh ấy, cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. (đọc tin chính)

Những bạn trẻ Đà Nẵng đã thức suốt đêm, đứng dầm nước biển, thay nhau bế chú cá heo bị vết thương đâm xuyên người, cho cá uống sữa, tiêm thuốc giảm đau cho nó, trước khi đội bác sĩ thú y Vinpeal Land Nam Hội An và chuyên gia cá heo Vinpear Nha Trang, tiếp quản cứu hộ sau khi nhận một chỉ thị từ Hà Nội lúc 6h sáng: Tập trung cao độ cứu cá.

Một đường dây nối với chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã của Singapore, cũng được thiết lập để lên phương án cứu hộ các điều trị cho Lucky. (đọc tin chính)

Suốt mấy ngày nay, con gái tôi liên tục cập nhật cho bố thông tin về hai vụ cứu cá và cứu người ấy với đủ trạng thái lo lắng và mừng rỡ.

Con bảo: "Các anh chị ấy xả thân chăm sóc cá y hệt bố mẹ chăm con cái. Em cá Lucky thật may mắn như tên gọi. Ước gì mọi trẻ em đều được chăm sóc như cá heo, không bị đánh đập, mắng chửi, gây áp lực học tập.

Ước gì mọi động vật hoang dã quý hiếm đều không bị làm thịt, nhậu nhậu dzô dzô".

Nếu so với câu chuyện giải cứu 13 người trong đội bóng Lợn Rừng ở Thái Lan, vụ cứu cá heo tại Đà Nẵng là chuyện nhỏ. Nhưng sự đẹp đẽ và trong trẻo của những câu chuyện nhỏ lại có thể truyền đi cảm xúc lớn.

Những câu chuyện đủ ấy không chỉ đủ chạm vào trái tim, vào tâm hồn còn rất trong sáng và lành lặn của bọn trẻ như con gái tôi, thúc giục chúng bình tĩnh sống nhân ái hơn, mà còn khiến người lớn chúng ta tự vấn.

Hôm qua, một câu chuyện "thường ngày" của một anh công nhân vệ sinh Ngô Chí Hùng đã khiến bà Chủ tịch HĐND TP.HCM nghẹn giọng: "Với tư cách đại diện chính quyền TP, tôi xin lỗi anh, xin lỗi tất cả những người làm công tác này".

Khi công nhân ấy phải bơi trong những chiếc cống đầy rác rưởi thì cũng chính là lúc anh phải quẫy đạp giữa sự vô cảm của đồng loại.

Hùng kể rất nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà dân xả thải trực tiếp xuống cống mà không qua bể phốt, xử lý chất thải. Và như vậy, anh cùng đồng đội phải cắn răng bơi giữa phân để vớt rác, khơi thông dòng chảy:

"Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm tứa máu, đau đến thấu tim, nhưng vì công việc, chúng tôi phải làm cho xong rồi mới lên xử lý". (đọc tin chính)

Nỗi niềm tủi cực của anh Hùng và cộng sự chắc chắn đã diễn ra nhiều năm và không dễ để giải quyết.

Giải cứu cá, giải cứu người và giải cứu vô cảm - Ảnh 2.

Nhưng một lời xin lỗi chân thành của người đứng đầu cơ quan dân cử quyền lực nhất thành phố, không chỉ mang lại sự đồng cảm lớn, yêu cầu sự vào cuộc của chính quyền mà còn nhắc nhở, cảnh tỉnh những ai đang vô cảm, vô tư hủy hoại môi trường, hủy hoại sức khỏe của những người đang nhẫn nại phục vụ thành phố như anh Huy.

Khi những thông tin tốt đẹp nhất về vụ giải cứu cá heo và giải cứu đội bóng xuất hiện, tôi hỏi con gái một câu chung nhất có thể: "Con nghĩ gì về hai vụ việc này?".

Con tôi ngẫm nghĩ 3 phút rồi trả lời: "Con nghĩ đến môi trường. Nếu môi trường được bảo vệ thì cái hang kia đã không ngập nước một cách bất ngờ, suýt giết chết đội bóng.

Nếu môi trường được bảo vệ thì em cá heo Lucky đã không phải ở gần cái chết đến thế".

Tôi bảo con gái: "Con nói rất đúng. Ngoài môi trường, bố nghĩ hai chiến dịch ấy đều là những cuộc "giải cứu tình trạng vô cảm". Chính sự không vô cảm của con người đã góp phần mang lại cái kết trên cả tuyệt vời ấy".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại