Các công ty lớn đã đầu tư hàng triệu USD nghiên cứu để con người được sự bất tử.
Lịch sử nhân loại chứng kiến "giấc mơ hão huyền nhất và cũng vĩ đại nhất" là trường sinh bất tử thuộc về những vị quân vương. Thần dược giúp trường sinh bất tử là một chất huyền thoại được ghi chép ở nhiều nền văn hóa cổ đại. Trên hành trình đầy ảo vọng của mình, những vị quân vương đầy quyền lực đã vô cùng nỗ lực tìm những phương thuốc bí truyền để có thể sống mãi trên ngai vàng.
Tùy theo y thuật khác nhau, người ta đưa ra những "vị thuốc" khác nhau pha chế thần dược kéo dài tuổi thọ. Nhưng trong những phương thức khác nhau ấy, có một vị chung là thủy ngân, mà các nhà điều chế cổ không giải thích vì sao. Chỉ biết rằng khi thủy ngân bị nóng chảy ở dạng lỏng, nó được cho là có ý nghĩa bất diệt, hay là chìa khóa cho sự trường sinh.
Nhưng thủy ngân cũng là một chất cực độc. Tác hại chính của thủy ngân làm giảm chức năng nhận thức, gây suy thận, suy nhược cơ thể và dẫn tới tử vong. Nhưng thật kỳ lạ, bất chấp hiểm nguy, nhiều vị đế vương Trung Hoa ngày trước vẫn tìm kiếm sự bất tử thông qua việc uống các tinh chất được chiết xuất từ thủy ngân.
Theo các ghi chép lịch sử, nhiều hoàng đế từ các triều đại khác nhau của Trung Quốc đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến việc dùng thuốc trường sinh. Như Đường Vũ Tông (nhà Tống), Minh Thế Tông (nhà Minh) hay Ung Chính (nhà Thanh). Và người nổi tiếng nhất trong số họ chính là vị Hoàng đế đầu tiên của nước Trung Quốc thống nhất - Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) cũng đã chết vì thủy ngân với khát vọng bất tử.
Trong những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng bị ám ảnh với việc có được sự bất tử, ông viếng thăm đảo Chi Phù tới ba lần để hi vọng tìm được thuốc trường sinh. Ông được cho là chết trong nỗi ám ảnh bất tử và vì sử dụng quá nhiều "thuốc trường sinh" được chế xuất từ thủy ngân.
Song song với câu chuyện của Tần Thủy Hoàng uống thuốc bất tử, còn có một câu chuyện khác: Đó là một danh y thoát được lưỡi đao của vị chúa tể nhờ pha "lật kèo" bất ngờ.
Từ giấc mơ bất tử đến chặn quá trình lão hóa
Tất nhiên cũng không chỉ có các vị vua Phương Đông ôm ảo tưởng bất tử, còn nhiều vị quân vương và giới giàu có ở các châu lục khác cũng đã từng mơ và cũng chết vì điều đó khi uống những viên thuốc "bất tử".
Tác phẩm viễn tưởng New Atlantis của nhà văn Francis Bacon được xuất bản vào năm 1627, mô tả về một xã hội nơi con người dùng khoa học để giành lấy quyền kiểm soát thế giới và cuộc sống của chính họ từ bàn tay của Mẹ thiên nhiên. Đó là tham vọng mà cho tới tận giờ nhiều người vẫn mong đạt được.
Theo chiều dài lịch sử, con người đã có nhiều lần tìm kiếm các công thức mang lại sự bất tử, và đáng tiếc, chúng ta luôn thất bại. Trong tác phẩm Sử thi Gilgamesh - một trong những thiên anh hùng ca lâu đời nhất của nhân loại, ra đời vào khoảng hơn 2.000 năm trước Công nguyên - nhân vật chính đã quyết định thực hiện một hành trình dài và nguy hiểm để khám phá bí mật của cuộc sống vĩnh cửu.
Thế kỷ 19 cũng là giai đoạn "thần dược trường sinh" trở thành mốt ở châu Âu. Nhiều quán rượu và tiệm thuốc đã bán các hỗn hợp "trường sinh" do họ sáng chế ra, thành phần gồm nước, thảo dược và một lượng đáng kể đồ uống có cồn, các hỗn hợp này được quảng bá là có khả năng kéo dài cuộc sống, nâng cao tuổi thọ.
Nhưng phải mất thêm 100 năm nữa, con người mới bắt đầu chấp nhận không thể bất tử, những cuộc tìm kiếm thần dược chỉ là giấc mộng giữa ban ngày. Vì thế, đã ngả theo hướng thay thế biệt dược trường sinh bằng các giải pháp khác dựa trên chứng cứ rõ ràng hơn, thực tế hơn. Năm 1930, các nhà khoa học đã làm nhiều thí nghiệm trên chuột và đưa ra kết luận rằng việc hạn chế lượng calorie nạp vào cơ thể có thể giúp tăng đáng kể tuổi thọ.
Như vậy, loài người đã chuyển từ việc cố công điều chế thuốc bất tử bằng cách kiềm chế tiến trình lão hóa. Năm 1990, Daniel Rudman đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong việc nghiên cứu hormone tăng trưởng.
Ông phát hiện rằng lượng nạc (cơ bắp) trong cơ thể (tất cả mọi thứ trừ chất béo) giảm đi thì các tế bào cũng giảm dần việc sản xuất hormone tăng trưởng. Nhiều cơ thể đã thay đổi theo hướng "trẻ hóa", thể hiện qua các hoạt động như khôi phục khả năng phân hủy các tế bào chất béo, phát triển xương và tăng số lượng tế bào cơ bắp.
Năm 2003, dự án giải mã bộ gene người hoàn tất sau thời gian dài triển khai. Dự án này được cho là sẽ mang tới nhiều đáp án cho các câu hỏi liên quan tới việc xử lý nhiều căn bệnh do tình trạng già hóa cơ thể, hoặc do lỗi gene, gây ra. Nhưng thất vọng đã sớm đến cùng hy vọng, rốt cục nhân loại vẫn không có câu trả lời cho việc làm sao để ngăn chặn tình trạng lão hóa vẫn diễn ra khi con người ta ngày càng cao tuổi. Và câu hỏi liệu rồi cuối cùng nhân loại có tìm được bí kíp trường sinh? Đó vẫn là thách đố bí ẩn nhất của loài người.
Nối tiếp một giấc mơ hão huyền
Một trong những cái gọi là "không từ bỏ giấc mơ bất tử" chính là việc đông xác, chờ một ngày khoa học có thể "đánh thức" người chết sống dậy.
Hiện ngoài việc đông xác toàn bộ cơ thể thì cũng có những người lựa chọn việc chỉ làm đông lạnh bộ não. Nhưng liệu phương thức này có thành công? Nhà khoa học thần kinh Christof Koch đã công khai bày tỏ sự nghi ngờ về phương pháp này. "Cho tới tận hôm nay, chúng tôi vẫn không có bằng chứng cho thấy một bộ não bị đông lạnh có thể được "tái khởi động" trở lại và vẫn lưu giữ được mọi ký ức" - ông nói. Tuy nhiên, một số người giàu có vẫn không từ bỏ giấc mơ ấy, cho dù phải "nằm trong quan tài kẽm đông lạnh nhiều trăm năm nữa".
Gần đây nhất, Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk đã gây chú ý khi thông báo sẽ tìm cách để kết nối con người với các thiết bị điện tử như máy tính. Cụ thể, việc này sẽ diễn ra nhờ các bộ máy đọc não bộ - những cầu nối cần thiết sẽ tạo ra mối quan hệ cộng sinh thực sự giữa người và máy.
Nghiên cứu của Neuralink hiện vẫn đang ở trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên công ty đã đẩy mạnh việc thí nghiệm cấy ghép thiết bị máy vào vùng mắt và tai động vật, để nghiên cứu khả năng đọc tín hiệu và phục hồi các giác quan này nếu chúng bị hư hỏng. Ngoài ra người ta cũng tiến hành các cấy ghép máy vào não sẽ cho phép người tật nguyền có thể điều khiển từ xa máy tính và robot.
Hiện, một trung tâm "nối tiếp cuộc sống" có tên là Alcor, tại Mỹ cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Trung tâm này hy vọng kéo dài sự sống bằng phương pháp đông lạnh để bảo quản thi thể, chờ hồi sinh trong tương lai, khi khoa học công nghệ đã phát triển. Max More chính là người đã nảy ra ý tưởng đông lạnh cơ thể người để chờ "hồi sinh".
Đến nay, hơn 1.000 người đã đăng ký bảo tồn cơ thể sau khi qua đời. Đây được xem là một "giấc mơ nối dài" về sự bất tử, nhưng nhiều người cho rằng đó cũng chỉ là giấc mơ hão huyền mà thôi.
Nhưng ở đời, có ai cấm chúng ta mơ đâu, kể cả đó là giấc mơ vĩ đại nhất, nhưng cũng hão huyền nhất!