Phiên giao dịch ngày 7/7/2016, VN-Index tiếp tục lập đỉnh mới của 8 năm khi tăng gần 12 điểm lên trên 661 điểm. Cùng với xu hướng chung của thị trường, một loạt cổ phiếu chủ chốt như như Vinamilk, Thế giới Di động, Hòa Phát, Hoa Sen, Dược Hậu Giang… cũng leo lên mức giá cao nhất mọi thời đại (giá đã điều chỉnh kỹ thuật).
Trong số này, MWG của Thế giới Di động tăng trần – tương ứng tăng 8.000 đồng – lên 131.000 tỷ đồng. Tại mức giá này, giá trị thị trường của chuỗi bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam hiện đạt 19.200 tỷ đồng (857 triệu USD).
Một sự so sánh thú vị là hiện giá trị của Thế giới Di động đã tương đương với với giá trị của cả Tập đoàn FPT. Vốn hóa của FPT hiện đạt 19.800 tỷ đồng (884 triệu USD). Cả 2 doanh nghiệp này hiện đều nằm trong số 15 công ty có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Đầu năm 2015, giá trị của Thế giới Di động từng suýt soát bằng FPT nhưng sau đó đã giảm rất mạnh
Các cổ đông của FPT chắc chắn sẽ không thể vui khi mà tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu chỉ tăng được 5% - tức thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của thị trường. Còn các cổ đông của Thế giới Di động thì đang rất hân hoan khi mà cổ phiếu tăng tới 70% bất chấp việc có nhiều cổ đông lớn liên tục bán ra.
Nếu nhìn vào thời điểm Thế giới Di động lên sàn cách đây đúng 2 năm thì các cổ đông của FPT lại càng buồn. Lúc đó, giá trị của Thế giới Di động chỉ có 5.000 nghìn tỷ trong khi của FPT là hơn 17.000 tỷ đồng. Như vậy trong suốt 2 năm qua mức tăng của cổ phiếu FPT cũng rất khiêm tốn.
Biến động giá cổ phiếu của 2 công ty phản ánh khá sát kết quả kinh doanh mà 2 doanh nghiệp đạt được trong năm. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, Thế giới Di động công bố doanh thu tăng trưởng 80% còn lợi nhuận tăng 86% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu của FPT giảm 7% và lợi nhuận giảm 8%.
Hiện phần lớn nguồn thu của Thế giới Di động đến từ 2 chuỗi bán lẻ điện máy, thiết bị di động Thegioididong.com và Điện máy Xanh. Còn FPT đang kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, phần mềm, tích hợp thống, giáo dục, phân phối và bán lẻ thiết bị điện tử…
FPT hiện đang trong quá trình tìm đối tác để bán đi mảng phân phối (FPT Trading) và bán lẻ (FPT Shop) để trở thành một công ty "thuần về công nghệ" như mong muốn của một số cổ đông lớn. Hai mảng này hiện đóng góp khoảng 60% doanh thu và 25% lợi nhuận của toàn hệ thống FPT.