Christine Negroni, tác giả cuốn sách Crash Detectives: Investigating the World's Most Mysterious Air Disasters (tạm dịch "Trinh thám tai nạn: Điều tra các vụ thảm họa hàng không bí ẩn nhất thế giới) cho rằng, phi công phụ của chuyến bay MH370, Fariq Abdul Hamid đã tìm cách hạ cánh xuống sân bay Langkawi của Malaysia trước khi chiếc máy bay này lao xuống biển, Sputnik dẫn nguồn Daily Star đưa tin.
"Tôi thấy rất lạ khi chiếc máy bay hướng tới Langkawi và anh ta có một chiếc máy bay đầy nhiên liệu. Vì thế, một phần trong kế hoạch của mình, anh ta nghĩ rằng mình sẽ hạ cánh xuống 1 sân bay mình biết. Langkawi là nơi anh ta học lái máy bay và đó là khi anh ta quay về phía Tây", Negroni nói với Daily Star.
Tuy nhiên, cây viết người Mỹ này cho rằng viên phi công phụ đã không thể hạ cánh an toàn bởi chiếc máy bay bị giảm áp suất, trong khi phi công Zaharie Ahmad Shah sử dụng nhà vệ sinh.
Thay vì đáp xuống Langkawi, chiếc máy bay tiếp tục di chuyển về phía Tây trước khi rẽ sang trái và cuối cùng là đâm xuống Ấn Độ Dương sau khi cạn hết nhiên liệu, các chuyên gia nhận định.
Theo Negroni, lý do khiến người phi công phụ không thể đưa chiếc máy bay hạ cánh là vì hypoxia - chứng giảm oxi huyết (hiện tượng khi cơ thể hoặc một phần cơ thể bị thiếu oxi để lưu thông qua các mô) - do giảm áp suất.
"Vậy chuyện gì đã xảy ra? Vì sao anh ta không hồi phục được? Vì sao cơ trưởng Zaharie không quay trở lại buồng lái? Mọi thứ hỗn loạn, cảnh báo độ cao vẫn tiếp tục kêu. Tôi nghĩ là mọi chuyện khá logic khi cho rằng Zaharie đã tới nhà vệ sinh khoang thương gia ở gần buồng lái".
"Trong các nhà vệ sinh của Boeing 777 đều có một chiếc mặt nạ dưỡng khí để cung cấp oxi trong trường hợp giảm áp suất", Negroni đặt ra tình huống giả định.
"Hãy tưởng tượng xem Zaharie sẽ như thế nào khi thấy chiếc mặt nạ nhựa màu vàng rơi xuống sau khi máy bay bị giảm áp suất. Ông ấy có thể bị bối rối trong chốc lát nhưng với kinh nghiệm của mình, ông ấy nhận ra ngay chuyện gì đã xảy ra và cần phải làm gì".
"Dù vậy, ông ấy vẫn phải lựa chon: Tìm cách quay trở lại buồng lái mà không có oxi, hoặc ở lại nhà vệ sinh và đợi Fariq đưa máy bay xuống một độ cao thấp hơn, rồi quay về buồng lái".
Negroni đoán rằng vị cơ trưởng không chắc Fariq có thể xử lý được tình huống khẩn cấp và quyết định chọn phương án thứ hai. Tuy nhiên, "tình trạng thiếu oxi cũng gây rắc rối cho Zharie", cây viết người Mỹ nhấn mạnh.
Negroni cũng đề cập tới thực tế rằng cả Fariq và Zaharie đều có thói quen hút thuốc lá và điều đó khiến họ dễ bị hypoxia hơn.
Ngoài ra, nhiều phi công thuộc Malaysia Airlines từng chia sẻ với Negroni rằng, việc cơ trưởng quay trở lại buồng lái trong tình trạng giảm áp suất là rất khó.
"Tất cả những sự vụ trước đây về giảm áp suất nhanh chóng, những vụ đã hạ cánh thành công và một số trường hợp bị rơi đều ủng hộ quan điểm đáng sợ rằng, việc nỗ lực gắng sức sẽ lấy đi những giây tỉnh táo hữu dụng cuối cùng. Vị cơ trưởng đã không thể lấy lại quyền điều khiển máy bay. Nếu ông ấy làm được thì mọi sự có thể đã khác", Negroni nhận định.