Đó là câu chuyện của gia đình cụ ông Lưu Quơn (85 tuổi, trú thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Gia đình 7 người lùn
Ngôi nhà của vợ chồng cụ Lưu Quơn nằm khiêm tốn trong 1 con hẻm bên cạnh chợ heo Bà Rén ở xã Quế Xuân 1. Người dân ở đây từ già đến trẻ ai cũng biết nhà cụ.
Ở xã Quế Xuân 1, chợ heo Bà Rén là thứ nổi tiếng nhất, gia đình cụ Quơn đứng thứ 2.
Ở tuổi 85, cụ Quơn không còn khỏe nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn. Thấy nhà có khách, cụ đứng dậy ra tận cửa mời vào rồi lại tự tay rót nước mời.
Đôi chân cong kỳ dị của cụ khiến việc đi lại khó khăn. Mỗi lúc cụ Quơn bước lên xuống bậc thềm thì cụ bà Phạm Thị Điển (81 tuổi) phải đỡ chồng.
Cụ Điển đỡ chồng mỗi lúc lên xuống cầu thang
"Tôi sinh ra cũng bình thường như người ta nhưng không lớn lên được. Những đứa trẻ cùng tuổi càng ngày càng lớn, tôi thì vẫn thấp tịt. Đến tuổi thanh niên, bạn bè ít nhất cũng cao mét rưỡi thì tôi chỉ cao được hơn mét.
Tôi đứng với người ta thì nhìn như cha con. Chiều cao của tôi cũng chỉ giống với mấy đứa trẻ con lớp 4, lớp 5", cụ Quơn nói.
Theo cụ, tổ tiên, dòng tộc họ Lưu đều có chiều cao như người bình thường. Gia phả họ Lưu chưa từng ghi lại trường hợp nào có chiều cao đặc biệt như gia đình cụ Quơn.
Cụ cho hay, gia đình có chiều cao không bình thường bắt đầu từ cha của cụ tên Lưu Liếng.
"Ông nội tôi sinh được 4 người con. Cha tôi là út nhưng chỉ cao được 1,2m.
Tôi là con trai duy nhất của ông nên bị di truyền giống cha dù mẹ tôi có chiều cao như bình thường", cụ Quơn buồn bã kể.
Đến lúc trưởng thành, chiều cao của chàng thanh niên Lưu Quơn chỉ khoảng 1,05m. Do tự ti với chiều cao của mình nên Quơn chẳng dám đem lòng thương cô gái nào. Cha mẹ vì thương nên tìm cách hỏi vợ cho con trai. Vậy nhưng nhiều cô gái đều từ chối làm vợ "chàng lùn" này khi gặp mặt.
Cụ Quơn thấp hơn vợ gần 1 cái đầu, dù người vợ chỉ cao 1,4m
"Tôi biết mình vậy thì khó tìm được vợ. Vậy mà bà vợ tôi lại chịu lời khi cha tôi hỏi chuyện.
Tôi thì mừng hết lớn vì cưới được vợ. Bà ấy lại cao hơn tôi gần 1 cái đầu", cụ Quơn hào hứng kể chuyện cưới được vợ.
Bà cụ Điển cho hay, thấy ông tuy lùn nhưng siêng làm ăn nên cũng đem lòng ưng thuận. Bản thân cụ Điển cũng có chiều cao khiêm tốn, chỉ khoảng 1,4m.
Hai vợ chồng cụ Quơn kết hôn rồi sinh liền một mạch 6 đứa con, 4 trai, 2 gái. Cả 6 người con khi sinh ra đều bụ bẫm, cân nặng, chiều cao đều như những đứa trẻ khác. Hai vợ chồng cụ khấp khởi hy vọng các con lớn lên sẽ có được thể hình bình thường như bao người khác.
Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, 6 người con ấy có chiều cao không hơn gì cha mẹ. Cụ Quơn ngồi buồn, đọc vanh vách chiều cao của các con.
Cụ Quơn cùng các con
"Thằng cả Lưu Ngoạn (64 tuổi) cao 1,3m; Lưu Trịn (60 tuổi) cao 1,29m; Lưu Tám (57 tuổi) cao 1,27m; Lưu Mười (55 tuổi) cao 1,25m; Lưu Hai (53 tuổi) cao 1,1m; Lưu Thị Hoa (50 tuổi) cao 1,1m.
Cả nhà tôi như thế nên đi đâu người ta cũng gọi là người lùn. Cha con tôi được đặt biệt danh "7 chú lùn" còn vợ tôi là Bạch Tuyết gì đó", cụ Quơn nói.
Vượt lên số phận để mưu sinh
Ngoại hình thấp bé khiến những thành viên trong gia đình "người lùn" thường xuyên trở thành đề tài trêu đùa của người khác. Cũng vì thế nên cụ Quơn không ít lần lao vào đánh nhau với những người to lớn hơn để bảo vệ các con.
"Hồi nhỏ, mấy đứa con tôi luôn xấu hổ vì bị chọc là người lùn. Có lần đang làm việc ở chợ, tôi lao vào đánh 1 lão buôn heo to lớn vì dám chọc con tôi.
Tôi bị họ đấm, đá mấy cái chảy cả máu miệng nhưng từ đó ông ta không dám chọc con tôi nữa. Bọn trẻ cũng dần quen với chuyện đó nên không còn khó chịu khi bị gọi là người lùn", cụ nhớ lại.
Ông Lưu Ngoạn kiếm thêm thu nhập từ nghề thợ hồ
Không những bị trêu chọc, "tiểu đội người lùn" gia đình cụ Quơn cũng gặp nhiều khó khăn, cực khổ khi làm việc nên cái nghèo cứ bám riết lấy. Họ chủ yếu mưu sinh bằng nhiều việc vặt ở chợ Bà Rén.
Trước đây, cụ Quơn có hơn 40 năm được thuê dọn vệ sinh chợ heo. Mỗi ngày, 2 vợ chồng dậy từ 3h sáng để dọn chợ. Đến khoảng 4h sáng, 2 người lại tranh thủ bồng heo để cân kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng cụ bây giờ tuổi cao sức yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Công việc mưu sinh ấy được những người con tiếp tục.
Chợ heo Bà Rén là nơi tập trung buôn bán heo của hàng nghìn tiểu thương khắp tỉnh Quảng Nam vào lúc rạng sáng.
Tiểu thương ở đây cân heo bằng cách độc nhất vô nhị không nơi nào có. Heo được 1 người bế trên tay rồi nhảy lên bàn cân. Người mua, người bán trừ cân nặng của người bế để ra trọng lượng heo. Cách mua bán này đã có hàng trăm năm và vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Mỗi ngày, cả gia đình "người lùn" phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra chợ làm việc. Các chú lùn tản đi khắp chợ bế heo lên cân. Họ phải nỗ lực gấp đôi, phải nhanh nhẹn hơn, làm việc thận trọng hơn để heo không bị thương nhằm cạnh tranh với những người khác.
Ông Lưu Trịn từng bị gãy tay khi bồng heo
Thể hình nhỏ bé khiến "tiểu đội tí hon" nhiều lần gặp "tai nạn nghề nghiệp". Ông Lưu Trịn có lần do gắng sức bế 1 con heo có cân nặng 30kg nên bị gãy tay trái.
"Lần đó con heo lớn quá nhưng do lỡ nhận lời với chủ heo rồi nên tui cố ráng sức để bế lên bàn cân. Do hoảng sợ, con heo liên tục vùng vẫy khiến tôi không giữ nổi, bị ngã gãy tay. Phải mất hơn 1 tháng, tôi mới làm việc trở lại bình thường", ông Trịn kể về tai nạn của mình.
Mỗi lần bế heo, thương lái thường trả thù lao 5.000 đồng. Nếu ngày nào chợ đông, thương lái buôn bán được thì thu nhập của gia đình cũng tăng theo. Có ngày, họ thu được gần 100.000 đồng. Tuy vậy, những ngày chợ ế, thu nhập chỉ khoảng 50.000 đồng vừa đủ tiền mua gạo, thức ăn.
Ngoài bế heo, các con trai cụ Quơn đều đi phụ hồ cho các chủ thầu xây dựng. Công việc nặng nề, thể hình thấp bé nên năng suất làm việc của họ không bằng với người thường. Họ chỉ được trả công vỏn vẹn 40.000 đồng/ngày.
Hai cô con gái Lưu Mười, Lưu Thị Hoa hàng ngày cũng phải đi bộ quãng đường hàng chục km để bán vé số dạo.
"Cha tôi dạy rồi, chúng tôi có thể thấp bé hơn so với người khác nhưng phải có quyết tâm gấp đôi họ để bù lại. Chúng tôi chỉ cần siêng năng thì không bao giờ phải sợ đói", ông Lưu Ngoạn, con trai lớn của cụ Quơn nói.
Cuộc sống của đại gia đình cụ Quơn dù còn nhiều gian khổ nhưng mọi thành viên đều đoàn kết, yêu thương nhau hết mực.
Cụ Quơn cho hay, tiền công mỗi ngày thu được của các con ông dù không nhiều nhưng đều có phần dành cho cha mẹ mua thức ăn.
"Chúng tôi đã già, không làm việc để kiếm tiền được nữa nhưng may mắn cả 6 đứa con đều có hiếu. Mấy đứa nó mua thức ăn, gạo cho vợ chồng chúng tôi đầy đủ. Tôi thấy vậy là đã mãn nguyện rồi", cụ Quơn hạnh phúc chia sẻ.
(còn nữa)