Giá dầu thế giới loạn nhịp

Xuân Mai |

Giá dầu đang giằng co tìm xu hướng khi nhu cầu tại Trung Quốc có thể giảm vì số ca mắc COVID-19 tăng vọt và khả năng Nga giảm nguồn cung nhằm trả đũa phương Tây.

Giá dầu thế giới giảm hôm 28-12 (giờ địa phương) do lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc sẽ làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế nước này, qua đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu.

Giá dầu Brent giao tháng 2-2023 có lúc giảm xuống 83,55 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 28-12 trong khi dầu thô Mỹ có thời điểm giảm xuống mức 78,78 USD/thùng. Giá dầu quay đầu giảm sau khi tăng mạnh một ngày trước đó vì Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 8-1-2023.

Lý giải cho việc giá dầu giảm, ông Leon Li, nhà phân tích tại Công ty Dịch vụ Tài chính CMC Markets (Anh), cho rằng: "Ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế về COVID-19, nhu cầu nhiên liệu cũng khó phục hồi trong thời gian ngắn do hoạt động ngoài trời của người dân giảm nhanh chóng khi số ca mắc tăng vọt".

Theo hãng tin Reuters, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ hôm 27-12 cũng đang nỗ lực khôi phục hoạt động tại hàng chục cơ sở bị gián đoạn do thời tiết giá rét trên khắp nước Mỹ. Tiến trình này tại một số cơ sở có thể kéo dài đến tháng 1-2023. Cơn bão tuyết khiến nhiệt độ xuống thấp làm gián đoạn sản xuất, giảm sản lượng dầu và khí đốt tại Bắc Dakota và Texas.

Giá dầu thế giới loạn nhịp - Ảnh 1.

Tàu chở dầu thô neo đậu tại cảng Kozmino gần thành phố cảng Nakhodka - Nga. Ảnh: REUTERS

Ở chiều ngược lại, giá dầu được hỗ trợ nhờ thông tin Nga có kế hoạch cấm bán dầu từ ngày 1-2-2023 cho các quốc gia áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, ông Li nhận định trong khi lệnh cấm bán dầu của Nga sẽ làm giảm nguồn cung thì nhu cầu nhiên liệu cũng có thể giảm do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin hôm 27-12 ký sắc lệnh về các biện pháp trả đũa việc phương Tây áp giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga. Động thái này nhằm đáp lại lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) và Úc vốn có hiệu lực từ hôm 5-12.

Theo quy định trong sắc lệnh, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1-2-2023 đến ngày 1-7-2023. Lệnh cấm bán riêng biệt đối với các sản phẩm dầu tinh chế như xăng và dầu diesel sẽ có hiệu lực vào ngày do chính phủ Nga ấn định. Tổng thống Putin có quyền bãi bỏ lệnh cấm trong trường hợp đặc biệt.

Đầu tháng này, các nước phương Tây đã nhất trí về mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga, chính sách này nhằm vào các khách hàng mua dầu còn lại của Moscow. Mỹ, EU và Anh cũng đang cấm các công ty của họ cung cấp dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm cho các tàu chở dầu từ Nga có mức giá cao hơn mức quy định.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Saudi và sự gián đoạn đáng kể đối với hoạt động bán dầu của nước này được cho là sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Theo đài RT, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhu cầu dầu của Nga vẫn cao bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Phó Thủ tướng Nga cho rằng bằng cách áp đặt giá trần, các nước phương Tây sẽ chỉ gây ra lạm phát năng lượng hơn nữa do nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này có thể tìm các quốc gia hợp tác bên ngoài châu Âu. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng thừa nhận thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn mức dự kiến 2% GDP trong năm 2023 khi mức giá trần của phương Tây làm giảm thu nhập xuất khẩu dầu của Nga.

Ông Nicholas Farr, nhà kinh tế tại Công ty Nghiên cứu Kinh tế Capital Economics (Anh), cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động từ mức giá trần của phương Tây đặt ra nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga đang bắt đầu cảm thấy khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại