Giá "đắt" lại không đặt mục tiêu thắng - thua, Tứ hùng của U23 Việt Nam có còn đáng xem?

Đoàn Dự |

Những ngày qua, khi VFF công bố mức giá xem giải Tứ hùng U23 từ 150.000 đồng - 400.000 đồng, đã có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng quá cao.

Trước thềm Asiad, có thể nói giải giao hữu Tứ hùng U23 thật sự là một mặt trận được nhiều NHM nước nhà chờ đợi. Những đối thủ mạnh như U23 Oman, U23 Palestine và đặc biệt là U23 Uzbekistan khiến không ít người kì vọng sẽ được xem U23 Việt Nam cống hiến mãn nhãn và kịch tính.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, có 2 thông tin khiến sự háo hức của CĐV có phần trùng lại. Một là mức giá VFF đưa ra, từ 150.000 đồng - 400.000 đồng được cho rằng quá cao. Hai là chính HLV Park Hang-seo đã khẳng định ông sẽ không cạnh tranh thứ hạng, xem trọng thắng thua ở giải này mà chỉ dùng để rèn quân.

Vậy, giải Tứ hùng U23 có còn đáng xem với NHM? Câu trả lời chắc chắn là có, rất đáng xem là khác.

Đầu tiên, theo diễn biến mới nhất, Việt Nam rất có thể sẽ không mua được bản quyền Asiad 2018. Với nhiều NHM, sẽ là rất khó để tìm được cách theo dõi trực tiếp U23 Việt Nam thi đấu ở giải chính thức. Nếu muốn đỡ "nghiền" thì giải giao hữu này là một cơ hội không thể bỏ qua.

Giá đắt lại không đặt mục tiêu thắng - thua, Tứ hùng của U23 Việt Nam có còn đáng xem? - Ảnh 1.

U23 Việt Nam đang tích cực tập luyện và giải Tứ hùng U23 sẽ phần nào cho thấy sức mạnh của thầy trò HLV Park Hang-seo hơn kém ra sao so với VCK U23 châu Á hồi đầu năm.

Trở lại với câu chuyện HLV Park Hang-seo tuyên bố không coi trọng thứ hạng, thắng thua ở giải Tứ hùng, thực tế điều đó cũng đã diễn ra khi U23 Việt Nam tham gia giải Tứ hùng ở Thái Lan, trước thềm VCK U23 châu Á. Và giải đó, dù chỉ mang tính chất thử nghiệm nhưng rõ ràng các trận đấu của thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn rất hấp dẫn.

Khi Việt Nam cởi mở để thử nghiệm, các đối thủ cũng đều có tư duy tương tự, và các trận đấu trở nên phóng khoáng, cởi mở hơn.

Còn một điều đáng lưu ý nữa là về mặt chiến thuật, con người, HLV Park Hang-seo có thể chỉ mang tính chất thử nghiệm. Nhưng với mỗi cầu thủ vào sân, bên cạnh việc giữ gìn tránh chấn thương thì đều sẽ cố gắng hết sức phô diễn khả năng, hòng được giữ lại, thậm chí là "đặt chỗ" ở đội hình chính thức.

U23 Việt Nam sẽ lại làm nên kì tích ở Asiad 2018?

Cuối cùng, trở lại với mức giá, chẳng phải mỗi khi các cấp đội tuyển Việt Nam thi đấu kém thành công, không nhận được nhiều sự quan tâm thì mức vé rất rẻ, nhiều khi mở cửa tự do đó sao? VFF cũng cần tiền và chính số tiền đó sẽ được dùng một phần để đầu tư cho U23 Việt Nam.

Khi đội tuyển thi đấu tốt đương nhiên là một dịp để VFF thu về, bù lỗ cho những giai đoạn trầm lắng. Việc VFF tăng giá vé khi sức hút của đội tuyển lớn là một bài toán kinh doanh hợp lý và nếu yêu mến U23 Việt Nam, có lẽ không nên cân đo đong đếm quá nhiều.

Nếu mức giá cứ rẻ, lấy đâu ra tiền cho các đội tuyển? Tất nhiên, việc tính toán mức giá làm sao để "buôn bán" có lợi lại là một câu chuyện khác mà VFF cần cân đối.

Nói đi, nói lại, giải Tứ hùng U23 thật sự là một "bữa tiệc" cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói chung và U23 nói riêng. Từ VCK U23 châu Á tới Asiad 2018 đều không tổ chức trên đất Việt Nam, nên giải giao hữu này là cơ hội cuối cùng để phần đông NHM được trực tiếp theo dõi các thần tượng trẻ của mình. Hết Asiad 2018 là hết thế hệ của những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... trong màu áo U23. Vậy thì còn chờ gì nữa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại