Giá cà phê arabica trên Sàn hàng hóa liên lục địa ICE đã tăng 14% từ đầu tháng 11 đến nay, còn so với đầu năm thì hiện cao hơn khoảng 82% do nguồn cung bị gián đoạn, nhất là từ Brazil – nước sản xuất hàng đầu thế giới.
Phiên cuối tuần (thứ Sáu, 19/11), giá arabica kỳ hạn tháng 3 chốt phiên đã tăng 1,9% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 2,3340 USD/lb, trong phiên có thời điểm đạt 2,3955 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2011, đưa mức tăng trong tuần lên 6,5%.
Thị trường cà phê toàn cầu đã sốt nóng từ cuối năm 2020 do thời tiết bất thường ở Brazil và dịch Covid-19 tại các nước cung cấp cà phê chủ chốt. Tuy nhiên, từ ngày 8/11, giá tăng cực mạnh bởi "dự báo nguồn cung ở Brazil và Colombia rất kém (và) khả năng La Niña có thể khiến tình hình sản xuất càng tệ hơn nữagây ra các vấn đề về mùa vụ hơn nữa", Fitch Solutions cho biết.
"Căng thẳng chuỗi cung ứng đang ở mức cao chưa từng thấy. Chưa bao giờ chúng tôi phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi cùng lúc ", Judy Ganes, chủ tịch của J. Ganes Consulting cho biết. "Điều này đang nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng."
Thị trường gần đây càng sôi động bởi hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật. Đáng chú ý, mặc dù giá đang cao nhưng nhiều người trồng cà phê Brazil lại giữ hàng lại không bán ra lúc này, vì dự báo giá sẽ còn tăng thêm nữa.
Giá cà phê tăng trong bối cảnh lượng cà phê trong kho dự trữ còn rất ít và đồng tiền Brazil mạnh lên càng khiến cho người trồng cà phê Brazil không muốn bán ngay. Ngày càng có nhiều người lo ngại rằng sẽ có nhiều vụ vỡ nợ hợp đồng ở cả Brazil và Colombia và người trồng cà phê đã ký hợp đồng bán cà phê từ lâu với giá thấp hơn nhiều so với giá hiện nay, và lúc này giá tăng quá mạnh trong khi sản lượng thấp nên người trồng cà phê sẵn sàng phá hợp đồng.
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá arabica đã tăng hơn 35%, và tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, nguy cơ sẽ buộc các công ty như Starbucks Corp. và Peet's Coffee & Tea Inc. – sử dụng chủ yếu là arabica làm nguyên liệu – có thể sẽ phải nâng giá bán sản phẩm.
Giá arabica tăng khiến robusta không thể đứng ngoài cuộc. Theo đó, robusta kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London tăng 1,5% trong phiên cuối tuần, lên 2.245 USD/tấn do thời tiết bất thường (thiếu nắng) làm cho trái cà phê ở Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới – bị chậm chín, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn, có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tăng đột biến ở khu vực trồng cà phê chủ chốt cũng gây thiếu hụt nhân lực hái quả, khiến giá thuê nhân công hiện cao ít nhất gấp rưỡi so với vụ trước.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam (5% đen & vỡ) cuối tuần này tuần này thấp hơn 280 – 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1 trên sàn London, nới rộng so với mức trừ lùi 250 - 260 USD cách đây một tuần do không chắc chắn về chất lượng và khối lượng cà phê cung cấp.
Tại Indonesia, một nước sản xuất cà phê lớn khác ở Châu Á, nguồn cung cũng hạn chế trong khi nhu cầu bình thường. Mức trừ lùi giá cà phê robusta Sumatra ở tỉnh Lampung tuần này vững ở mức 250 USD so với hợp đồng tham chiếu ở London, cao hơn mức trừ lùi 170 - 180 USD so với kỳ hạn tháng 1 – 2 trên sàn London.
Băng giá và hạn hán phá hủy mùa màng ở nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - Brazil, cùng lúc mưa quá nhiều ảnh hưởng tới sản xuất ở Colombia trong khi tình trạng thiếu container vận chuyển đang kìm hãm xuất khẩu từ Việt Nam.
Khó khăn về nguồn cung còn chưa hết khi nội chiến xảy ra ở Ethiopia khiến cho nguồn cung càng thêm cạn kiệt. Các nhà phân tích cho biết bất cứ diễn biến bất lợi nào đối với quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất châu Phi này đều có thể khiến cho nguồn cung cà phê thế giới bị thắt chặt hơn nữa.
Brazil chiếm 40% sản lượng cà phê thế giới, và nước này hiện không còn đủ lượng cà phê dự trữ để làm hạ nhiệt mặt hàng này.
Theo Anike Ejlers Wolthers, người sáng lập Red Container Coffee, một nhà môi giới có trụ sở tại Santos, trung tâm xuất khẩu chính của Brazil, có khoảng 3,5 triệu bao cà phê – tương đương hơn 400 triệu bảng Anh - đang nằm trong các kho hàng của Brazil. Việc vận chuyển số cà phê này như tình hình hiện nay sẽ mất tới 100 ngày, trong khi mức bình thường là 30 này.
Việc vận chuyển khó khăn, cước vận chuyển cao và thời gian lâu càng khiến cho cơn sốt giá cà phê khó hạ nhiệt. Được biết, một số chuyến cà phê để đến thị trường đích mất thời gian vận chuyển lâu gấp 3 lần trước đây.
Ngay cả sản lượng cà phê của Ấn Độ - đang bù đắp nguồn cung cà phê ngắn hạn cho thị trường thế giới – cũng đang phải đối mặt với khả năng sụt giảm năng suất do mưa quá nhiều.
Trong báo cáo mới nhất của mình, USDA ước tính cả sản lượng và tiêu thụ cà phê thế giới đều tăng và cho rằng các kho dự trữ do ICE giám sát – đã giảm 77% so với năm ngoái – sẽ còn tiếp tục giảm, giá mặt hàng này có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh chi phí vận chuyển và giá phân bón đều đang ở mức rất cao, và tình trạng thiếu lao động vẫn chưa được giải quyết.
Giá phân bón tăng cũng buộc các nông dân phải nâng giá bán buôn cà phê. Giá phân bón trên thế giới hiện đang cao kỷ lục, trong khi phân bón đặc biệt quan trọng đối với cây cà phê. Nhiều người trồng cà phê phàn nàn rằng phân bón họ đặt mua mất đến 5-6 tháng vẫn chưa được giao đủ.
Theo Regis Ricco, giám đốc RR Consultoria Rural có trụ sở tại Minas Gerais, khoảng 30% nông dân trồng cà phê của Brazil không nhận được loại phân bón mà họ đã đặt, hoặc tệ hơn là không thể tìm thấy bất kỳ loại phân bón nào để mua.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng ngành trồng cà phê sẽ thua lỗ trong hai năm tới vì đất có thể không có đủ chất dinh dưỡng để giúp cho hoa đậu quả và quả phát triển bình thường trong vụ mùa năm 2023.
Chủ tịch Judy Ganes của công ty J. Ganes Consulting dự báo giá arabica có thể sớm tăng lên 2,7 đến 2,8 USD/lb. Một số chuyên gia thậm chí cho rằng tất cả những yếu tố trên có thể khiến giá cà phê arabica tăng lên 50 US cent/lb trong tương lai gần.
Hiện giá cà phê chưa có dấu hiệu dừng tăng. Nếu các hợp đồng kỳ hạn tương lai tiếp tục tăng giá thì có nghĩa là giá cà phê sẽ còn tăng thêm nữa. Điều này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng vốn đã chật vật do lạm phát tăng cao bởi giá các loại thực phẩm khác đều tăng, khiến cho cà phê cũng trở thành một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng lạm phát và cản trở kinh tế thế giới hồi phục.
Tham khảo: Financialpost, Reuters, Bloomberg