Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay sau khi tăng vượt dự báo trong năm 2017, nhờ đà phục hồi đầu tư, chế tạo, và thương mại tiếp diễn.
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ giảm tốc nhẹ còn 2,2% trong năm 2018 do các ngân hàng trung ương bắt đầu dỡ bỏ các chương trình kích thích hậu khủng hoảng và đà tăng đầu tư chậm lại.
Đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ tăng tốc đạt 4,5% trong năm nay do hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi nhờ giá cả tăng.
WB nhận định 2018 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính (2007-2008) nền kinh tế toàn cầu sẽ hoạt động gần hết năng lực. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần tìm kiếm các công cụ ngoài tiền tệ và tài khóa để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn và xem xét các sáng kiến mới để thúc đẩy tiềm năng dài hạn.
Sự suy giảm tiềm năng tăng trưởng là kết quả của nhiều năm tăng trưởng năng suất thấp, đầu tư kém và lực lượng lao động thế giới già hóa.
Nếu không thực hiện các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng, đà giảm có thể kéo dài sang thập kỷ tới và có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu 0,25 điểm phần trăm và mức giảm sẽ là 0,5 điểm phần trăm tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, WB cảnh báo.
Dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương. Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018-19 được nâng 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo hồi tháng 6/2017. Nguồn: Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2018 của WB.
Tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB dự báo đà tăng trưởng sẽ chậm lại còn 6,2% trong năm 2018, 6,1% năm 2019 từ mức 6,4% năm 2017, do quá trình tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc.
Sau khi đạt 6,8% trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,4% trong năm nay do quá trình tái cân bằng kinh tế từ đầu tư sang tiêu dùng và giảm phụ thuộc vào tín dụng.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% từ năm 2018 đến 2020, tức cao hơn mức trung bình của khu vực và hơn gấp đôi trung bình toàn thế giới. Điều này nhờ vào sản xuất nông nghiệp mạnh và ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay vẫn thua kém các nước khác như Campuchia (6,9%), Lào (6,6%), Myanmar (6,7%) và Philippines (6,7%), dự báo của WB.
Báo cáo không điểm riêng kinh tế mỗi nước, nhưng Việt Nam được nhắc đến là một trong những nơi tại châu Á thu hút mạnh FDI, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia, nhờ triển vọng tăng trưởng sáng sủa và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với Trung Quốc và Philippines, tăng trưởng tín dụng thực ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam đầu tháng 11/2017, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực, và đây tiếp tục là động năng tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Ông cũng lưu ý tình trạng ngành xuất khẩu bị cho phối bởi khu vực đầu tư nước ngoài, và các doanh nghiệp nước ngoài vẫn giúp bù đắp cho lượng nhập siêu của khu vực trong nước và giúp Việt Nam đạt thặng dư.
Do đó, ông Eckardt khuyến nghị cần tăng cường nội lực của khu vực trong nước và đẩy mạnh mối liên kết với khu vực nước ngoài.
Một số dự báo của WB cho Việt Nam.