GĐ nhà máy thép bị đóng cửa: "Tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân sẽ ra sao"?

Đình Thức |

"Đóng cửa nhà máy này tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân ở đây sẽ ra sao?", giám đốc 1 trong 2 nhà máy thép mới bị chính quyền Đà Nẵng thông báo đóng cửa chia sẻ.

Đóng cửa nhà máy công nhân sẽ sống bằng gì?

Liên quan đến sự việc người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) liên tục bao vây nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc khiến chính quyền Đà Nẵng ra quyết định đóng cửa hai nhà máy trên, bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc nhà máy thép Dana Úc, đã có những trải lòng với PV.

Bà Xuân cho biết đã vô cùng bất ngờ khi nhận được quyết định yêu cầu ngừng hoạt động nhà máy của mình vào chiều 2/3. Bà Xuân đã ngã gục, bật khóc nức nở sau khi ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đọc xong quyết định với toàn bộ người dân.

"Thật tình là sự việc quá đột ngột. Thành phố họ thấy dân quá bức xúc nên họ đưa ra chủ trương như vậy", bà Xuân nói.

GĐ nhà máy thép bị đóng cửa: Tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Người dân bao vây nhà máy thép vì quá ô nhiễm. Chính quyền Đà Nẵng đã đứng về phía người dân, đột ngột quyết định đóng cửa nhà máy thép

Theo bà Xuân, nhà máy thép Dana Úc không ngẫu nhiên mà đầu tư vào cụm công nghiệp Thanh Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Bà cho biết cơ sở sản xuất thép của bà trước đây có khoảng 150 công nhân sản xuất ở khu dân cư. Chính quyền Đà Nẵng yêu cầu di dời lên khu công nghiệp Hòa Khánh theo chủ trương của thành phố.

"Sau đó họ nói là không sản xuất ở Hòa Khánh được. Họ nói là cụm công nghiệp Thanh Vinh được phép sản xuất thép nên vận động doanh nghiệp lên đó đầu tư. Tôi sau đó đầu tư công nghệ mới nhất vào thời điểm đó để sản xuất", bà Xuân cho hay.

Nữ giám đốc này cho hay công suất nhà máy là 300.000 tấn/năm nhưng vì quá sát nhà dân nên chỉ sản xuất được khoảng 40.000 tấn/năm, chỉ hơn 10% công suất. Khi mới đầu tư, bà được cam kết sẽ di dời dân xa nhà máy, trồng cây xanh làm vành đai.

Tuy nhiên, việc này kéo dài dù thành phố năm 2017 đã quyết định sẽ hoàn thành di dời. Người dân đã đồng tình rồi nhưng thành phố không thực hiện nên mới bao vây nhà máy để đòi hỏi quyền lợi.

GĐ nhà máy thép bị đóng cửa: Tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Hàng trăm người dân thôn Vân Dương 1, 2 tập trung tham dự buổi đối thoại với thành phố sau khi bao vây nhà máy

"Tôi mong chính quyền xem xét lại quyết định của mình, chia sẻ với doanh nghiệp. Hoặc cho tôi thời gian 2, 3 năm để chúng tôi chuẩn bị đất đai để di dời nhà máy, công nhân ổn định công việc.

Đóng cửa nhà máy này tôi không đói. Con cái tôi ở Mỹ rồi, tôi có thể đi qua đó tôi sống khỏe rồi nhưng gia đình 500 công nhân ở đây thì làm sao. Tôi khóc không chỉ cho tôi mà cho họ. Họ lấy gì họ sống, họ sẽ ra sao", bà Xuân bật khóc, nghẹn ngào nói.

Lãnh đạo Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm

Ông Phan Hải, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng, cho hay bản thân cùng cộng đồng doanh nhân trẻ Đà Nẵng hết sức bất ngờ trước quyết định đột ngột của chính quyền thành phố. Ông Hải nói rằng đây không phải là lần đầu xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và hai nhà máy thép trên.

"Chúng tôi bất ngờ là do quyết định buộc phải dừng ngay lập tức việc hoạt động tại thời điểm đầu năm mới. Tôi cho rằng việc ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân là không ai mong muốn nhưng việc di dời dân hay nhà máy phải tính đến thật kỹ càng.

Chúng ta phải nhìn nhận khách quan về nguồn gốc vấn đề. Hai nhà máy trên trước đây nằm ở đường số 4 Khu công nghiệp Hòa Khánh. Chủ đầu tư được thành phố động viên đến cụm công nghiệp Thanh Vinh, vị trí hiện nay. Đây là chủ trương của thành phố và các doanh nghiệp thực hiện đúng về mặt pháp lý cũng như điều kiện hoạt động.

GĐ nhà máy thép bị đóng cửa: Tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Bà Xuân bật khóc nức nở khi đột ngột nghe thông báo đóng cửa nhà máy vào chiều 2/3

Lãnh đạo thành phố cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của mình. Việc dân cư và nhà máy hoàn toàn không phải là lỗi của doanh nghiệp", ông Hải thẳng thắn nói.

Theo ông Hải, quyết định của thành phố chưa tính hết rủi ro của doanh nghiệp khi buộc ngừng hoạt động. Doanh nghiệp sẽ điêu đứng thậm chí có thể phá sản, ảnh hưởng đến sự sống còn, sinh mạng của chủ doanh nghiệp.

"Tôi nghĩ rằng thành phố cần tính toán đầy đủ tất cả các rủi ro thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh. Sự việc lần này không chỉ ảnh hưởng đến 2 nhà máy thép, 2 chủ doanh nghiệp, hàng nghìn công nhân, người dân mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Tính nhất quán, minh bạch, trách nhiệm cần phải đặt ra.

Tôi kêu gọi lãnh đạo thành phố cần nhìn rõ trách nhiệm và giải pháp kịp thời", ông Hải bày tỏ.

GĐ nhà máy thép bị đóng cửa: Tôi không đói nhưng gia đình 500 công nhân sẽ ra sao? - Ảnh 4.

Mâu thuẫn giữa người dân và nhà máy thép đã có từ lâu

Theo đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng cho rằng sự việc hai nhà máy thép bị người dân phản ánh ô nhiễm đã có từ lâu. Chính quyền lúc đó đã không quyết liệt giải quyết dẫn đến hậu quả buộc nhà máy ngừng hoạt động đột ngột ở thời điểm này.

"Tôi cho rằng quyết định của Đà Nẵng là không đầy đủ. Khi đưa quyết định này thì thành phố phải cam kết giải quyết đầy đủ thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu.

Việc đóng cửa này không xuất phát từ sai phạm của doanh nghiệp mà xuất phát từ quy hoạch và bố trí dân cư của chính quyền", ông Hải nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại