Gây chuyện với dự án của Nga: Pháp, Ba Lan phát tín hiệu với Mỹ, ganh đua vai trò với Đức

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Pháp, Ba Lan và một vài thành viên EU khác gây chuyện với dự án Nord Stream 2 vì muốn phát tín hiệu với Mỹ, tăng thế trong quan hệ với Nga và ganh đua vai trò trong EU với Đức.

EU chia rẽ vì dự án của Nga

Các nước thành viên EU vừa đạt được thoả thuận về việc tiếp tục thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Tuyến đường ống này chạy song song với tuyến đường ống Nord Stream 1 từ Nga sang Đức ngầm qua Biển Bắc chứ không quá cảnh qua Ucraine hay Ba Lan.

Nó dài 1200 km và hiện đã được thực hiện xong một phần tư. Theo thoả thuận ban đầu, liên doanh này giữa Nga và một số thành viên EU cùng nhau xây dựng, cùng nhau sở hữu và cùng nhau vận hành Nord Stream 2 mà trong đó tập đoàn Gazprom của Nga chiếm 51%, phần còn lại dành cho một tổ hợp với tỷ trọng lớn nhất thuộc về Đức và Pháp.

Dự kiến cuối năm 2019, Nord Stream 2 sẽ hoàn tất và được đưa vào sử dụng.

Ngay từ ban đầu, dự án này đã làm nội bộ EU bị phân rẽ bởi nội bộ EU không thống nhất về chính sách đối với Nga và trong việc xử lý quan hệ với Nga. Phe ủng hộ dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của Nord Stream 2 đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng cho EU.

Phe chống phá viện dẫn khả năng về nguy cơ EU bị phụ thuộc nhiều hơn vào cung ứng năng lượng từ Nga và vì thế dễ dàng bị Nga khống chế hơn. Dù vậy, dự án này vẫn được triển khai thực hiện như thoả thuận. Cho tới khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ.

Chính quyền của ông Trump chống đối kịch liệt North Stream 2. Trên danh nghĩa chính thức, ông Trump đưa ra biện luận là với Nord Stream 2, EU giúp Nga lách những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU liên quan đến việc Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở Ucraine.

Trong thực chất, ông Trump muốn thúc ép EU nhập khẩu nhiều hơn năng lượng, cụ thể là khí đốt hoá lỏng, từ Mỹ để thu hẹp mức độ xuất siêu của EU trong trao đổi thương mại với Mỹ. Một vài thành viên EU vốn có quan hệ thiếu thân thiện với Nga và có nhu cầu tranh thủ ông Trump để gây dựng mối quan hệ đặc biệt với Mỹ tận dụng dịp này tăng cường chống phá Nord Stream 2. Vì thế, Nord Stream 2 trở thành chuyện thời sự mới giữa EU và Nga cũng như trở thành chuyện nội bộ mới đối với EU.

Gây chuyện để kiếm phần

Sự nhất trí mới trong EU về Nord Stream 2 giúp dự án này vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện, nhưng bao hàm những thay đổi rất cơ bản liên quan trực tiếp đến Nga và Đức. Theo đó, EU tách bạch việc sở hữu Nord Stream 2 với việc vận hành và kinh doanh Nord Stream 2.

Liên doanh trên vẫn sở hữu Nord Stream 2 nhưng không vận hành và kinh doanh với Nord Stream 2 mà việc này giao cho Đức nhân danh phía EU chứ không giao cho Uỷ ban EU. Phía Đức chịu nhượng bộ ở đây không hề nhỏ nhưng duy trì được vai trò đầu mối. Phía Nga bị mất quyền điều hành việc vận hành và kinh doanh Nord Stream 2 nhưng dự án vẫn được tiếp tục thực hiện.

Uỷ ban EU không hủy bỏ được Nord Stream 2 nhưng cản trở được việc phía Nga đóng vai trò chính trong việc vận hành và kinh doanh Nord Stream 2, đồng thời giành về quyền kiểm soát phía Đức thực hiện quyết sách mới này của EU. Ở đây có chuyện Uỷ ban EU, Pháp và một vài thành viên EU khác cùng Mỹ gây chuyện với Đức và Nga để kiếm phần.

Gây chuyện với dự án của Nga: Pháp, Ba Lan phát tín hiệu với Mỹ, ganh đua vai trò với Đức - Ảnh 3.

Quy định mới này của EU khiến cho việc kinh doanh Nord Stream 2 chắc chắn không còn có lợi nhiều như dự định ban đầu đối với Nga nhưng vẫn giúp Nga xuất khẩu được khí đốt sang EU và trong chừng mực ấy vẫn duy trì được mức độ ràng buộc EU vào quan hệ hợp tác với Nga chứ không chuyển hẳn sang trạng thái bỏ Nga và chỉ hợp tác với Mỹ.

Phía EU không dám bỏ hẳn Nga để chuyển sang chỉ nhập khẩu năng lượng từ Mỹ vì không muốn chuyển sự lệ thuộc vào Nga sang thành sự lệ thuộc vào Mỹ mà sẽ hành xử theo hướng giảm bớt nhập khẩu khí đốt từ Nga và tăng thêm nhập khẩu khí đốt hoá lỏng từ Mỹ để vừa duy trì áp lực đối với Nga vừa vô hiệu hoá sức ép từ Mỹ.

Dẫu có làm găng với Nga đến mấy trong các phương diện quan hệ khác thì EU vẫn có lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài trong việc duy trì quan hệ hợp tác với Nga, có thể không thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chắc chắn không để cho bị đổ vỡ và cũng còn vì phải dùng quan hệ với Nga làm một con chủ bài trong xử lý quan hệ với Mỹ.

Pháp, Ba Lan và một vài thành viên EU khác lần này gây chuyện vì vừa muốn phát đi tín hiệu về phía Mỹ, vừa tạo và tăng thế trong quan hệ với Nga lại vừa ganh đua vai trò trong EU với Đức. Vì thế, Nord Stream 2 đã bị biến dạng từ dự án khởi thuỷ là kinh tế và thương mại bây giờ thành chính trị trước hết. Chính vì thế mà EU sẽ còn thay đổi quan điểm về Nord Stream 2 và vẫn còn rất nhiều sóng gió ở phía trước dự án này.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại