Chiều 26-1, phiên xử đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Hứa Thị Phấn (cựu lãnh đạo ngân hàng Trustbank).
Hai luật sư bảo vệ cho bà Phấn là Trương Thị Minh Thơ (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM) và Nguyễn Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM).
Mở đầu phần bảo vệ cho bà Phấn, luật sư nêu lại việc sáng 22-1 trong nội dung luận tội, VKS đề nghị HĐXX thu hồi 6.127 tỉ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV để khắc phục thiệt hại cho ngân hàng CB (trước là VNCB) và buộc ông Phạm Công Danh cùng Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi hoàn lại 6.127 tỉ đồng cho 3 ngân hàng trên.
VKS đề nghị không thu hồi 600 tỉ đồng ông Danh đã chuyển vào Ngân VNCB để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ thông qua tài khoản phong tỏa của bà Phấn theo phương án tái cơ cấu Truskbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Sau đó, cuối buổi sáng và chiều 22-1, các luật sư bào chữa cho ông Danh cũng đã lần lượt tham gia tranh luận, đưa ra nhiều quan điểm để bào chữa cho ông Danh. Trong đó có quan điểm cho rằng nguyên nhân ông Danh gây ra thiệt hại 6.127 tỉ đồng là xuất phát từ bà Hứa Thị Phấn, từ việc chuyển nhượng Trustbank.
Từ đó, các luật sư đề nghị thu hồi 3.600 tỉ đồng (trong đó có 600 tỉ đồng ông Danh vay từ TPBank chuyển cho bà Phấn để thực hiện tái cơ cấu Trustbank) từ bà Phấn để khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Danh.
Về thủ tục tố tụng, luật sư trình bày rằng bà Phấn không có bất kỳ lời khai nào trong hồ sơ vụ án, bà Phấn không được các cơ quan tố tụng lấy lời khai bao gồm cả số tiền 600 tỉ đồng mà cáo trạng nêu.
Ngoài ra, 8 cá nhân liên quan đến việc sử dụng 600 tỉ đồng không được triệu tập tham gia phiên tòa.
Theo phương án tái cơ cấu ngân hàng, để tiếp quản Trustbank, Tập đoàn Thiên Thanh phải thanh toán cho nhóm Phú Mỹ 4.620 tỉ đồng.
Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 4.620 tỉ đồng này Tập đoàn Thiên Thanh không thanh toán cho nhóm Phú Mỹ hay cá nhân bà Phấn, mà Tập đoàn Thiên Thanh phải chuyển vào Trustbank để tất toán dư nợ gốc của 29 khoản vay là 3.600 tỉ đồng và khoản đầu tư 1.000 tỉ đồng thông qua tài khoản phong tỏa của bà Phấn.
Theo thỏa thuận này, ông Danh đã chuyển vào tài khoản phong tỏa của bà Phấn gần 1.000 tỉ đồng với nội dung "Chuyển khoản trả nợ vay của các khách hàng nhóm Phú Mỹ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa Thiên Thanh và Phú Mỹ". Trong số tiền này thì có 600 tỉ đồng ông Danh vay từ TPBank để chuyển trả cho bà Phấn.
Luật sư hoàn toàn đồng ý với nội dung mà VKS đề nghị thu hồi số tiền 6.127 tỉ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6.127 tỉ đồng của ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cho 3 ngân hàng.
Luật sư cũng nhất trí với VKS không thu hồi 600 tỉ đồng ông Danh đã chuyển vào VNCB để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ thông qua tài khoản phong tỏa của bà Phấn.
Bởi vì theo luật sư, các giao dịch giữa ông Danh, bà Phấn và VNCB liên quan đến tái cơ cấu VNCB không thể khôi phục bằng vụ kiện khác vì các giao dịch này đã được thay thế bởi giao dịch mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư cũng khẳng định rằng VNCB, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh mới là người thụ hưởng cuối cùng 600 tỉ đồng. Đồng thời, 600 tỉ đồng ông Danh chuyển cho bà Phấn không phải là vật chứng vụ án để thu hồi, xử lý và không phải tiền do phạm tội mà có.
Từ những luận cứ này, 2 luật sư bảo vệ cho bà Phấn đề nghị HĐXX chấp nhận quan điểm của VKSND TP HCM là không thu hồi 600 tỉ đồng.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 18-1, luật sư của bà Phấn đặt câu hỏi vậy ông Danh có giao dịch dân sự, cá nhân với bà Phấn hay không, hay số tiền 600 tỉ đồng nằm trong dòng tiền sử dụng tái cơ cấu VNCB, ông Danh né tránh và nói số tiền này ông Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) biết rõ nhất chứ ông không nhớ rõ.
Ông Mai trả lời rằng sử dụng 600 tỉ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ (do bà Phấn làm đại diện) nhằm tái cơ cấu VNCB.
Ông Đặng Văn Thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết theo đề án tái cơ cấu, chủ ngân hàng mới tiếp nhận phải chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.