"Gấu Bắc Cực" xuất hiện ở châu Á-TBD: TT Putin dựng trục Bắc-Nam, phá thế kìm kẹp Đông-Tây

Thủy Thu |

Tổng thống Putin đang nỗ lực dựng bức tường thành kiên cố kéo dài từ Bắc Cực xuống châu Á - Thái Bình Dương nhằm phá vỡ thế trận o bế của NATO ở phía Tây và Mỹ ở phía Đông.

Từ ngày 9-14/6 vừa qua, hai tàu khu trục Nga đã tới thăm Philippines trong vòng 5 ngày, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng.

Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), thực tế trong nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã luôn duy trì chính sách ngoại giao độc lập nhằm tăng cường liên kết với các nước lớn như Nga, Trung Quốc.

"Tuy sự hợp tác này vẫn tồn tại những hạn chế rõ ràng nhưng sự tương tác này đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, hai bên đang tìm kiếm "lợi ích chung" trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, Nga hoặc cũng mượn bàn đạp trong sự hợp tác với Philippines để thẳng tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tìm kiếm con đường phát triển mới", báo Trung Quốc nhận định.

"Gấu Bắc Cực" xuất hiện ở châu Á - Thái Bình Dương

Tờ này cho rằng, chuyến thăm của các tàu chiến Nga mang ý nghĩa rất lớn trong việc hợp tác quân sự và quốc phòng với Philippines. Thực tế, ngay từ năm 2017, Moscow và Manila đã ký một thỏa thuận quân sự mới trong thời gian ông Duterte ở thăm Nga.

Ngoài ra, các sự kiện khác liên quan diễn ra vào năm ngoái như phái đoàn quân sự Philippines đã tới thăm Nga để quan sát diễn tập quân sự, hai nước ký thỏa thuận hợp tác quân sự kỹ thuật, tàu chiến Nga chuyển giao vũ khí trong dịp thăm Manila lần thứ ba đều là những yếu tố thúc đẩy cho sự phát triển quan hệ Nga-Philippines.

Gấu Bắc Cực xuất hiện ở châu Á-TBD: TT Putin dựng trục Bắc-Nam, phá thế kìm kẹp Đông-Tây - Ảnh 1.

Kế hoạch "Nam tiến" giúp Tổng thống Putin phá vỡ thế "kìm kẹp" Đông-Tây từ NATO và Mỹ. Ảnh: Phủ TT Philippines

Đặc biệt, trong bối cảnh triển vọng phát triển kinh tế khó khăn như hiện nay do bị Mỹ và các đồng minh phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt, Nga khó chiếm ưu thế hơn các đối thủ về địa chính trị.

Tuy nhiên, nếu xét theo chiều dọc, việc tăng cường hợp tác với Philippines rất có khả năng là bàn đạp giúp Nga thông qua Philippines để mở ra một con đường mới về phát triển kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hạ nhiệt tình hình nghiêm trọng hiện nay đối với Moscow.

Mặt khác, do có một lực lượng quân sự mạnh, công nghệ quân sự tiên tiến cùng doanh thu quân sự lớn nên Nga có thể thông qua Philippines để mở ra một thị trường mua bán vũ khĩ mới, tạo đà phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, báo Trung Quốc cho rằng, đây là kế hoạch dài hạn và Nga khó thành công trong khoảng thời gian ngắn như 5 năm tới bởi đa phần các nước trong khu vực này là thị trường của Mỹ.

Nhưng bất kể khó khăn gì đi nữa cũng không thể phủ nhận khả năng "Gấu Bắc Cực" sẽ xuất hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai thông qua "hạt giống" hợp tác Moscow - Manila.

Xoay trục Bắc-Nam phá thế kìm kẹp Đông-Tây

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và sự tiêu thụ tài nguyên lớn trên thế giới, các nguồn năng lượng mới sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các quốc gia.

Theo ước tính, trữ lượng dầu được tìm thấy dưới lòng Bắc Cực tương đương khoảng 233 tỷ thùng, cùng trữ lượng khí thiên nhiên vô cùng dồi dào. Do hơn 60% diện tích đất Bắc Cực thuộc lãnh thổ Nga nên vô hình trung nước này nắm ưu thế trong việc kiểm soát và khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.

Việc thành lập Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực và căn cứ quân sự mang tên "Cỏ ba lá Bắc Cực" cho thấy Moscow đã làm chủ công nghệ hàng đầu thế giới hiện này và kiện toàn năng lực tìm kiếm mở rộng khai thác tài nguyên ở Bắc Cực. Bất kể ở khía cạnh nào đều chứng tỏ, Tổng thống Putin đã tính toán kỹ lưỡng các kế hoạch chiến lược ở Bắc Cực.

Ngoài ưu thế về tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực, giá trị vận tải và quân sự tiềm năng của Nga ở đây cũng vô cùng lớn.

Cùng với sự ấm lên của khí hậu toàn cầu, hiện tượng tan băng ở Bắc Băng Dương đang dần xuất hiện, khi phần lớn diện tích của Bắc Băng Dương bị xóa sổ, Bắc Cực nghiễm nhiên trở thành tuyến đường hàng hải mới, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Tây Thái Bình Dương tới Đại Tây Dương và các quốc gia châu Âu.

Điều nay mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng.

Gấu Bắc Cực xuất hiện ở châu Á-TBD: TT Putin dựng trục Bắc-Nam, phá thế kìm kẹp Đông-Tây - Ảnh 2.

Nga đang nắm giữ tiềm năng quân sự ở Bắc Cực thông qua căn cứ quân sự Cỏ ba lá Bắc Cực.

Ngoài ra, điều kiện địa lý của khu vực Bắc Cực rất đặc biệt, với các lớp băng dày nên các quốc gia không thường xuyên tổ chức tuần tra ở khu vực này, do đó, nó trở thành nơi lý tưởng cho hoạt động của tàu ngầm hạt nhân.

Sức tấn công mạnh mẽ của tàu ngầm hạt nhân kết hợp với công nghệ tàng hình sẽ trở thành một lưỡi dao sắc bén, gây đòn trí mạng bất cứ lúc nào. Triển khai sức mạnh hạt nhân ở Bắc Cực sẽ giúp một quốc gia tăng gấp đôi sức đe dọa.

Trước những ưu thế này có thể thấy, Bắc Cực là trọng tâm chiến lược của Nga, trang bị lượng lớn các thiết bị quân sự và kỹ thuật ở đây đồng nghĩa việc, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ giành được "Bắc Băng Dương".

Trong bối cảnh bị kìm kẹp bởi NATO ở phía Tây và Mỹ ở phía Đông, nhằm tránh việc bị đối thủ gây áp lực ở Bắc Cực, điện Kremlin đã thực hiện bước đi lớn hơn về phía Nam - đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo nên "trục Bắc Nam".

Nga một mặt nắm vững trung tâm chiến lược Bắc Cực bằng cách tiếp tục đầu tư sức mạnh quân sự, vũ khí, ổn định cục diện tại đây.

Mặt khác mở rộng tầm nhìn xuống phía Nam thông qua hợp tác với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, mở ra con đường và thị trường mới. Điều này không chỉ để giảm bớt gánh nặng của nền kinh tế trong nước ở một mức độ nào đó mà còn giúp Nga đảm bảo cho kế hoạch "Nam tiến".

Ngoài ra, chiến lược này giúp Nga xây dựng "trật tự quốc tế mới" bởi mặc dù thế giới ngày nay đang dần dần trở nên đa cực nhưng Mỹ vẫn chiếm lĩnh vị trí đứng đầu về kinh tế, chính trị và quân sự nên muốn phá vỡ trật tự cũ do Mỹ lãnh đạo, Nga cần tìm ra kế hoạch hợp tác mới và kế hoạch xoay trục Bắc - Nam có thể phục vụ chiến lược này của Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại